Góc nhìn từ phía Afghanistan với quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ Biden

Câu 'Sự ngu xuẩn là làm đi làm lại cùng một việc và mong đợi những kết quả khác nhau' thường được cho là của Albert Einstein có vẻ như rất đúng với trường hợp của Afghanistan.

Ở Afghanistan, từ khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu sôi nổi vào tháng 9/2020, điều rõ ràng từ các cuộc thảo luận là Taliban muốn thành lập một chính phủ dựa trên quan điểm cực đoan của họ về một hệ tư tưởng tôn giáo. Giữa những thất bại lặp đi lặp lại và những rào cản dường như không thể vượt qua tại cuộc đàm phán hòa bình Doha, Tổng thống Mỹ Biden đã thông báo quyết định hoàn tất việc rút quân vô điều kiện khỏi Afghanistan vào ngày 11/9/2021.

Việc Taliban nhắc lại mong muốn thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan cho thấy, không có sự linh hoạt trong việc mang lại hòa bình ở Afghanistan. Muhammad Naeem - một phát ngôn viên của Taliban - đã tweet ngày 13/4, “cho đến khi tất cả các lực lượng nước ngoài hoàn toàn rút khỏi quê hương của chúng tôi, Tiểu vương quốc Hồi giáo sẽ không tham gia vào bất kỳ hội nghị nào đưa ra quyết định về Afghanistan”.

Ngoài ra, ngày 14/4, Zabihullah - một phát ngôn viên khác của Taliban - khẳng định trên Twitter, “nếu thỏa thuận bị vi phạm và các lực lượng nước ngoài không rời khỏi đất nước của chúng tôi vào ngày đã định, các vấn đề chắc chắn sẽ phức tạp và những người không tuân thủ thỏa thuận sẽ bị chịu trách nhiệm pháp lý”.

Các câu hỏi quan trọng vẫn là liệu Afghanistan có bao giờ đạt được hòa bình, có hay không việc rút quân của Mỹ? Điều gì cần xảy ra để đảm bảo hòa bình ở Afghanistan? Câu trả lời nằm ở bản chất căng thẳng của thỏa thuận hòa bình và một số lợi ích trong tiến trình hòa bình.

Thỏa thuận hòa bình mong manh

Theo báo cáo thường niên “Bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang” của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) và Phái bộ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, đã có 8.820 dân thường thương vong với 3.035 người chết vào năm 2020, giảm 15% so với năm 2019, nhưng một xu hướng đáng lo ngại là các vụ giết người có chủ đích đã tăng lên ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban được bắt đầu.

Mỹ đã theo đuổi cuộc chiến ở Afganistan 20 năm; Nguồn: militarytimes.com

Mỹ đã theo đuổi cuộc chiến ở Afganistan 20 năm; Nguồn: militarytimes.com

Gần đây, một số vụ tấn công đẫm máu đã xảy ra ở thủ đô Kabul của Afghanistan, chẳng hạn như vụ tấn công tàn bạo vào một khu hộ sinh ở Kabul khiến 24 người thiệt mạng, trong đó có 16 bà mẹ, 20 người và trẻ sơ sinh bị thương. Tương tự, một cuộc tấn công vào Đại học Kabul hồi tháng 11/2020 đã giết chết ít nhất 22 người và làm bị thương 27 người khác.

Taliban chính thức từ chối mọi trách nhiệm đối với các cuộc tấn công có chủ đích phổ biến hiện nay. Tuy vậy, các quan chức chính phủ và các chuyên gia tin rằng, lực lượng ủy nhiệm của Taliban đang thực hiện nhiệm vụ làm suy yếu năng lực của chính phủ và tạo ra nỗi sợ hãi trong công chúng buộc chính phủ phải nhượng bộ tại các cuộc đàm phán hòa bình. Thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan và thông báo của Biden rằng Mỹ sẽ không đáp ứng thời hạn rút toàn bộ ngày 1/5 đã một lần nữa làm tăng khả năng bạo lực vốn không suy giảm.

Trong thỏa thuận chính trị hiện tại, các quan chức chính phủ bị chia rẽ về chi phí của việc đảm bảo hòa bình cho Taliban. Càng ngày, nhiều quan chức chính phủ càng tin rằng theo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Taliban, đất nước chắc chắn sẽ trở nên độc tài hơn và nhiều tiến bộ đạt được đối với quyền của phụ nữ và quyền của thiểu số sẽ bị hy sinh. Hơn nữa, các quan chức lo ngại về việc duy trì và bảo vệ những thành tựu phát triển mà đất nước đã đạt được trong 20 năm qua, đặc biệt là khi Taliban công khai gợi ý rằng họ sẽ ban hành luật Hồi giáo Shariah, khi nắm quyền.

