GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TÍCH CỰC PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VÀ XÓA BỎ KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP

Nhằm nâng cao quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản cùng các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo 'thẻ vàng' theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp...

Phát triển ngành Thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững

Là quốc gia ven biển có vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, với bờ biển dài hơn 3.260 km cùng khoảng 4.000 đảo, quần đảo. Việt Nam có ngành thủy sản phát triển lâu đời, sở hữu nhiều chủng loại thủy sản đa dạng được phân bố dựa trên sự khác biệt về đặc điểm địa lý và khí hậu, trải dài từ Bắc đến Nam. Trải qua 60 năm phát triển, ngành thủy sản Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đạt tốc độ tăng trưởng cao; quy mô và giá trị sản xuất lớn; có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Khai thác thủy sản

Khai thác thủy sản

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết cơ cấu sản phẩm của kinh tế thủy sản được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Khai thác hải sản, đã chuyển dịch theo hướng trở thành một nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, hướng vào các đối tượng khai thác có giá trị cao và các đối tượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng – chế biến thủy sản đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến.

Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản là: Tôm thẻ, tôm sú và cá tra. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất, chế biến trong lĩnh vực thủy sản tăng nhanh, được đầu tư đổi mới công nghệ và quản trị. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt trên hơn 147 quốc gia và vũng lãnh thổ, trong đó có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Nga. Với những nỗ lực vượt bậc của ngành thủy sản và bà con ngư dân, Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp thủy sản toàn cầu.

Nỗ lực của Việt Nam trongs tháo gỡ thẻ vàng IUU

Toàn tỉnh Cà Mau có gần 5.000 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó hơn 1.600 phương tiện có kích thước tàu dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Tính đến tháng 03/2020, đã có hơn 1.200 phương tiện đã lắp đặt, đạt hơn 70% tiến độ. Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ khi triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình tình trạng tàu cá, vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

Thượng úy Đỗ Văn Lanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, cho biết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp kiểm soát tốt hơn tàu cá hoạt động từ vùng bờ ra tới vùng khơi, như: hành trình của tàu, nhật ký khai thác, vị trí của tàu, sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, thông qua công tác vận động, tuyên truyền thì trình độ nhận thức về pháp luật của bà con được nâng cao. Bà con ngư dân đã biết được vi phạm vùng nước ngoài thì xử lý như thế nào; thiệt hại cho doanh nghiệp, cho thuyền trưởng, các thuyền viên ra sao. Nhờ đó, đa số các tàu cá đều chấp hành nghiêm chỉnh, hiện tượng vi phạm đã giảm hẳn so với trước.

Thượng úy Đỗ Văn Lanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau

Theo các chủ phương tiện, từ khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đến nay đã cảm thấy an tâm hơn trong hoạt động đánh bắt vì biết được vị trí của mình đang hoạt động thông qua thiết bị định vị. Trường hợp phương tiện lấn sang vùng biển nước ngoài sẽ bị báo cáo khẩn cấp về hệ thống quản lý.

Anh Nguyễn Minh Chiến, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau chia sẻ: Việc lắp thiết bị thiết bị giám sát hành trình là trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc của chủ tàu, đã được quy định rõ trong Luật Thủy sản nên các chủ tàu cá đều tự giác chấp hành. Từ khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình việc đánh bắt cũng thuận lợi và an toàn hơn rất nhiều. Trước đây, mỗi lần ra khơi đánh cá, tôi rất khó khăn trong việc xác định ranh giới vùng biển nên tàu có thể đi qua vùng biển nước khác. Nay có thiết bị giám sát hành trình không còn lo vi phạm nữa. Ngoài ra, trong trường hợp gặp mưa bão, tàu gặp sự cố cũng dễ dàng liên lạc cứu trợ...

Anh Nguyễn Minh Chiến, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau

Lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, cũng như tàu giã cào bay vi phạm tuyến, nhằm góp phần khắc phục Thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với Việt Nam. Đây chỉ là một trong rất nhiều hành động thể hiện nỗ lực của Việt Nam thời gian qua nhằm tháo gỡ thẻ vàng.

Trước đó, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam do ngành khai thác hải sản của Việt Nam vi phạm các nguyên tắc IUU về khai thác hợp pháp, bền vững, có khai báo. Thẻ vàng của EC mặc dù chỉ áp dụng đối với hải sản khai thác từ biển chứ không phải với thủy sản nuôi trồng nhưng nhìn chung đã để lại những tác động không nhỏ đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Nhận thức rõ những ảnh hưởng nghiêm trọng của thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU và uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị, 28 tỉnh, thành phố ven biển, doanh nghiệp cùng đồng bộ triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các khuyến nghị của EC trong nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong suốt hơn 2 năm qua, Chính phủ, các bộ ngành chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trong khai thác thủy sản không theo quy định, không có báo cáo (IUU).

Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản năm 2017; 02 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 8 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Luật Thủy sản… Cùng với đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thành lập Ban Điều hành IUU, phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển, các doanh nghiệp và ngư dân cùng vào cuộc với cơ quan Nhà nước khắc phục thẻ vàng IUU trong thời gian ngắn nhất, tiến tới thực hiện chương trình dài hạn chống khai thác IUU, giữ uy tín và thị trường cho sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc đến năm 2025. Đây là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản qua lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng; phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) phù hợp với các quy định của quốc tế và khu vực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu. Quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển; khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định cho các tổ chức, cá nhân có liên quan; đào tạo, tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng để thực hiện Hiệp định; rà soát, chỉ định và công bố cảng chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng; hoàn thiện khung pháp lý, chính sách của Việt Nam bảo đảm tuân thủ Hiệp định và các biện pháp, công cụ quốc tế liên quan; thiết lập cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp để thực thi Hiệp định.

Như vậy, sau hơn 2 năm Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam, ngành chức năng Việt Nam đã nỗ lực và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khuyến nghị của EC. Vậy nỗ lực này đã tạo chuyển biến như thế nào trên thực tế? Quyết định số 757của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp sẽ có tác động như thế nào đến ngành thủy sản? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII, về nội dung này.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng của EC, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII: Việt Nam thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ thẻ vàng EC. Cụ thể: Về hoàn thiện khuân khổ pháp lý đã ban hành Luật thủy sản và nhiều Nghị định của Chính phủ;… Ý thức của ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy sản được nâng cao rõ dệt. Đặc biệt, chúng ta đã triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá có kích thước 15m trở lên. Với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá sẽ giúp ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền, làm giàu cho quê hương.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cũng được triển khai tích cực; trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển các quốc gia đều bị xử lý nghiêm.

Phóng viên: Theo ông, thời gian tới, để tháo gỡ thẻ vàng cũng như tiếp tục tạo động lực phát triển ngành thủy sản Việt Nam một cách bền vững thì cần ưu tiên thực hiện giải pháp gì?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII: Cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong việc tháo gỡ “thẻ vàng”. Cụ thể là triển khai 04 nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, là giải pháp về thể chế, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ pháp lý vững chắc bảo đảm tuân thủ Hiệp định.

Thứ hai, là triển khai quyết liệt hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Thứ ba, cần phải tổ chức sản xuất trong ngành khai thác hải sản, tổ chức sản xuất theo hướng gắn kết người đánh bắt với những đơn vị chế biến xuất khẩu. Trong đó, phải đưa kỹ thuật khai thác vào, cải tiến nghề cá, cải tiến lại phương pháp bảo quản sau thu hoạch để làm sao giá trị kinh tế cao lên, thăm dò nguồn cá, dự báo ngư trường để bà con ngư dân có điều kiện đánh bắt có hiệu quả.

Thứ tư, là phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngư dân đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, bằng cách tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân kết hợp với việc xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm.

Phóng viên: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp. Để triển khai Quyết định này thì vai trò phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần phải thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp là rất kịp thời. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển thủy sản bền vững. Để triển khai hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ ngành địa phương. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến việc triển khai hiệu quả kế hoạch. Nếu không phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng mỗi ngành mỗi địa phương sẽ tiến hành 1 kiểu thì không thể tạo thành sức mạnh tổng hợp, không tạo điều kiện cho ngành nghề của chúng ta phát triển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Mặc dù ngành thủy sản Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn sau khi EC rút cảnh báo thẻ vàng, tuy nhiên ở chiều ngược lại, thẻ vàng của EC đã đem lại cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung, cũng như ngành khai thác hải sản biển nói riêng động lực to lớn để bảo vệ và phát triển thương hiệu thủy sản Việt Nam; thay đổi tích cực, phát triển khai thác, sản xuất thủy sản theo hướng bền vững, minh bạch, bảo vệ tài nguyên, nguồn lực trong nước và thế giới. Đây cũng là căn cứ mạnh mẽ làm tiền đề để EC tiến hành tháo gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Với sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời của người đứng đầu Chính phủ cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành và người dân, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến vững chắc trong thời gian tới./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=46952