Góc nhìn hôm nay: Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư - Vượt khó để đạt mục tiêu phục vụ người dân suốt đời

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ lựa chọn tập trung làm điểm để đạt được những mục tiêu của quá trình chuyển đổi số. Không dừng lại ở phạm vi là đề án CSDL của ngành công an mà sẽ là CSDL liệu liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ người dân suốt đời.

Mới đây, đã có 2 nhóm dịch vụ công liên quan đến BHXH, BHYT gồm liên thông đăng kí khai sinh, đăng kí thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng kí khai tử, xóa đăng kí thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và được triển khai thí điểm tại TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Thời gian thí điểm từ 21/11 - 20/12/2022. Sau khi sơ kết rút kinh nghiệm sẽ nhân rộng triển khai trên địa bàn toàn quốc từ 01/01/2023.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip thay thế thẻ BHYT bằng giấy mà ngành y tế đã triển khai thời gian qua cũng đã mang lại nhiều thuận lợi dù còn có những vướng mắc về công nghệ nhưng các cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh đều kỳ vọng việc dùng thẻ căn cước công dân có gắn để đăng kí khám chữa bệnh BHYT sẽ mở đầu cho lộ trình dần thay thế các thủ tục giấy tờ tốn thời gian trước đây.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) từ ngày 01/1/2022, cơ quan chức năng đã cấp trên 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân Việt Nam. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức triển khai kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 Bộ ngành và 4 doanh nghiệp nhà nước và UBND của 15 địa phương.

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mang lại tiện ích lớn cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Người dân dễ dàng trao đổi thông tin, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, không phải điền nhiều thông tin khi làm việc với cơ quan nhà nước, thuận lợi khi làm các thủ tục hành chính, chỉ phải kê khai 1 lần và đạt được 4 "không" là không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt và không gặp gỡ.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít khó khăn, ách tắc khi thực hiện Đề án 06 đã được các đại biểu Quốc hội chỉ rõ tại diễn đàn Quốc hội như chia sẻ cơ sở dữ liệu, chậm ra soát quy định tối ưu quy trình, tình trạng cát cứ thông tin, biên chế, vị trí việc làm cán bộ công nghệ thông tin tại cơ sở,..

Bên cạnh khó khăn về thể chế, về hạ tầng công nghệ, liên kết trao đổi thông tin thì còn có khó khăn xuất phát từ chính người dân khi một bộ phận người dân chưa thể tiếp cận hay chưa hiểu về các tính năng ưu việt của thẻ căn cước công dân gắn chip.

Trước những yêu cầu đặt ra về xây dựng chính phủ điện tử, trước những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Đề án thì các cơ quan chức năng cần có giải pháp như thế nào?

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Thu Quỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-de-an-phat-trien-ung-dung-du-lieu-dan-cu-vuot-kho-de-dat-muc-tieu-phuc-vu-nguoi-dan-suot-doi