Góc nhìn kinh tế về bảo tồn và phát huy giá trị các công trình di sản

Khi kinh tế và thu nhập càng tăng trưởng, sự quan tâm của công chúng và mức độ phản ứng của họ đối với những công trình có thể có những giá trị văn hóa lịch sử nhất định cũng sẽ gia tăng...

LTS: Hội thảo về không gian di sản với chủ đề “Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM” do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM và công ty cổ phần Minerva tổ chức, vừa diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo thu hút gần 30 chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn di sản trong nước và gần 10 chuyên gia, nhóm chuyên gia nước ngoài. Người Đô Thị Online giới thiệu bài tham luận TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan với góc tiếp cận tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các công trình di sản tại TP.HCM dưới góc độ kinh tế. Tựa bài viết do Người Đô Thị đặt.

Khi nhà đầu tư đập bỏ tòa nhà nằm ở góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, đã có những tiếng thở dài cho sự xóa sổ cà phê Givral là nơi nhà tình báo kiệt xuất Phạm Xuân Ẩn thường ghé[1]. Khi chính quyền quyết định phá dỡ thương xá Tax để phục vụ cho việc xây dựng trạm metro và dành chỗ cho một cao ốc khác, đã có nhiều ý kiến gay gắt phản đối dẫn đến một số kết quả nhất định[2].

Và, gần đây nhất, khi chính quyền cân nhắc khả năng xây dựng một tòa nhà văn phòng tại khu vực Dinh Thượng Thơ thì những phản ứng mạnh mẽ hơn từ công chúng xuất hiện. Những sự kiện nói trên cho thấy khi kinh tế và thu nhập càng tăng trưởng, sự quan tâm của công chúng và mức độ phản ứng của họ đối với những công trình có thể có những giá trị văn hóa lịch sử nhất định cũng sẽ gia tăng. Tuy nhiên, trong một thành phố vừa có yếu tố lịch sử vừa có nhu cầu phải mở rộng hạ tầng và phát triển về mặt không gian xây dựng, chính sách bảo tồn không thể áp dụng rộng rãi.

Có một sự đánh đổi lớn về nhu cầu phát triển, ngân sách quốc gia và cả sự hoài nghi về giá trị và ý nghĩa được lưu giữ trong việc bảo tồn các công trình. Bài viết trình bày cách tiếp cận theo hướng kinh tế trong giải pháp đánh giá vấn đề bảo tồn đối với các công trình mang tính di sản.

Ứng xử với công trình có giá trị lịch sử cần bảo tồn

Do những hạn chế về mặt ngân sách và ý nghĩa thực tiễn của bảo tồn, cần khẳng định không phải cứ cái gì cũ thì đương nhiên chính quyền phải gìn giữ và mặc nhiên bảo tồn bằng mọi giá. Cái đẹp, lịch sử và văn hóa có thể được ghi lại bằng nhiều cách khác nhau như hình ảnh, và văn hóa hay đời sống tinh thần còn bao gồm những giá trị đương đại và yếu tố phi vật thể.

Dinh Thượng Thơ được thiết kế với hình chữ U, mặt hướng ra đường Lý Tự Trọng, mang đậm nét kiến trúc Pháp. Công trình này đã hơn 130 năm tuổi và trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử Sài Gòn. Ảnh: Quý Hòa

Nói cách khác, không phải vì TP.HCM có số lượng công trình lịch sử thua kém Huế mà thị dân TP.HCM có cuộc sống tinh thần thua kém người Huế. Con người và những câu chuyện được kể cùng những giá trị lưu giữ là sợi dây liên kết lịch sử đô thị và những công trình xưa cũ. Những công trình tồn tại chỉ vì nó cũ xưa mà con người không biết gì về nó, không có câu chuyện về nó, không còn xúc cảm về nó thì không nhất thiết phải bảo tồn bằng ngân sách của chính quyền.

Do đó, việc bảo tồn tất cả, hay không bảo tồn công trình nào đều không phải là những lựa chọn tốt. Có những công trình cũ cần đập bỏ, và ngược lại có công trình ít cũ hơn nhưng cần được bảo tồn. Khi công trình được xem là cần bảo tồn mặc dù có thể có những giá trị lịch sử và văn hóa nhất định thì không phải là hàng hóa công; và với tư cách là hàng hóa tư thì việc bảo tồn hay không bảo tồn nên để chủ sở hữu quyết định.

