GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: THÁO GỠ NHỮNG RÀO CẢN VỀ MẶT HÀNH CHÍNH ĐỂ LAO ĐỘNG TỰ DO TIẾP CẬN GÓI AN SINH

Lao động phi chính thức là những lao động tự kiếm việc làm, không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm, không có lương cố định. Họ là những người nghèo đô thị, nông dân vì những hoàn cảnh khác nhau phải ra thành phố mưu sinh. Đối tượng này đang chiếm tới ¾ tổng số việc làm của nền kinh tế.

Lao động tự do lao đao vì đại dịch covid -19

Phía sau chợ Long Biên phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Tp.Hà Nội, xóm trọ hiện có khoảng 70 phòng trọ lụp xụp. Khách thuê trọ là những người lao động nghèo muốn tìm chỗ trú ngụ qua ngày để mưu sinh. Điều đặc biệt là xóm trọ này không có tên, các phòng trọ ở đây cũng chỉ được dựng đơn sơ, tạm bợ. Anh Phạm Văn Đức quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, một khách thuê trọ ở đây cho biết, căn phòng trọ rộng chưa đầy 10 m2 được thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng gồm có giường ngủ, bếp và khu vệ sinh thông nhau. Gia đình anh có 3 người con, đều đã gửi ở quê cho ông bà nội chăm sóc, 02 vợ chồng lên Hà Nội bám vào chợ Long Biên bán sức lao động để kiếm tiền lo cho con ăn học. Trước khi có dịch, mỗi tháng 2 vợ chồng anh có thể kiếm được hơn trục triệu, thế nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, công việc ít đi, vợ anh phải khăn gói về quê, còn anh thì cố gắng bám trụ lại.

Xóm trọ của người lao động tự do tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội

Xóm trọ của người lao động tự do tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội

Điều kiện sống tồi tàn, cũng như dịch bệnh đang hành hoành, thế nhưng anh Đức cũng như nhiều khách trọ ở đây vẫn phải trả đủ tiền thuê hàng tháng.Với giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng, căn “lều” của Anh Trần Văn Hồng quê ở Hà Nam rộng vỏn vẹn 8 m2. Theo lời anh Hồng chia sẻ, khách thuê trọ ở đây vẫn gọi vui với nhau những căn phòng ở đây là “lều trọ”. Ở khu vực gần trung tâm của Hà Nội, họ cũng chẳng biết tìm đâu được chỗ nào rẻ hơn để thuê. Về quê thì không biết làm gì để kiếm sống nên những người lao động nghèo vẫn cố gắng bám trụ ở phố phường trong những căn phòng trọ tồi tàn để mưu sinh qua ngày.

Dịch Covid-19 bùng phát, những người ở xóm trọ nghèo không tên lại càng thêm chật vật, khó khăn. Là người nhiều tuổi nhất khu trọ, bà Trần Thị Nhuận 69 tuổi quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã ở khu trọ này suốt gần 10 năm qua. Hàng ngày, bà Nhuận đi quanh chợ Long Biên để nhặt ve chai bán kiếm sống. Theo bà, mỗi ngày nhặt được ve chai đem bán kiếm được 10.000 - 15.000 đồng, dành ra mua rau, hôm nào khá hơn một chút thì có thêm quả trứng. Từ khi dịch Covid-19 trở lại, những người đi thu mua ve chai ít hơn nên công việc của bà vốn dĩ đã khó khăn thì nay lại thêm phần cơ cực.

Bà Trần Thị Nhuận, lao động tự do

Bà Trần Thị Nhuận, lao động tự do

Những người lao động ở xóm trọ đến từ khắp các tỉnh như Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ,… nhưng cũng không ít người vô gia cư, không nhà không cửa thuê trọ sống qua ngày. Mỗi người một câu chuyện, một số phận, một mảnh đời riêng, nhưng có một điểm chung đó là họ đều phải cố hết sức bám trụ lại để kiếm miếng cơm manh áo lo cho bản thân và gia đình. Những khó khăn của người dân xóm trọ không tên này cũng là những khó khăn của hàng nghìn người lao động tự do đang cố cầm cự, mưu sinh trên những con phố của Hà Nội. Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao thì gánh nặng mưu sinh đối với họ càng thêm nặng nề.

Khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 1, nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ có tổng trị giá hơn 62.000 tỷ đồng. Cùng với đó, khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách này. Trong đó người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm (hay còn gọi là lao động tự do) sẽ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, khi được hỏi đã có cán bộ nào đến nói với dân xóm trọ rằng người dân nơi đây thuộc diện được hưởng gói cứu trợ vì bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không? thì "Không!", là câu trả lời của hầu hết người dân lao động tự do nơi đây.

Có thể nói, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ được coi là "phao cứu trợ" của người lao động giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ thì nhóm lao động tự do là nhóm phức tạp nhất trong quá trình rà soát. Bà Trần Thị Minh Vân, Phó Chủ tịch UBND Phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội cho biết, đến lúc làm hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thì công dân đó phải có xác nhận của chính quyền địa phương 1 trong 2 nơi. Nếu như hưởng ở nơi hiện đang tạm trú thì phải có xác nhận là chưa kê khai, trong trường hợp người dân có hộ khẩu thường trú ở trên địa bàn Phường đã chuyển đi nơi khác tạm trú mà vẫn muốn được làm hồ sơ giải quyết ở Phường thì chúng tôi vẫn tiếp nhận và sau đó vẫn phải có xác nhận của nơi tạp trú.

Trong 5 nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi Covid còn lại, khó khăn nhất vẫn là nhóm thứ 4 gồm những lao động tự do không theo hợp đồng điển hình như những người dân xóm trọ không tên phía sau chợ Long Biên. Theo khảo sát sơ bộ của một số tổ chức xã hội, tổng số lao động tự do hiện nay chiếm tới 18 triệu người. Đó là những người nghèo đô thị, nông dân không còn đất hoặc không đủ sống phải ra thành phố kiếm ăn, họ làm đủ nghề, gồm bán vé số, bán hàng rong, thu gom phế liệu, chạy xe ôm, làm thuê theo ngày...

Không chỉ có vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm đã có 29.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, trong đó có 19.600 chờ thủ tục giải thể, 7.400 đã giải thể. Khoảng 95% doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ kinh doanh dịch vụ đang khó đứng vững. Cùng với đó là hàng triệu lao động đã mất việc làm, con số này chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng ánh sáng, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hàng triệu người tham gia vào thị trường lao động tự do. Số lao động này trước đây làm việc ở trong các công xưởng, nhà máy nên có trình độ và tay nghề cao, do đó sẽ cạnh tranh rất mạnh với nhóm lao động tự do hiện tại vốn đã yếu thế thì nay sẽ rất dễ bị tổn thương.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng ánh sáng

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng ánh sáng

Một tin vui đối với người lao động, đó là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ lần 2 cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số đối tượng được mở rộng hơn lần 1 bao gồm cả lao động tự do mất việc làm với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, thời gian áp dụng từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Bên cạnh những gói hỗ trợ khẩn cấp, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp bền vững để người lao động, nhất là lao động khu vực phi chính thức, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất không bị rơi vào trạng thái “cùng cực”, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Tháo gỡ rào cản về mặt hành chính

Cần phải nói rằng, không phải đến khi dịch Covid-19 bùng phát, các chính sách hỗ trợ mới "tìm" đến nhóm đối tượng yếu thế này, nhưng thực tế việc thực thi các chính sách thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Vì sao có tình trạng này? Khó khăn của lao động tự do khi tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ là gì? Làm thế nào để lao động tự do tiếp cận gói hỗ trợ đó? Giải pháp nào để người lao động, nhất là lao động khu vực phi chính thức để vượt qua giai đoạn khó khăn này? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này:

