GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CƠ SỞ TRONG PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Bình đẳng giới là vấn đề được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Những nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn đâu đó những góc khuất từ vấn nạn bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn gây ảnh hưởng nặng nề đến thể xác và tinh thần của nạn nhân

Bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn gây ảnh hưởng nặng nề đến thể xác và tinh thần của nạn nhân

Kết quả Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê cho thấy có tới 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hành vi bạo lực gia đình, gồm: thể xác, tình dục và tinh thần, trong đó có 5% phụ nữ đang mang thai. 1/2 số phụ nữ bị bạo hành không nói với bất cứ ai và 87% không tìm đến sự giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền.

Còn theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn từ năm 2012 đến hết 2017 xảy ra 139.395 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực về thân thể 69.133 vụ, bạo lực về tinh thần 51.227 vụ, bạo lực về kinh tế 14.331 vụ, bạo lực tình dục 4.338 vụ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em bởi người thân gia đình. Để khắc phục thực trạng này, theo ý kiến của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các tổ chức cơ sở.

Về vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay vẫn còn diễn ra tình trạng bạo lực gia đình. Đại biểu có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Thời gian qua, bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội. Có thể thấy, hầu như ở đâu từ thành thị đến nông thôn đều xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình đang là một trong những nguyên nhân chính đẩy nhiều gia đình đến bờ vực tan vỡ. Bạo lực gia đình diễn ra trên nhiều phương diện cả tinh thần lẫn thể xác, với những mức độ khác nhau. Hậu quả của bạo lực gia đình để lại là hết sức nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, tài sản,.... Nạn nhân của bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em. Đây đều là những đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ. Mặc dù, hậu quả để lại từ nạn bạo lực gia đình rất nặng nề nhưng hầu hết các nạn nhân lại im lặng và cam chịu một mình. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu thì đâu là nguyên nhân khiến vấn nạn bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong gia đình. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản vẫn là do yếu tố nhận thức. Bạo lực gia đình chính là biểu hiện của sự bất bình đẳng giới, là kết quả của chế độ gia trưởng. Thậm chí, ngay chính người vợ đôi khi cũng chấp nhận việc bị chồng bạo hành vì quan niệm "xấu chàng thì hổ thiếp". Chính sự im lặng của người phụ nữ lại vô tình tiếp tay cho hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác như kinh tế, mâu thuẫn gia đình, ngoại tình v.v… cũng là nguyên nhân trực tiếp của bạo lực, làm tăng nguy cơ của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, sự quan tâm của cộng đồng tới phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa thực sự đầy đủ. Vẫn còn những nơi coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình. Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình đôi khi còn chưa kịp thời, nghiêm minh.

Phóng viên: Để ngăn chặn và giảm thiểu nạn bạo lực trong gia đình, cần chú trọng những giải pháp gì, thưa đại biểu?

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Để giảm thiểu nạn bạo lực gia đình, trước hết cần thay đổi, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Cụ thể, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú. Đồng thời, tiến hành giáo dục bình đẳng giới ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình được hiệu quả, vai trò trung gian, kết nối của các tổ chức cơ sở là vô cùng quan trọng và cần thiết. Các tổ chức cơ sở cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối và là điểm tựa vững chắc cho mỗi gia đình vì mục tiêu “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=46776