Góc nhìn hôm nay: Không chỉ bổ sung thông tin mà cần sửa đổi mẫu hộ chiếu mới

Từ ngày 1/7/2022, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip theo mẫu mới cho công dân Việt Nam ở trong nước và công dân Việt Nam đang ở nước ngoài. Hộ chiếu mới được đánh giá là đẹp và có nhiều cải tiến. Tuy nhiên, sau đó lại có nhiều vấn về phát sinh từ cuốn hộ chiếu mới.

NHIỀU NƯỚC KHÔNG CHẤP NHẬN HỘ CHIẾU MỚI CỦA VIỆT NAM

Sau 1 tháng tạm dừng cấp Hộ chiếu, từ 01/7/2022, khi cơ quan chức năng bắt đầu cấp hộ chiếu theo mẫu mới, người dân ở nhiều tỉnh, thành phố đổ xô đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để làm hộ chiếu mẫu mới, gây quá tải, đã xuất hiện tình trạng cò mối làm hộ chiếu.

Mẫu hộ chiếu mới được thiết kế công phu, đảm bảo các kỹ thuật bảo an của Quốc tế, khó làm giả. Đặc biệt là những cải tiến mới trên từng trang giấy góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều người chưa kịp vui mừng khi nhận Hộ chiếu mới thì bất ngờ nhận thông tin, một số quốc gia như Đức, Cộng Hòa Séc và Tây Ban Nha ra thông báo không công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam với lý do: "Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022 thiếu thông tin nơi sinh dẫn đến không thể xác minh danh tính của người mang hộ chiếu”. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thương, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch… khi người mang hộ chiếu mới của Việt nam không thể đến các quốc gia này.

Mới đây, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam thông báo kể từ ngày 8/8, Đại sứ quán sẽ tiếp nhận trở lại đơn xin thị thực của những người mang hộ chiếu mới. Tuy nhiên, những trường hợp xin thị thực mang hộ chiếu mẫu mới cần nộp kèm Chứng minh thư hoặc Căn cước công dân còn hiệu lực để chứng minh nơi sinh, do nội dung này là thông tin bắt buộc.

Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam ngày 11/8 thông báo tạm dừng công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam và cho biết sẽ tích cực làm việc với các quốc gia thành viên EU, Schengen và phía Việt Nam để giải quyết vấn đề.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÔNG TIN VỀ NƠI SINH TRONG HỘ CHIẾU

Nguyên nhân khiến một số quốc gia không công nhận Hộ chiếu mới của Việt Nam là do thiếu mục: Nơi sinh. Theo lý giải của Bộ Công an thì việc cấp Hộ chiếu mới đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và phù hợp với thông lệ quốc tế, đúng theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế với các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: Loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Và quốc gia nơi sinh là trường tùy chọn trong hộ chiếu. Tuy nhiên nơi sinh có lẽ là một trong những thông tin quan trọng nhất có trong hộ chiếu ngày nay.

Nếu không có thông tin nơi sinh, các quốc gia từ chối chấp nhận hộ chiếu hoặc thậm chí từ chối nhập cảnh tại biên giới. Hơn nữa, nhiều quốc gia thậm chí không cấp hộ chiếu cho công dân của họ để đi du lịch quốc tế với nơi sinh để trống. Tại sao? bởi vì thiếu thông tin này được coi là mối đe dọa an ninh. Nơi sinh cùng với Tên, Họ, Ngày sinh cùng với thông tin sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm khuôn mặt) được kiểm tra dựa trên cơ sở dữ liệu quốc tế về những kẻ tình nghi và khủng bố đã biết.Điều quan trọng hơn cần biết là trường Nơi sinh không bao giờ thay đổi, bất kể bạn có bao nhiêu hộ chiếu, thậm chí được cấp bởi các quốc gia khác nhau. Giá trị ngày sinh và nơi sinh không bao giờ thay đổi đối với một cá nhân và nó giúp xác định duy nhất một người.Nơi sinh bị thiếu hoặc trống thường được coi là mối đe dọa an ninh ở biên giới. Điều này là do nó làm cho các cá nhân dễ dàng che giấu danh tính của họ. Ví dụ. Ông X có thể sinh ra ở Iran, nhưng đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đặt ra các tiêu chuẩn chung cho hộ chiếu và theo ICAO, việc bao gồm nơi sinh là tùy chọn. ICAO đã đặt ra một tiêu chuẩn, khi lựa chọn bao gồm hoặc bỏ qua Nơi sinh, Quốc gia hoặc tổ chức cấp giấy thông hành phải xem xét mọi hoạt động nhạy cảm chính trị hiện tại liên quan đến Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ và liệu đó có phải là Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được các cơ quan cấp thị thực ở các quốc gia khác công nhận hay không.

