Góc nhìn giáo dục: Minh bạch vì người học

Những ngày qua, vụ việc các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS vi phạm quy định về xin cấp phép liên kết và quá trình thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang gây ra nhiều ý kiến trong dư luận. Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS được cấp bởi Công ty IDP Việt Nam và 90.481 chứng chỉ được cấp bởi Hội đồng Anh đã vi phạm quy định khi chưa có phép liên kết tổ chức thi.

Các vi phạm này đều được xác định diễn ra trong năm 2022. Bộ GD-ĐT xác nhận rằng vi phạm chỉ liên quan đến quá trình hồ sơ, còn giá trị của các chứng chỉ đã cấp và quyền lợi của người dự thi không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc các công ty này đã tổ chức hàng trăm đợt thi mà không bị kiểm tra, giám sát. Khi thanh tra ra thì những sai phạm đã diễn ra hơn một năm, hết thời hạn xử phạt theo quy định. Điều đó đặt ra vấn đề trách nhiệm trong quản lý từ cả hai phía: Đơn vị tổ chức thi và cơ quan quản lý nhà nước.

Chứng chỉ IELTS không nằm trong hệ thống quản lý giáo dục quốc dân. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Trở lại câu chuyện Hội đồng Anh và IDP đều là những đơn vị uy tín ở cấp độ toàn cầu, do vậy họ được ủy quyền tổ chức thi cấp chứng chỉ uy tín cũng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chứng chỉ được nhiều nước công nhận nhưng quá trình liên kết tổ chức thi chưa được cho phép. Hiểu nôm na rằng, dù doanh nghiệp nào đó có hàng hóa đáp ứng đủ chất lượng, nhưng để sản xuất và bán hàng, họ phải được cho phép.

Chứng chỉ IELTS không nằm trong hệ thống quản lý giáo dục quốc dân, nhưng vì chứng chỉ ngày càng được nhiều người dân sử dụng nên để bảo đảm quyền lợi người học, Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP; Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT được ban hành để giám sát hoạt động tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

IELTS là chứng chỉ có giá trị, khâu biên soạn đề thi (bên Anh) có thể rất tốt, nhưng quy trình tổ chức thi tại các nước thì không chắc bảo đảm nghiêm túc, công bằng khi mà cả Hội đồng Anh và IDP để tăng doanh thu đều liên kết với rất nhiều cơ sở tổ chức thi. Việc mua đề, lộ đề, thi kèm từng bị phản ánh nhiều.

Câu chuyện hàng trăm người bị lừa khi Công ty Cổ phần Phát triển nguồn lực Đông Dương thuê địa điểm để tổ chức thi rồi cấp chứng chỉ IELTS giả cho người học; hay mới đây, Công an TP Hà Nội điều tra vụ án các đối tượng sử dụng danh nghĩa tổ chức Cambirdge International (không có thật) để tổ chức thi online và cấp chứng chỉ mang tên Cambirdge International... cho thấy, việc Bộ GD-ĐT giám sát việc liên kết công khai, minh bạch để bảo đảm quyền của người học, người thi ở nơi được cấp phép đúng quy định là cần thiết. Ở đây, việc thực hiện chức năng quản lý còn chậm trễ, dẫn tới những chuyện vô lý: Đơn vị vi phạm không bị xử lý lại còn được tạo điều kiện để tiếp tục hoạt động.

Để tránh tình trạng này xảy ra trong tương lai, việc xử lý nghiêm các vi phạm và bảo đảm tính nghiêm minh trong quản lý giáo dục là cần thiết. Ngoài ra, trách nhiệm quản lý của Nhà nước cũng cần phải xem xét và hoạt động thanh tra, giám sát cần được cải thiện. Cuối cùng, người học phải nâng cao cảnh giác và chọn lựa các đơn vị tổ chức thi có uy tín, hoạt động đúng pháp luật.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/goc-nhin-giao-duc-minh-bach-vi-nguoi-hoc-5008311.html