Góc nhìn nghị trường: Từ vụ Vạn Thịnh Phát: Không chỉ cần chiếc... 'lồng quyền lực'

Vụ án Vạn Thịnh Phát một lần nữa cho thấy, dù đã có 'lồng quyền lực', nhưng nếu không có cơ chế kiểm soát hiệu quả thì người ta vẫn có thể bắt tay nhau gây thiệt hại lớn đến nhường nào.

Thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh tới mối quan tâm về vấn đề xử lý tình trạng sở hữu chéo; sự chi phối và thao túng với hệ thống tín dụng, hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa: VTC

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng đây là các vấn đề đang tạo ra những rủi ro cần xử lý cấp bách. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng thì phải xác định được cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Nhiệm vụ của Luật Các tổ chức tín dụng là phải xây dựng được khung khổ pháp lý để xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho hoạt động của ngân hàng.

Muốn vậy thì phải minh bạch thông tin cho tất cả cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại; vấn đề minh bạch thông tin của cổ đông lớn và các chủ thể có liên quan. Bên cạnh đó phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân, vì "dòng tiền không phải tự nhiên có mà phải từ đâu đó, từ cá nhân nào, từ tổ chức nào đi".

Ngoài ra, quy định "không được góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được ủy thác" sẽ rất khó thực thi trên thực tế. Cần có quy định cụ thể hơn để có cơ sở, phương pháp, cách thức phòng ngừa được những ma trận "hệ sinh thái" do các cá nhân đứng phía sau các ngân hàng tạo dựng lên.

Thực tế vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy, để các đối tượng "một tay che trời" có một phần rất lớn là do các cá nhân có trách nhiệm ngăn chặn vụ việc đã cố tình vượt ra ngoài "lồng quyền lực" để bắt tay với các đối tượng. Do vậy, "lồng quyền lực" dẫu có đủ "nan", đủ "khóa", nhưng nếu không có cơ chế vận hành hiệu quả thì cũng không phát huy được tác dụng.

Câu chuyện cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của những người có quyền lực trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát là việc cần phải làm. Một cơ chế kiểm soát hiệu quả là xem xét trách nhiệm của cấp trên trực tiếp của người vi phạm. Nếu cấp trên trực tiếp không quán xuyến, để cấp dưới qua mặt về chuyên môn, nghiệp vụ để vi phạm pháp luật, thì không nên tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ấy nữa.

THÙY LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/goc-nhin-nghi-truong-tu-vu-van-thinh-phat-khong-chi-can-chiec-long-quyen-luc-752917