GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TRANG BỊ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI CHO LỰC LƯỢNG PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều giải pháp đấu tranh, trấn áp với các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp và cần tập trung đấu tranh, phòng ngừa.

TỔNG THUẬT NGÀY 08/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và kết quả của các cơ quan tư pháp.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và kết quả của các cơ quan tư pháp.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đặt ra yêu cầu cần có giải pháp trọng tâm, quyết liệt, triệt để, đặc biệt là cần quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại cho lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng cần trang thiết bị công nghệ hiện đại, bảo đảm cho lực lượng công an tấn công, trấn áp tội phạm công nghệ cao.

Đại biểu Lê Văn Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá cao báo cáo của Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 rất đầy đủ, đặc biệt đã phản ánh tình hình phòng, chống tội phạm trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả rất tốt, nhất là công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, công tác phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt. Tình hình chính trị, trật tự toàn xã hội trên phạm vi cả nước được đảm bảo, ngành công an đã vào cuộc rất quyết liệt trong quá trình đấu tranh tấn công trấn áp tội phạm. Việc triển khai đưa công an chính quy về xã đã góp phần rất lớn vào đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Đại biểu Lê Văn Dũng nêu thực trạng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy, giết người vẫn diễn ra phức tạp. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đưa ra nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện tấn công tội phạm trong thời gian tới trên phạm vi cả nước.

Đại biểu tin tưởng, nếu ngành công an vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra trong báo cáo thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực phòng chống tội phạm công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, đại biểu Lê Văn Dũng cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho lực lượng này, nhất là trang thiết bị công nghệ hiện đại, bảo đảm cho lực lượng công an tấn công, trấn áp tội phạm công nghệ cao.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh.

Nêu quan điểm tăng cường đầu tư cho con người là giải pháp quan trọng nhất trong công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh khẳng định, con người làm chủ công nghệ, tội phạm chính là con người. Sử dụng công nghệ nhưng thực chất con người đấu tranh với con người thông qua công nghệ cao. Cho nên việc đào tạo con người, tuyển dụng nguồn nhân lực vừa có nghiệp vụ về phòng chống tội phạm nhưng vừa có trình độ về công nghệ là một trong những chiến lược cần phải làm một cách không ngừng nghỉ.

Bên cạnh đó, trong hoạt động phòng chống tội phạm cần ưu tiên công tác “phòng” lên trước, bởi phòng mới khó để ngăn chặn nguy cơ và các hành vi tội phạm.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần đầu tư đồng bộ về nhân lực, nguồn lực, đặc biệt về công nghệ để kiểm soát chặt chẽ trên không gian mạng.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần đầu tư đồng bộ về nhân lực, nguồn lực, đặc biệt về công nghệ để kiểm soát chặt chẽ trên không gian mạng. Việc đấu tranh tội phạm trên không gian mạng cũng được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm. Do vậy, cần phải quyết liệt hơn để làm sao đảm bảo cho bảo vệ người dân từ sớm từ xa.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cho rằng, công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số phát triển mạnh mẽ, bên cạnh mặt tích cực và cơ hội có thể khai thác cũng để lại thách thức lớn nếu không thể kiểm soát được. Tội phạm công nghệ cao lợi dụng công nghệ để phạm tội, vì vậy lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng cần được trang bị hiện đại để khắc chế.

Đại biểu Dương Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đánh giá các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022 cho thấy bức tranh trong thời gian qua chúng ta thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, đạt được những kết quả khá tích cực. Qua đó đã điều tra, khám phá, kiên quyết xử lý vụ án lớn, những vụ án nổi cộm mà dư luận xã hội rất quan tâm, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước.

Đối với các giải pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao do Bộ Công an nêu ra, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng những giải pháp này tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, với tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo qua mạng, tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo, tội phạm công nghệ cao năm vừa qua tăng trên 40%, vì vậy cần có những giải pháp quyết liệt hơn. Theo đó, bên cạnh tăng cường điều tra, khám phá án, xử lý loại tội phạm, ngành công an cần có giải pháp đồng bộ, từ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự tham gia của Bộ Thông tin tin Truyền thông xóa sim rác quảng cáo về hoạt động tín dụng đen; yêu cầu nhà mạng kiểm soát mạng xã hội để kiểm soát thông tin quảng cáo về tín dụng đen./.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=70404