Góc nhìn về bộ ba gương mặt nhà báo lão thành quê hương Khánh Hòa

Dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), bộ phim 'Ba đứa chúng mình' dự kiến sẽ được phát sóng trên một số đài Truyền hình Trung ương và địa phương nhằm giới thiệu ba gương mặt nhà báo - ba người đồng chí tiêu biểu: Nguyễn Minh Vỹ - Lý Văn Sáu - Võ Văn Sung.

Họ đã bên nhau những năm tháng hoạt động cách mạng, đã gắn bó keo sơn, sâu nặng với mảnh đất Khánh Hòa và có những đóng góp nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, báo chí. Đặc biệt, cả ba đều cùng tham gia đàm phán ngoại giao tại Hội nghị Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

Góc nhìn của những người làm phim trẻ về bộ ba nhà báo cách mạng của quê hương Khánh Hòa

Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ (tức Tôn Thất Vỹ) xuất thân là một trí thức hoàng tộc Triều Nguyễn, dám từ bỏ dòng dõi hoàng tộc để đi theo con đường Cách mạng. Ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Khánh Hòa và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh vào tháng 10 năm 1945. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 1 của tỉnh Khánh Hòa.

Nhà báo Lý Văn Sáu (tức Nguyễn Bá Đàn), được sinh ra trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước tại Nghệ An. Ông được bầu vào Ban chấp hành Thanh niên cứu quốc tỉnh, được may mắn tiếp xúc với nhiều thanh niên, cán bộ, phái viên các tỉnh đến làm việc và đặc biệt là lực lượng bộ đội Nam Tiến. Sau này, ông chính là phát ngôn viên của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ của “ba tên Khánh Hòa” tại Hội nghị Paris, nhà báo Lý Văn Sáu, gọi đây là “sự việc ngẫu nhiên mà như số phận”.

Đại sứ Võ Văn Sung nguyên quán Thừa Thiên - Huế, có mặt tại Nha Trang trong đội hình của Đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh Trung Bộ. Khi Hiệp định sơ bộ giữa Pháp và Việt Nam được ký kết, ông làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Khánh Hòa, và gặp ông Tôn Thất Vỹ. Tháng 10/1946, ông rời Huế vào Khánh Hòa nhận nhiệm vụ Trưởng ty Thông tin, tuy nhiên khi đến Phú Yên, Phân cục xứ ủy Trung Bộ đã giữ ông lại làm chủ bút tờ tuần báo Nam Trung - cơ quan tuyên truyền kháng chiến của cực Nam Trung Bộ.

Điều thú vị là cả ba nhà cách mạng lão thành ấy đều cùng có thời gian tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa giai đoạn 1945-1954, rồi không hẹn mà gặp, cả ba ông cùng có mặt tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973.

Đại sứ Võ Văn Sung – Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, người đề xuất chọn Paris làm địa diểm đàm phán.

Bộ phim “Ba đứa chúng mình” là câu chuyện, góc nhìn của những người trẻ đi tìm hiểu lại câu chuyện đặc biệt về ông Nguyễn Minh Vỹ, ông Lý Văn Sáu và ông Võ Văn Sung. Cả ba ông sinh ra ở ba miền quê khác nhau nhưng luôn coi Khánh Hòa như quê hương thứ hai của mình, vì thế đã có những cống hiến nhất định mà lịch sử xứ Trầm Hương đã ghi nhận. Những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất là khi ba ông cùng có mặt trong một sự kiện lịch sử - Lễ ký hiệp định Paris về Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, khép lại hơn 4 năm trời đàm phán gian khổ và phức tạp.

Phim có những tư liệu quý của ba nhân vật chính, thể hiện được những đóng góp, cống hiến của mỗi người đối với vùng đất Khánh Hòa.

Đoàn làm phim ghi hình tại khu Di tích Tháp Bà Ponaga, Thành phố Nha Trang.

Báo Thắng - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa

Khi xem bộ phim “Ba đứa chúng mình”, khán giả có dịp hiểu thêm lịch sử hình thành báo Thắng - tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay.

Báo Thắng là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, chủ nhiệm đầu tiên là nhà báo Nguyễn Minh Vỹ; chủ bút là ông Lý Văn Sáu và Tổng Biên tập là ông Võ Văn Sung.

Báo viết tay, xuất bản khổ nhỏ, in đá thuở ấy đã đốt lên ngọn lửa sáng cho cuộc kháng chiến. Chính tên gọi của nó - báo “Thắng”, là ước mong của những người sáng lập, của nhân dân Khánh Hòa về cuộc kháng chiến, dù gian khổ lâu dài, nhưng nhất định sẽ thắng. Hiểu được ý nghĩa của tờ báo Thắng, càng thêm trân trọng và cảm phục công lao của những nhà báo đã có công gây dựng.

Đoàn làm phim ghi hình tại suối Khánh Vĩnh - căn cứ cách mạng khi xưa 3 ông từng hoạt động.

Từ Khánh Hòa đến Paris…

Bộ phim “Ba đứa chúng mình” đề cập đến những đóng góp to lớn của Hội Nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam, trong đó có ba nhà báo của báo Thắng hơn 20 năm trước. Tại Hội nghị, với cương vị khác nhau, nhà báo Nguyễn Minh Vỹ đảm nhận trọng trách Phó Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà báo Võ Văn Sung làm Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp, nhà báo Lý Văn Sáu là Phát ngôn đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Vỹ - Nguyên Phó trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris năm 1973.

Những kinh nghiệm công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí tích lũy được từ những ngày đầu kháng chiến đến những năm sau này đã góp phần tạo nên bản lĩnh, tài năng, sự nhạy bén và sáng tạo của cả ba ông trên mặt trận truyền thông - báo chí - ngoại giao trong suốt 5 năm đàm phán. Họ trở thành những nhân chứng lịch sử quan trọng trong Hội nghị Paris, cùng góp phần vào thắng lợi của dân tộc ta trên mặt trận đàm phán ngoại giao.

Bộ phim “Ba đứa chúng mình” do Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo sản xuất, Đài PT – TH Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa và Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp thực hiện. Cố vấn: Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Tiến sĩ Võ Văn Thuận. Đạo diễn: NSƯT Phạm Việt Tùng, Chu Thùy Trang,Nguyễn Thị Bích Ngọc. Biên kịch: Chu Thùy Trang, Nguyễn Thị Kiều Oanh.

Bích Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/goc-nhin-ve-bo-ba-guong-mat-nha-bao-lao-thanh-que-huong-khanh-hoa-post63727.html