"Có lẽ đa số quốc gia chọn phương pháp duy trì hoặc chuyển quyền sử dụng phần lớn công trình lịch sử sang cho tư nhân để bảo tồn ngân sách quốc gia và cũng để khuyến khích dòng vốn tư nhân.

Do đó, dù chính quyền thành phố áp dụng phương pháp nào thì việc quản lý và đưa ra chính sách cũng đương nhiên phải tuân thủ các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát để chống lại vấn nạn tham nhũng và thu vén cá nhân, mới có thể khuyến khích bảo tồn lành mạnh và lâu dài."

TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan

Đối với những công trình mang tính di sản, việc đánh giá theo các tiêu chí và tiến hành phân loại ưu tiên bảo tồn là việc làm cần thiết để chính quyền và xã hội có thể sử dụng tài nguyên đất đai, tiền bạc, cơ hội phát triển một cách khôn ngoan nhất. Chẳng những đối công trình riêng lẻ, một khu vực có giá trị lịch sử cũng cần được đánh giá và xếp loại bảo tồn. Những tiêu chí đánh giá cần phải bao gồm các khía cạnh văn hóa, lịch sử, kiến trúc, và kinh tế để đảm bảo những vấn đề quan trọng như nhu cầu phát triển, ngân sách, tham gia của khu vực tư nhân, nhu cầu lưu giữ ký ức, và giá trị văn hóa và kiến trúc. Ngoài ra, trong việc đánh giá và ban hành chính sách đối với những công trình di sản cần bảo tồn và xem là hàng hóa công, sự tham gia của người dân là cần thiết. Thậm chí, công chúng nên có quyền bỏ phiếu lựa chọn phương án bảo tồn sau khi họ được cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch.

Với thuận lợi là quốc gia đi sau nhiều nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á về vấn đề bảo tồn di sản, Việt Nam có thể tham khảo các mô hình khác nhau về phương pháp và chính sách và so sánh mức độ hiệu quả và thành công của chúng.

Tại Malaysia, một nghiên cứu thực hiện năm 1992-1993 cho thấy họ có 39.000 công trình có giá trị cần bảo tồn. Nghiên cứu gần đây cho thấy họ phải dựa vào sự hợp tác của khu vực tư nhân để thực hiện chính sách bảo tồn. Và khi chính quyền không còn chú trọng đến sự hợp tác thì thiếu kinh phí sẽ dẫn đến việc xóa bỏ những thành tựu về bảo tồn mà họ đã cố gắng có được[3].

Quốc gia khác trong khu vực mà chúng ta dễ dàng tiếp cận tài liệu liên quan như Singapore đã mất 20 năm để có được thành tích bảo tồn 6.560 công trình thành công từ khi họ bắt đầu làm việc này vào những năm 1980. Kinh nghiệm có được từ số lượng đáng nể các công trình này sẽ giúp Việt Nam không nhỏ trong việc xây dựng cơ sở đánh giá, tiêu chí, và các chính sách cụ thể trong bảo tồn.

Phương pháp đánh giá khía cạnh kinh tế

Vấn đề việc làm và thu nhập: Một số nghiên cứu về tác động kinh tế của việc bảo tồn công trình có ý nghĩa lịch sử có sử dụng phương pháp đánh giá tác động của việc bảo tồn thể hiện qua số việc làm và chất lượng việc làm được tạo ra. Phương pháp này chủ yếu dựa vào khảo sát việc làm và thu nhập của những công việc được tạo ra sau khi công trình được bảo tồn và có thể so sánh với số lượng việc làm và thu nhập liên quan đến công trình có sẵn trước đó. Sự thay đổi về số lượng việc làm và chất lượng việc làm ở phạm vi công trình và lan tỏa trong nền kinh tế có thể khó thể hiện trong một phân tích định lượng đơn giản. Tuy nhiên vấn đề việc làm và thu nhập thể hiện sự đánh đổi giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển mà chúng ta cần lưu ý.

Biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) sẽ được trùng tu để trả lại một kiến trúc biệt thự ẩn chứa bên trong nhiều giá trị Việt Nam. Ảnh: Trung Dũng

Vấn đề giá trị bất động sản: Giá trị của một di sản không chỉ dừng lại ở bản thân di sản đó mà còn có thể lan tỏa sang những công trình và nhà ở trong cùng khu vực. Giá trị bất động sản cho thấy mức độ ảnh hưởng của việc bảo tồn đến quyền sở hữu và sử dụng tài sản là bất động sản của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng ra sao. Tác động này có thể mang tính tích cực đối với những người sở hữu nhà gần công trình được đánh giá, nhưng mang tính tiêu cực đối với người sở hữu công trình. Khía cạnh này thể hiện sự đánh đổi giữa quyền lợi và thiệt hại giữa những người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do chính sách bảo tồn.

Vấn đề du lịch và du lịch di sản: Khái niệm du lịch di sản – Heritage tourism thể hiện khách du lịch được thu hút đến những nơi có những di tích và công trình kiến trúc xưa, thể hiện dấu ấn lịch sử và văn hóa. Áp dụng đánh giá và duy trì và bảo tồn những công trình thuộc loại trên ở phạm vi một thành phố sẽ phù hợp hơn đối với việc đánh giá các công trình riêng lẻ. Và việc đánh giá khía cạnh phát triển kinh tế này đòi hỏi những công cụ khảo sát tổng quát cho phép thể hiện nhiều khía cạnh khác về giá trị của di sản như văn hóa, lịch sử, và kiến trúc. Lý do của vấn đề nêu trên là khách du lịch bị những khía cạnh phi kinh tế của di sản thu hút, nhưng nó lại tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội.

Giải pháp bảo tồn

Thực tế áp dụng từ nhiều quốc gia cho thấy chỉ có hai loại phương pháp bảo tồn mà chính quyền áp dụng. Áp dụng vào trường hợp các biệt thự có giá trị lịch sử cần bảo tồn, chính quyền có thể mua lại các biệt thự và sử dụng nó theo công năng hợp lý để vừa bảo tồn vừa không gây lãng phí. Phương pháp khác là duy trì sở hữu tư nhân hoặc chuyển quyền sử dụng cho tư nhân đi kèm với cây gậy và củ cà rốt là chính sách quy hoạch hoặc kinh tế hoặc kết hợp cả hai. Chính sách quy hoạch khuyến khích người dân tự bảo tồn thông qua các quy định như cho phép đậu xe ôtô trước nhà, cho phép bảo tồn mặt tiền hoặc một phần nào đó của ngôi nhà và được ưu tiên xây dựng và cải tạo phần khác.

Chính sách kinh tế khuyến khích người dân và doanh nghiệp bảo tồn hoặc đầu tư vào công trình bảo tồn thông qua biện pháp cắt giảm thuế thu nhập và thuế trước bạ. Có lẽ đa số quốc gia chọn phương pháp duy trì hoặc chuyển quyền sử dụng phần lớn công trình lịch sử sang cho tư nhân để bảo tồn ngân sách quốc gia và cũng để khuyến khích dòng vốn tư nhân.

Do đó, dù chính quyền thành phố áp dụng phương pháp nào thì việc quản lý và đưa ra chính sách cũng đương nhiên phải tuân thủ các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát để chống lại vấn nạn tham nhũng và thu vén cá nhân, mới có thể khuyến khích bảo tồn lành mạnh và lâu dài.

Các thành công của Singapore hay Malaysia trong lĩnh vực này hoàn toàn có thể giúp Việt Nam rất nhiều chứ không cần vay mượn thêm bài học từ châu Âu hay Bắc Mỹ.

TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan , Trung tâm Môi trường vì phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

____________

Tài liệu tham khảo:

Harun, S. Heritage Building Conservation in Malaysia: Experience and Challenges. Procedia Engineering. No. 20, 2011.

Rypkema, D. et al. Measuring Economic Impacts of Historic Preservation - A report to the Advisory Council on Historic Preservation. 2013.

[1] https://www.thesaigontimes.vn/77258/Givral-muon-khoi-phuc-quan-ca-phe-xua.html

[2] https://thanhnien.vn/van-hoa/bao-ton-thuong-xa-tax-kho-nhat-la-phan-gach-mosaic-646649.html

[3] https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/kuala-lumpurs-heritage-buildings-under-threat

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/goc-nhin-kinh-te-ve-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cac-cong-trinh-di-san-16508.html