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về những thiệt thòi của nhóm đối tượng lao động tự do trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Và theo Đại biểu thì vì sao nhóm đối tượng này lại bị chịu tác động đầu tiên khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Có thể nói rằng, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ thực hiện là để chúng ta hỗ trợ cho người lao động bị suy giảm thu nhập sâu có nghĩa là có nghĩa là không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Cho nên trong tất cả các nhóm đối tượng đó thì nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức là bị thiệt thòi nhiều nhất và trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chúng ta rất khó khăn trong việc theo dõi, tổng hợp, lập danh sách để triển khai một cách kịp thời. Chính vì lẽ đó nên gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ theo Nghị quyết 42 cho đến nay nhóm đối tượng này vẫn chưa tiếp cận được và rất nhiều người đúng theo đối tượng quy định của Chính phủ nhưng chưa nhận hỗ trợ. Cho nên đây là nhóm đối tượng thiệt thòi nhất và hiện nay đang vướng mắc trong triển khai.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tháo gỡ những rào cản về mặt hành chính để cho nhóm đối tượng lao động tự do được tiếp cận nhanh gói hỗ trợ của nhà nước với phương trâm hướng tới mục tiêu con người là trên hết. Quan điểm của Đại biểu như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Đó chính là quan điểm rất đúng đắn. Vừa rồi thông qua hoạt động giám sát và tôi đã trực tiếp đi các tỉnh như Hà Nam và thành phố Hải Phòng thì thấy rằng, rõ ràng hiện nay đối tượng này chưa tiếp cận được gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Vậy vấn đề đặt ra là cách thức triển khai cần tiến hành như thế nào cho hiệu quả? Qua xem xét, đánh giá và giám sát thì rõ ràng là đang vướng ở thủ tục hành chính khi mà chúng ta hướng dẫn thì đối tượng này chúng ta cũng chưa thể hiện được một cách chi tiết là ai tổng hợp? tổng hợp như thế nào và cách thức ra sao?. Tôi lấy ví dụ những người làm nghề xe ôm, những người làm hợp đồng lao động đối với các chủ sử dụng lao động hoặc là hộ gia đình nhưng không có hợp đồng lao động;... rõ ràng đây là họ là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhưng cho đến nay vẫn không tiếp cận được gói hỗ trợ này. Đây chính là vấn đề chúng ta phải xem xét, rà soát kỹ lưỡng. Vấn đề cần xem xét đầu tiên chính là chúng ta phải suy nghĩ đến thủ tục hành chính, cách thức để chúng ta tổng hợp, cách thức để thống kê như thế nào để cho người lao động được tiếp cận gói hỗ trợ an sinh xã hội này.

Phóng viên: Theo Đại biểu, chúng ta cần thực hiện những giải pháp nào để người lao động, nhất là lao động khu vực phi chính thức, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất không bị rơi vào trạng thái “cùng cực”, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi , Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải thực hiện được mục tiêu của gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ. Chúng ta cần tiến hành đồng thời việc điều chỉnh tiêu chí, điều kiện, cách thức phân loại và định hình triển khai thực hiện để việc triển khai được hiệu quả và thực chất. Ngoài ra, chúng ta phải nghĩ đến những vấn đề khác có liên quan. Tôi lấy ví dụ: giai đoạn 2 của covid19 khó khăn hơn, phức tạp hơn và có thể tác động trên diện rộng hơn thì phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch hiệu quả vừa sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế. Vì vậy, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương phải nghiên cứu kỹ, kịp thời không nên quá nhiều văn bản hướng dẫn phức tạp, mà cách thức tiến hành phải làm sao nhanh gọn, trực tiếp, kịp thời để sớm hồi phục kinh tế, đảm bảo đời sống người lao động.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm của hàng triệu người lao động, đặc biệt là nhóm lao động tự do. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như của Đại biểu Quốc hội có thể thấy, cần đơn giản hóa các rào cản hành chính để người lao động đặc biệt là nhóm lao động tự do được nhanh chóng, thuận lợi tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh những gói hỗ trợ khẩn cấp, Chính phủ cần có những giải pháp mang tính bền vững để người lao động, nhất là lao động khu vực phi chính thức, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất không bị rơi vào trạng thái “cùng cực”, để không người dân nào bị bỏ lại phía sau./.

Lê Anh - Trần Tiến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=48421