Góc nhỏ Tây Nguyên

1. Trước đây, anh bạn tôi được phân công lên Tây Nguyên công tác mấy năm. Khi trở về, anh mua mảnh đất xây một ngôi nhà ven biển.

Điều đặc biệt là từ trong nhà ra ngoài vườn đều hiện hữu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Biết tôi từng sinh sống ở trên ấy, anh rủ tôi đến nhà chơi.

Tham quan căn nhà nhỏ, tôi thực sự ngỡ ngàng và thêm phần cảm mến anh. Những trụ tiêu cũ được anh mua về dựng thành hàng rào. Cây nêu cũng được dựng cùng với một đôi bức tượng gỗ. Anh còn mua cả thuyền độc mộc cũ, cối chày cũ của bà con để bài trí. Trước đó, anh đã trồng 2 cây kơ nia nhưng khí hậu biển không hợp nên khá tiếc nuối.

Mô hình nhà mồ Tây Nguyên được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: T.U

Trong nhà tôi vẫn reo ngân tiếng chuông gió được làm từ 1 quả bầu khô và 7 chiếc ống nứa được mua ở Bảo tàng tