GÓC NHÌN: ĐT Việt Nam thể hiện thế nào ở AFF Cup?

Không thể có một kết thúc nào hợp lý và xứng đáng hơn sau những gì đội tuyển Việt Nam thể hiện ở giải đấu năm nay!

Lên ngôi ở AFF Suzuki Cup 2018, đội tuyển Việt Nam được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao, từ chiến lược, chiến thuật của HLV Park Hang Seo cho đến cách thể hiện của các cầu thủ trên sân. Nhưng bên cạnh đó, nhà vô địch cũng có được những may mắn và thuận lợi nhất định.

May mắn ở đây không phải là những cú thoát thua kiểu như của đội tuyển Malaysia trên đất Thái Lan mà là sự ổn định về mặt nhân sự. Cùng với đó là sự thuận lợi về lịch thi đấu.

Ở vòng đấu bảng, ĐT Việt Nam được đá sân nhà trước đối thủ khó chơi nhất – Malaysia, với kết quả thắng làm tiền đề cho vị trí đầu bảng A. Nhờ đó, thầy trò HLV Park Hang Seo được đá trận bán kết lượt về cũng như chung kết lượt về tại sân Mỹ Đình.

Trên nền tảng thuận lợi đó, Ban huấn luyện đã có những tính toán hợp lý về mặt nhân sự, nhưng yêu cầu số 1 luôn được đặt ra là an toàn cho mành lưới của Đặng Văn Lâm.

Có thể thấy, từ trận ra quân rất quan trọng trước Lào (3-0), hay màn đối đầu Malaysia, hoặc trận gặp Campuchia khi đã chắc chắn có vé đi tiếp cho đến bán kết và chung kết, hàng phòng ngự vẫn là 3 gương mặt chủ chốt – Quế Ngọc Hải, Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh.

Trong số này, chỉ có Ngọc Hải một lần được thay ra ở phút 82 trận gặp Campuchia. Nghĩa là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, HLV người Hàn Quốc luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu.

May mắn ở đây là, dù cày ải cả giải đấu – cũng có thể tính đến Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Hoàng trong vai trò chạy cánh, hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam không có nhân tố nào dính chấn thương nghiêm trọng hoặc dính án treo giò phải nghỉ thi đấu.

Đó rõ ràng là điểm rất may mắn của HLV Park Hang Seo, mặc dù phải thừa nhận rằng, trong tay ông vẫn còn các nhân tố không ở quá xa về chất lượng (Bùi Tiến Dũng, Lục Xuân Hưng, Nguyễn Phong Hồng Duy) để lấp vào chỗ trống khi ai đó vắng mặt.

Trên nền tảng phòng ngự đó, Ban huấn luyện đã có những lựa chọn linh hoạt từ tuyền giữa, dựa trên trình độ, lối chơi và sức mạnh của đối thủ. Chẳng hạn như trước Lào yếu hơn nhiều, tuyến giữa không có nhân tố phòng ngự nào đúng nghĩa, với Lương Xuân Trường, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Công Phượng trong vai trò hỗ trợ Nguyễn Anh Đức.

Chỉ có thêm 1 lần thầy Park bố trí 4 nhân tố này trong đội hình xuất phát là khi làm khách trên sân Myanmar, nhưng trước sức ép của đối thủ có nền thể lực tốt, Xuân Trường và Văn Quyết đã được cho nghỉ ngay sau hiệp 1, để Đỗ Hùng Dũng và Trọng Hoàng đảm bảo tốt hơn nhiệm vụ tranh chấp, đánh chặn từ xa.

Ở các trận khác, luôn có ít nhất 1 nhân tố phòng ngự ở tuyến giữa, để khi bước vào các trận knock-out thì 3/4 trận có sự xuất hiện của 2 tiền vệ phòng ngự (Phạm Đức Huy, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Huy Hùng luân phiên). Xuân Trường đá chính trận bán kết lượt về với Philippines nhưng cũng phải rời sân sau 62 phút.

Có thêm 1 “tầng phòng ngự”, vùng trung tâm của đội tuyển Việt Nam được bảo vệ quá tốt, với chỉ 1 bàn thua trong 4 trận đấu bán kết và chung kết đến từ tình huống bóng sống của đối thủ (trận gặp Philippines) – một tình huống đánh biên.

3 bàn còn lại đều từ các pha cố định và sau khi nhận 2 bàn thua ở Malaysia, HLV Park Hang Seo đã rút kinh nghiệm một cách xuất sắc cho các học trò ở chung kết lượt về.

Trên mặt trận tấn công, sẽ không quá nếu nói rằng, đội tuyển Việt Nam có sự đa dạng nhất trong các phương án dàn xếp. Từ đá phạt, xuống biên tạt cánh, chọc thẳng vào trung lộ, đưa bóng ra phía sau hàng thủ đối phương hay đột phá… Việt Nam luôn có nhiều hơn đối thủ các mũi nhọn có thể tạo ra sự đột biến.

Đó là những đường chuyền sắc sảo của Quang Hải, những pha di chuyển khôn ngoan của Phan Văn Đức, Anh Đức hay kể cả những pha hỗ trợ tuyến hai rất hiệu quả…

Không thể có một kết thúc nào hợp lý và xứng đáng hơn sau những gì đội tuyển Việt Nam thể hiện ở giải đấu năm nay.

Tam Nguyên- Theo bóng đá số

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/goc-nhin-dt-viet-nam-the-hien-the-nao-o-aff-cup-d86565.html