Phát biểu với The Diplomat, nhà báo từng đoạt giải thưởng Masood Hosseini cho rằng Chính phủ Afghanistan không đủ khả năng để đánh bại Taliban về mặt quân sự. Công thức duy nhất cho hòa bình là Taliban lên nắm quyền và thành lập chính phủ lâm thời.

Liệu Mỹ có rút quân đúng như kế hoạch vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời; Nguồn: southfront.org

Trong khi Taliban vẫn kiên định với yêu cầu của họ về một chính phủ Hồi giáo, các chi tiết cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Khi được hỏi về giáo dục của phụ nữ và các quyền công dân - Taliban duy trì những điều này theo một luật pháp Hồi giáo nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, như Hosseini giải thích: “Taliban duy trì hai lập trường về quyền của phụ nữ và họ thay đổi lập trường của mình dựa trên người mà họ nói chuyện. Họ nói điều gì đó khác với người dân Afghanistan và điều gì đó khác với chính phủ Mỹ”. Ông tin áp lực của cộng đồng quốc tế có thể đảm bảo quyền của người thiểu số và phụ nữ được bảo vệ. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, thực sự không nên trao quá nhiều quyền lực và đòn bẩy cho Taliban để làm bất cứ điều gì họ muốn và tiếp tục hoặc hồi sinh kỷ nguyên cai trị của họ.

Thiếu sự tham gia của các tổ chức dân sự vào đàm phán hòa bình

Ngay từ đầu, tiến trình hòa bình đã bao gồm cách tiếp cận từ trên xuống và đã không xem xét sự tham gia của các tổ chức dân sự. “Giới tinh hoa và trí thức thế tục đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình”, Hosseini chỉ ra. Ông dự đoán rằng “Họ sẽ rời khỏi Afghanistan và [chúng tôi] sẽ chứng kiến một làn sóng di cư khác từ Afghanistan. Nếu những người trí thức ra đi, đất nước sẽ lại nằm trong tay các lãnh chúa và nếu điều đó xảy ra thì đó sẽ là nguyên nhân của một cuộc nội chiến khác trên đất nước”.

Trong cuộc thảo luận với một số quan chức chính phủ, một quan chức cấp cao của Bộ Phát triển Phục hồi Nông thôn, Mukhtar Sabri, cũng bày tỏ sự bất bình với quá trình này: “Khoảng 80% các hoạt động phát triển kinh tế của chúng tôi ở vùng nông thôn Afghanistan đang bị đình trệ do Taliban liên tục quậy phá. Các nhà tài trợ ngày càng quan tâm đến chương trình Hiến chương Công dân [Citizen Charter program - chương trình hàng đầu của chính phủ, do Ngân hàng Thế giới tài trợ] và tài trợ cho chương trình này do tiến trình hòa bình. Cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục tham gia”.

Ông nói thêm: “Mọi người tôi biết đều lo ngại rằng chúng ta sẽ rơi vào các hoạt động trước năm 2001 và một cuộc nội chiến có thể nổ ra nếu Taliban lên nắm quyền”. Rõ ràng, cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan đang bị thiếu sót do sự thống trị của những người thuộc phe ủng hộ chính phủ và Taliban. Các nhà đàm phán hiện tại đại diện cho một thế hệ xa rời nguyện vọng và nhu cầu của giới trẻ Afghanistan.

Thêm vào vấn đề, không có sự tham gia của các tổ chức dân sự; người dân, đặc biệt là ở các vùng phân chia dân tộc, thành thị và nông thôn đã bị loại khỏi quá trình này. Không có cơ chế nào đảm bảo nhận thức đa dạng của người Afghanistan được xem xét. Abid Humayun - một nhà hoạt động nhân đạo và là giám đốc điều hành của Tổ chức Phát triển Sanayee - khẳng định, “Không ai nghĩ về hòa nhập xã hội, đảm bảo rằng tiếng nói của tất cả mọi người đều được lắng nghe - về cơ bản không ai lắng nghe. Không có quy trình hay cơ chế nào cho hòa bình”.

Những thách thức đối với hòa bình và hòa giải

Một phần lớn xã hội Afghanistan lo lắng về tình trạng kinh tế và xã hội của họ và lo lắng tiếng nói của họ bị mất đi. Trong khi đó, Taliban tự cho mình là đại diện của đa số người Pashtun, mặc dù họ tuyên bố vẫn để ngỏ cho các cuộc tham vấn. Về câu hỏi đại diện và loại trừ sắc tộc, Hosseini cáo buộc Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani là “một người toàn trị” đang tìm cách nắm giữ quyền lực của mình.

"Mặc dù đề nghị bầu cử sớm, ông ấy biết rằng công dân Afghanistan sẽ không bỏ phiếu cho Taliban và Taliban sẽ không chấp nhận kế hoạch của Tổng thống Ghani”, Hosseini nói, ngụ ý ý tưởng của Ghani về cơ bản là một trò lừa bịp.

Tương lai chính trị và an ninh của Afganistan rất mờ mịt, hòa bình rất mong manh; Nguồn: quotesgram.com

“Trong khi Taliban vẫn mở cửa cho các cuộc tham vấn với các nhóm sắc tộc, Ghani đã bác bỏ ý kiến này”. Hơn nữa, khả năng đối thoại và hòa bình bị thách thức bởi những nhu cầu khác nhau của các nạn nhân khác nhau. Có những rạn nứt trong các nhóm khác nhau đã bị tàn phá bởi cuộc xung đột kéo dài 20 năm. Các nhóm nạn nhân vẫn bị chia rẽ - đó là những nhóm đã mất gia đình và bạn bè vào tay các nhóm nổi dậy, các cuộc không kích của Mỹ hoặc các cuộc tấn công của quân chính phủ. Một nhóm được chuẩn bị để tha thứ và có những người muốn công lý và không sẵn sàng để tha thứ mà không tìm kiếm công lý.

Trải nghiệm của các nạn nhân làm lu mờ các thỏa thuận đảng phái chính trị giữa Mỹ, chính phủ [Afghanistan] và Taliban. Thách thức quan trọng khác đối với hòa bình và hòa giải là sự thiếu hiểu biết về trải nghiệm của con người và những tổn thương liên quan đến chiến tranh. Xã hội Afghanistan là sản phẩm của lịch sử chiến tranh, bao gồm cả cuộc nội chiến vào đầu những năm 1990, tàn phá người dân sau thất bại của Liên Xô. Những tổn thương của một quá trình như vậy vẫn chưa được xử lý và chưa được khắc phục và các lỗi lầm lịch sử có khả năng lặp lại.

Shabnam Bina - người đứng đầu bộ phận giám sát và đánh giá tại Care International - cho rằng, “nếu tiến trình hòa bình không giải quyết được các vấn đề [và] thù hận giữa mọi người, họ có khả năng phải đối mặt với tình huống dàn xếp cá nhân và thúc đẩy đất nước trở nên bạo lực hơn nữa bằng cách gây ra căng thẳng sắc tộc”. Việc để người dân Afghanistan trong tình trạng bấp bênh như vậy làm ảnh hưởng những lời hứa của Mỹ khi lần đầu tiên xâm lược đất nước này vào năm 2001. Rõ ràng chính sách đối ngoại của Mỹ không được xác định bởi các khẩu hiệu về nhân quyền, quyền phụ nữ và giúp biện minh cho 20 năm chiến tranh kéo dài với al-Qaida và sau đó là Taliban.

Xã hội Afghanistan đang bị đe dọa bởi các cường quốc trong khu vực, những người sẽ cạnh tranh với nhau để giành quyền kiểm soát và ảnh hưởng đối với Afghanistan. Ở phía Đông, Pakistan và Ấn Độ có khả năng mang sự cạnh tranh quốc gia giữa họ từ Kashmir đến Afghanistan, gây tổn hại thêm tình trạng an ninh con người. Ngoài ra, Iran - nước láng giềng phía tây của Afghanistan, cũng sẽ tranh giành ảnh hưởng trong trường hợp không có một xã hội vững chắc có thể duy trì áp lực của quá trình chuyển đổi chính phủ. Do đó, công dân Afghanistan bị mắc kẹt trong vũng lầy chính trị mà họ vẫn không có khả năng tự vệ.

Trong những trường hợp như vậy, việc tái lập các nhóm phe phái là một trong những kết quả có thể xảy ra khi người Afghanistan tìm cách lấp đầy khoảng trống để đảm bảo an ninh cho con người. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức nhân đạo, phải tham gia vào các cường quốc trong khu vực, bất kể việc Mỹ rút quân và thực hiện nghĩa vụ đạo đức để đảm bảo rằng sự ổn định, công lý và hòa bình bắt ngự trị trên đất nước thông qua sự gắn bó lâu dài với xã hội. Điều này nên bao gồm một cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan thực sự hơn để xử lý các vết thương và hòa giải, và không chỉ thông qua sự tham gia của các tác nhân quyền lực từ tất cả các bên./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (theo thediplomat.com)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/goc-nhin-tu-phia-afghanistan-voi-quyet-dinh-rut-quan-cua-tong-thong-my-biden-851254.vov