Góc nhìn thứ bảy: Sự ích kỷ của những điếu thuốc lá

Những tưởng với internet, con người ta sẽ đường vùng vẫy ở những không gian khác, không bị giới hạn bởi các đường biên giới. Nhưng không, tất cả đã nhầm, mạng xã hội ngày càng khiến cho con người ta mất tự do. Tất cả đời tư bị lột trần, phơi nắng. Một câu nói nhỡ miệng, bạn sẽ bị ném đá còn ác liệt hơn những tội tày trời thời trung cổ.

Hãy sẵn sàng từ bỏ thuốc lá. Ảnh: P.V

Ấy thế nhưng có những hành vi xấu, thậm chí có những điều đã bị đưa vào chế tài để phạt hành chính. Song, lại ít bị lên án hoặc bị “tố giác” khi vi phạm. Ấy là hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Nhân tiện nhắc lại để nhiều người khỏi quên: “Hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây”. Đó là nội dung của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng.

Nhưng chúng ta hay quên, vì dường như cho đến nay chưa có ai bị… phạt. Hoặc ít nhất ở cộng đồng mạng, nơi vốn nhạy cảm với những vấn đề xã hội lại không có có không gian nào để “bêu tên”, chụp ảnh, ghi hình những người vi phạm.

Hoặc, chúng ta có một quy định khác: Nghị định 176/NĐ - CP/2013, ghi rất rõ về mức phạt cho hành vi hút thuốc nơi công cộng, phạt trẻ dưới 18 tuổi hút thuốc và phạt người bán thuốc cho trẻ dưới 18. Có quy định nhưng không ai bị phạt dù vi phạm nhiều, đó là quy định chưa đi vào cuộc sống.

Tại sao những nơi như Singapore, Hongkong thì chuyện bị phạt vì hút thuốc lá đã trở thành một nỗi “ám ảnh kinh hoàng” với khách quốc tế và dân địa phương thì ở Việt Nam lại không thể như vậy? Đừng đổ lỗi cho dân trí hay thói quen.

Cây bút Trương Anh Ngọc đã từng chia sẽ rất thú vị thế này: “Mình luôn nghĩ rằng, các bạn đàn ông khi vào các quán ăn hoặc cà phê, trước khi châm điếu thuốc và thưởng thức cái hay cái đẹp của thuốc lá, hãy nhìn xung quanh mình xem có người già, phụ nữ hoặc trẻ em gần bên hay không. Đa phần các quán ở mình đều chưa cấm hút thuốc lá bên trong, nên việc hút thuốc không bị coi là “có vấn đề”, nhưng cần lắm thay sự quan tâm đến những người xung quanh.

Bởi chẳng ai muốn mình sau một bữa ăn hoặc cà phê với bạn bè đi ra ngoài đường toàn mùi rất hôi của thuốc. Bởi chẳng ai muốn mình trở thành một người thụ động hấp thụ khói thuốc, vốn chẳng tốt gì cho sức khỏe. Bởi sự ích kỷ của việc thưởng thức thuốc của một vài người có thể khiến nhiều người vạ lây. Nhưng chuyện hút thuốc trong các không gian công cộng và khép kín như các quán ăn và cà phê của chúng ta từ lâu đã được coi là một chuyện rất bình thường và có lẽ phải rất lâu nữa mới trở thành một điều cấm kỵ như ở nhiều nước phương Tây. Ở đó, trong các không gian công cộng, việc hút thuốc bị cấm, vì thú vui của vài người có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều người, từ trẻ em, người già cho đến phụ nữ có thai. Ở đó, nếu các quán không có phòng riêng cho người hút thuốc, khách muốn hút phải ra ngoài hè mà hút.

Ở Hà Nội, có những quán mà mình hay lui tới đều có biển cấm hút thuốc. Ngày xưa thì trong đó sạch sẽ và yên tĩnh lắm, vì có các phòng riêng. Nhưng đến giờ thì cái biển cấm ấy chẳng còn tác dụng nữa. Vì quá chiều khách, nên nhân viên quán chẳng dám nhắc khách nói to quá, cười to quá và hút thuốc ầm ỹ quá, mùi bay hết cả sang các phòng kế bên, nồng nặc đến nghẹt thở, dù cửa đã đóng kín. Điều gì đã xảy ra khi những người đó bị các khách hàng khác (ở đây là phụ nữ) nhắc một cách lịch sự? Ông đàn ông trợn mắt lên như thể vừa bị điện giật và buông ra một câu rất vô văn hóa. Nhân viên thì không biết phải làm thế nào để xử lý tình hình, khi khách yêu cầu quản lý đến. Thế nhưng chính quản lý cũng nói “ở đây cấm hút thuốc, nhưng chúng em không nói được họ”.

Mình không chống lại những người hút thuốc (mình cũng đã từng hút), nhưng mình rất mong ở họ ý thức vì mọi người. Việc đó khó lắm sao?”.

Sự ích kỷ khiến người hút thuốc chỉ biết đến mình, sự ích kỷ khiến người bán hàng không thể tống cổ vị khách khi vi phạm quy định của quán, sự ích kỷ của nền kinh tế khi thuốc lá vẫn mang lại nguồn thu khổng lồ từ thuế…

Chỉ có thể làm được nếu chúng ta vượt qua bức tường mang tên ích kỷ.

Cho dù các báo cáo đều khẳng định là tỉ lệ hút thuốc ngày càng giảm, nhưng vẫn phải nói vì chúng ta đang tiến dần đến một ngày quan trọng. Ngày 31.5 - Ngày Thế giới không khói thuốc lá.

Bạn đã sẵn sàng chưa?

ANH HOÀNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/goc-nhin-thu-bay-su-ich-ky-cua-nhung-dieu-thuoc-la-668517.bld