Canada đã bắt đầu cho công dân của mình lựa chọn xóa nơi sinh của họ trong hộ chiếu. Tuy nhiên chính phủ nước này đã đưa ra một số cảnh báo đối với những công dân lựa chọn xóa nơi sinh như: Gặp vấn đề về xin visa, bị chậm trễ tại các cửa khẩu biên giới hoặc bị từ chối nhập cảnh, vì một số quốc gia cần thông tin về nơi sinh.

CHẤT VẤN VỀ HỘ CHIẾU MỚI CỦA VIỆT NAM

Những vướng mắc phát sinh từ thực tế sau khi tiến hành cấp hộ chiếu theo mẫu mới đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an trong Phiên họp thứu 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu Hộ chiếu như Việt Nam và đa số các nước trên thế giới đều chấp nhận. Việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công an là cơ quan chủ trì, xin nhận trách nhiệm khi một số nước không công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Việc một số quốc gia không chấp thuận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vậy trách nhiệm trên thuộc về ai và biện pháp khắc phục trong thời gian tới của Bộ Công an.”

Trước câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công an liên quan đến việc cấp hộ chiếu mới không có nơi sinh và có 2 nước hiện nay là không cấp thị thực và các biện pháp, giải pháp khắc phục việc này để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định:

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Một là việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xuất nhập cảnh công dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả các chi tiết được in trên hộ chiếu này là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ hai là hộ chiếu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này và cũng đều không có nơi sinh, nhiều nước cũng đã sử dụng việc này và bản thân hộ chiếu của chúng ta đưa ra thì cũng được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Vừa qua có 3 nước là Đức, Czech và Tây Ban Nha, nhưng gần đây thì Tây Ban Nha cũng đã chấp nhận hộ chiếu của chúng ta và nhiều nước hiện nay cũng đang vướng phải những vấn đề như của chúng ta, như gần đây có Hàn Quốc cũng bị xem xét như vậy. Quá trình chúng tôi thực hiện việc này là theo đúng quy định của pháp luật. Còn một số nước căn cứ vào việc đó để người ta có phản ứng mà người ta gây những khó khăn là vì cũng có những lý do rất thực tế. Qua kiểm soát đây người ta cũng muốn tìm hiểu xem là nguồn gốc của những công dân đi vào các nước nguồn gốc ở những địa phương nào cụ thể, vì không tra cứu được những việc đó thì người ta cũng đặt ra những vấn đề. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật và đồng thời Bộ Công an đã có những giải pháp để khắc phục những việc này.

Trước mắt với những cá nhân, những người được cấp hộ chiếu, những công dân thấy cần phải bổ sung nơi sinh thì chúng tôi cũng đã bàn với các cơ quan có liên quan sẵn sàng bổ sung vào phần ghi chú nơi sinh để tạo thuận lợi. Còn về lâu dài, nếu cần phải bổ sung nơi sinh này vào nữa thì chúng tôi cũng sẽ đề xuất báo cáo với Chính phủ, thống nhất với các cơ quan có liên quan và sẽ báo cáo với Quốc hội về việc sửa Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung phần này. Bộ Công an chúng tôi chủ trì làm việc này nên chúng tôi xin nhận trách nhiệm và cũng có những giải pháp để khắc phục vấn đề này."

TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ CÔNG AN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT SINH TỪ TẤM HỘ CHIẾU MỚI

Việc Bộ trưởng Bộ Công an nhận trách nhiệm và đưa ra những giải pháp để khắc phục, đưa hộ chiếu mới của Việt Nam được công nhận rộng khắp dường như vẫn chưa đủ để các đại biểu yên lòng. Vì vậy, câu hỏi cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của Bộ Công an, có lãng phí trong quá trình cấp Hộ chiếu mới không? Nên bị chú, bổ sung thông tin nơi sinh trong những hộ chiếu mới đã cấp như thế nào đã được các đại biểu đặt ra:

Bà HUỲNH THỊ ÁNH DƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: “Về vấn đề cấp hộ chiếu phổ thông mới đang gây trục trặc nhập cảnh cho công dân tại một số nước châu Âu, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thay đổi này có thuận lợi và khó khăn hay lãng phí như thế nào đối với công dân và xã hội. Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an trong vấn đề này.”

