GÓC NHÌN: XÂY DỰNG QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ - ĐƯA TIẾNG NÓI CỦA CỬ TRI ĐẾN NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI HIỆU QUẢ HƠN

Việc xây dựng Quốc hội điện tử là tạo thuận lợi đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn thông qua các nền tảng trực tuyến. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết về nội dung này của đại biểu Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định “Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.

Với tầm quan trọng đó, Quốc hội luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan thuộc Quốc hội và xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quốc hội đã quan tâm ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin như: Nghị quyết số 588/NQ-UBTVQH14 ngày 19/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử; Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH15 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2024 của Văn phòng Quốc hội, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Công đoàn Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của Văn phòng Quốc hội; đẩy mạnh Đề án Quốc hội điện tử hướng đến Quố hội số, thúc đẩy triển khai trợ lý ảo, ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin khác hỗ trợ hoạt động cho đại biểu Quốc hội”.

Với mục tiêu chính của Quốc hội điện tử là tạo thuận lợi đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn thông qua các nền tảng trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) Trung Quốc Triệu Lạc Tế tại Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử - Nhà Quốc hội.

Quốc hội điện tử giúp tối ưu hóa quản lý nguồn lực, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, tăng cường sự minh bạch và tính chính trị trong hoạt động của Quốc hội, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tương tác giữa cử tri và Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Quốc hội điện tử từ đó đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường của Quốc hội. Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Quốc hội điện tử đã dần được thiết lập.

Một số cơ sở dữ liệu của Quốc hội mang tính chất nền tảng thông tin như: Cơ sở dữ liệu (CSDL) tích hợp; CSDL văn bản pháp luật; CSDL Văn bản của Quốc hội ban hành được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Các cơ quan của Quốc hội đã cung cấp một số thông tin, văn bản quy phạp phám luật phục vụ cho đại biểu Quốc hội tiếp cử tri, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cử tri… Một số bộ phận của Văn phòng Quốc hội đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, tổng quan có thể thấy, việc triển khai xây dựng Quốc hội điện tử để từ đó đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường của Quốc hội chưa đạt được như mong muốn của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu của Quốc hội, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ xây dựng Quốc hội điện tử chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác. Nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Việc cung cấp CSDL tích hợp; CSDL văn bản pháp luật; CSDL Văn bản của Quốc hội ban hành để cử tri năm và theo dõi chưa đạt yêu cầu; việc giải quyết đơn thư của cử tri chưa được thực hiện còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án. Điều này dẫn đến tình trạng giữ mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri còn chưa có đầy đủ thông tin dữ liệu số.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là do các cơ quan của Quốc hội chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cử tri, nhất là trong quan hệ với cử tri; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan của Quốc hội trong chỉ đạo thực hiện. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan của Quốc hội cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan của Quốc hội; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan của Quốc hội còn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Quốc hội điện tử, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch. Cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Quốc hội điện tử chưa đủ mạnh cũng là nguyên nhân của việc thực hiện còn thiếu hiệu quả và mang nặng tính hình thức.

Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của việc xây dựng Quốc hội điện tử nhằm đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường Quốc hội trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế tồn tại, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Quốc hội điện tử, phát triển, hành động, phục vụ để đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường Quốc hội. Đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới Quốc hội cần hoàn thiện nền tảng cho phát triển Quốc hội điện tử hướng tới Quốc hội số và nâng cao năng lực, hiệu quả của Quốc hội.

Có thể nói, triển khai Quốc hội điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, để có bước đột phá mạnh mới, Quốc hội cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của thế giới và xây dựng các bước triển khai cụ thể, trực diện với hiệu quả cao nhất. Với tinh thần như vậy Quốc hội đã đưa vào sử dụng một số ứng dụng để phục vụ đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây sẽ là định hướng cụ thể để triển khai các nhiệm vụ xây dựng Quốc hội điện tử hướng tới Quốc hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử.

Để xây dựng Quốc hội điện tử từ đó đưa tiếng nói của cư tri đến nghị trường Quốc hội, trước hết cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Quốc hội điện tử.

Thứ hai: Hoàn thành các cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng, song song với việc xây dựng các thể chế, cần tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu Quốc hội, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia đại biểu Quốc hội, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; hệ thống liên thông từ Trung ương đến địa phương; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Quốc hội để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa Quốc hội và các cơ quan liên quan.

Thứ ba: Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ cử tri và phục vụ quản lý điều hành của Quốc hội; Theo đó, Văn phòng Quốc hội và các Văn phòng Hội đồng nhân triển khai hệ thống thông tin kết nối thông xuất; đây là hệ thống quan trọng để kết nối Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với cử tri, thể hiện tinh thần năng nghe ý kiến của cử tri.

Thứ tư: Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người; Trong những năm qua, Quốc hội đã có những đầu tư nhất định trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vẫn còn phân tán chưa tạo ra được thay đổi mang tính nền tảng nhằm xây dựng Quốc hội điện tử. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Quốc hội điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Quốc hội điện tử, Quốc hội số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển Quốc hội điện tử.

Thứ năm: Phát huy vai trò người đứng đầu các cơ quan của Quốc hội, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình; Thể hiện quyết tâm xây dựng Quốc hội điện tử trên tinh thần Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH15 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử, các thành viên liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Đề án Quốc hội điện tử để gắn kết xuyên suốt giữa các cơ quan của Quốc hội và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, xây dựng Quốc hội điện tử hướng tới đưa tiếng nói của cử tri đến nghị trường Quốc hội là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nhằm tạo ra một phương thức điều hành mới, cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=84594