Góc nhìn mới về châu bản nhà Nguyễn

Cùng với việc khai mở nên một triều đại mới, các hoàng đế nhà Nguyễn đã cho xây dựng một hệ thống văn bản hành chính quan trọng, giúp triều Nguyễn trị vì đất nước theo một thể thức thống nhất trong hơn 100 năm, đó là châu bản.

 Cách thức trưng bày sinh động tại triển lãm Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn. Ảnh: Lại Tấn

Cách thức trưng bày sinh động tại triển lãm Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn. Ảnh: Lại Tấn

Ngoài giá trị sử liệu, châu bản còn là nơi lưu trữ sinh động nét bút và tâm tư của các vị hoàng đế triều Nguyễn, mang giá trị nghệ thuật đặc sắc như những bức thư pháp sống động. Di sản này đang được trưng bày tại triển lãm "Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn", tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.

Bút tích tài hoa

Triển lãm “Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn” được thiết kế trưng bày trong không gian rộng lớn, kết hợp nhiều hình thức đa phương tiện. Trên 100 phiên bản châu phê được trưng bày tại triển lãm in dấu những nét độc đáo, tinh hoa nhất từ bút tích của các hoàng đế nhà Nguyễn. Qua đó, đưa đến cho công chúng và những người đam mê di sản một góc nhìn mới về châu bản, vừa mang tính chất trang trọng của một văn bản hành chính Nhà nước nhưng lại đầy tính nghệ thuật như những bức thư pháp cổ.

Tôi rất tâm đắc với bức châu phê của vua Khải Định được viết theo thể chữ thành thảo, có bố cục chặt chẽ, nét bút điêu luyện, liền mạch. Tôi nghĩ nó đã vượt qua giới hạn của văn bản hành chính và đạt đến tầm của văn bản nghệ thuật.

Anh Nguyễn Tuấn Cường - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Qua triển lãm, người xem được thấy các hoàng đế phê duyệt trên châu bản với nhiều hình thức phong phú như châu phê, châu điền, châu khuyên, châu mạt, châu sổ… Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Bất cứ văn bản nào của cấp dưới đưa lên, các hoàng đế đều có bút phê. Nét sổ để thể hiện thái độ không chấp thuận, có nét khuyên để thể hiện thái độ đắc ý, ủng hộ. Ngoài ra, trên châu bản có cả những lời chỉ đạo của các vị hoàng đế”.

Mặc dù không chủ tâm thể hiện chữ viết theo lối thư pháp nhưng châu phê của các hoàng đế trên châu bản đã phần nào thể hiện kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao. Các hoàng đế đã rất chú trọng cách cầm bút, điều khiển ngọn bút cũng như cách điểm hoạch, kết cấu và bố cục. Những nét son trên châu bản chính là sự kết tinh sau nhiều năm tháng rèn luyện của người cầm bút. Dòng châu phê như rồng bay cho thấy thuở học làm vua trước khi lên ngôi, các hoàng đế đã phải trải qua thời gian khổ luyện trong việc rèn chữ, tu tâm, dưỡng tính mới đạt được thần trong chữ nghĩa.

Tâm tư hoàng đế qua châu bản

Châu bản không chỉ khẳng định nét bút tài hoa, trong những lời phê của các vị hoàng đế còn ẩn chứa những tâm tư, tình cảm về cách trị quốc, an dân. Lời phê của các vị hoàng đế phần nhiều trang nghiêm, trịnh trọng, bởi đó là mệnh lệnh tối cao của bậc quân vương nhưng cũng có khi thật ân cần, gần gũi. Hoàng đế Minh Mệnh là người rất chăm phê. Nội dung phê duyệt trên châu bản tập trung vào việc củng cố chế độ quân chủ T.Ư tập quyền và đặc biệt quan tâm tới nền nông nghiệp, cũng như đời sống của Nhân dân lao động. Ông từng phê: “Xem tập tâu lòng Trẫm được an ủi chút ít. Cốt sao cho công trình được chắc, vật liệu bền, đê vững, sóng êm, Trẫm cùng các thần dân các ngươi đều vui mừng!”.

Trong khi đó, hoàng đế Thiệu Trị lại chăm lo chỉ đạo sửa đức, yêu dân, thuận theo mệnh trời. Hoàng đế cũng là người thích thơ, tính tình lại hiền hòa. Bởi vậy, lời phê rất dung hòa và nhẹ nhàng. Tự Đức là vị hoàng đế tại vị lâu nhất trong số 13 hoàng đế nhà Nguyễn, cách phê duyệt của ông trên châu bản ẩn chứa tài văn chương nên đôi khi lời phê dài hơn tấu trình của các quan. Nội dung những lời phê là minh chứng cho sự quan tâm của ông trong việc giáo dục, đào tạo, tuyển chọn nhân tài. Cụ thể: “Âu khoa lần này thịnh điểu đón vời hiền tài. Ba kỳ đều có ngự đề ban cấp, tinh tuyển thực tài, mà các sĩ tử ta cũng tranh nhau dùi mài, đều có thể ứng mệnh”.

Năm 1859, liên minh Pháp và Tây Ban Nha đã đưa quân vào đánh chiếm thành Gia Định. Từ đây, nhiều biến cố xảy ra với triều Nguyễn cũng như vận mệnh Đại Nam. Châu phê của các vị hoàng đế vì thế cũng trăn trở theo thời cuộc. Hoàng đế Thành Thái còn cho mở trường Quốc học để đào tạo nhân tài, tìm hiểu về văn hóa phương Tây. Các hoàng tử, hoàng nữ đều phải học Pháp ngữ song song với Hán từ. Đến thời Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, có thể phê duyệt lên văn bản bằng cả chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ.

Tìm hiểu về bút tích của các hoàng đế cũng là tìm về với những ký ức của triều Nguyễn. Bởi không gì chân thực hơn những dấu son, nét chữ vẫn còn tươi trên giấy dó. Với việc giới thiệu tới công chúng hơn 100 phiên bản châu phê tiêu biểu, được lựa chọn từ 85.000 văn bản trong châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hy vọng có thể đem đến những góc nhìn mới giúp người đương thời nhận thức được quá khứ một cách chính xác hơn.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/goc-nhin-moi-ve-chau-ban-nha-nguyen-365718.html