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an:“Ý kiến của đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương có hỏi về vấn đề cấp hộ chiếu mới có thuận lợi, khó khăn gì cho người dân thì cơ bản là thuận lợi. Hộ chiếu mới này đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, không có khó khăn gì cả, từ điều kiện thuận lợi cho việc nhận cấp, sử dụng, quản lý, thời hạn dài và đáp ứng được các yêu cầu. Qua tổng kết việc sản xuất cấp hộ chiếu vừa qua chúng tôi rút ra những điều kiện này và đã làm, cơ bản giải quyết được những việc đó, không có điều kiện gì khó khăn. Vừa qua có khó khăn là một số nước yêu cầu phải có nơi sinh, chúng tôi đã thống nhất có giải pháp rồi, bây giờ sẵn sàng bổ sung ngay vào phần bị chú, đó là với những nước quan tâm. Những nước người ta không quan tâm thì giá trị hộ chiếu của mình sản xuất rất tốt, không lãng phí những hộ chiếu cũ còn tác dụng, còn giá trị vẫn được sử dụng bình thường. Còn những hộ chiếu mới được cấp và không ảnh hưởng gì đến việc này vẫn được giao dịch, không lãng phí một hộ chiếu mới nào cả.”

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Đối với các quyển hộ chiếu đã in ra rồi bây giờ mình tiến hành bị chú thì mình có nên chủ động bị chú cho tất cả những quyển hộ chiếu đã cấp cho công dân hay lại phải chờ công dân đề nghị. Nếu để tạo thuận lợi thì chúng ta tiến hành bị chú đồng loạt, một giải pháp như thế thì có nên hay không?”

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Trên thực tế ở đâu có nhu cầu thì sẽ làm việc đó, ví dụ nhiều người được cấp người ta không có nhu cầu phải có nơi sinh, mình lại cấp vào đấy cho người ta thì rõ ràng không đúng quy định của luật. Ta cũng không cần thiết phải làm những việc như vậy, bây giờ đã tạo điều kiện thuận lợi, lại có một vài cơ quan vì kỹ thuật, vì thế này thế khác, đề nghị, mình lại cấp đại trà việc đó nữa thì chúng tôi thấy cũng nên cân nhắc. Theo ý chúng tôi là ai có nhu cầu và đi đến khu vực nào có yêu cầu, chúng tôi giải quyết các yêu cầu đó.”

CÓ NÊN TÍCH HỢP HỘ CHIẾU VÀ CĂN CƯỚC?

Cũng với tiêu chí tạo thuận lợi nhất cho người dân, đồng thời thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đơn giản hóa các thủ tục, tích hợp thông tin, có ý kiến đề xuất nên chăng tích hợp hộ chiếu và căn cước công dân, khi mà hai loại giấy tờ này có thể thay thế cho nhau.

Bà NGUYỄN HOÀNG BẢO TRÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Vì sao căn cước công dân hay hộ chiếu là cùng một nơi cấp cho công dân trên toàn quốc nhưng lại yêu cầu phải thực hiện đăng ký tại nơi đăng ký thường trú, còn nếu làm tại địa phương khác thì cần có xác nhận của cơ quan chức năng. Ngoài ra, hiện nay đối với nhiều giao dịch trong nước thì hộ chiếu có thể thay thế căn cước công dân. Vậy tại sao không thực hiện tích hợp 2 loại giấy tờ này trên một loại để thuận tiện cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định.”

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Việc kết hợp giữa Căn cước công dân và hộ chiếu thì đây là 2 loại giấy tờ có giá trị sử dụng khác nhau. Hộ chiếu dùng để đi lại quốc tế và căn cước thì công dân dùng để các giao dịch của công dân trong nước, đây cũng là thông lệ chung mà quốc tế, thế giới thực hiện. Trên thực tế đối với chúng ta thì hộ chiếu vẫn có thể được sử dụng thay thế căn cước công dân trong số trường hợp và ngược lại khi nghiên cứu Căn cước công dân của một số nước tiên tiến trên thế giới thì chúng tôi đã đưa ứng dụng này vào, có thể thay thế ở hộ chiếu trong một phạm vi nhất định, tức là bây giờ mặt sau của Căn cước công dân là đã đưa các số liệu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trước đây được in vào trong hộ chiếu, bây giờ chúng tôi đã in vào Căn cước công dân. Trước mắt, nếu một số nước, đặc biệt các nước ASEAN hiện nay công dân đi lại không cần phải xin thị thực của các nước, nếu thống nhất được trong ASEAN thì có thể sử dụng được đi lại trong ASEAN, nhưng hiện nay phải đòi hỏi sự thống nhất của các nước đồng ý cho mình sử dụng việc này.”

Để đơn giản hơn nữa thủ tục hay tích hợp các thông tin cần thiết trong một loại giấy tờ chứng minh nhân thân của một công dân có thể được công nhận và sử dụng ở cả trong nước và quốc tế có lẽ còn một quãng đường dài. Tuy nhiên, những khó khăn khi thiếu thông tin nơi sinh trong hộ chiếu mới thì vẫn đang hiện hữu. Trước đó, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 tổ chức ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, chắc chắn cần sửa đổi mẫu hộ chiếu cho đầy đủ và phù hợp.

Thực hiện : Thu Quỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-khong-chi-bo-sung-thong-tin-ma-can-sua-doi-mau-ho-chieu-moi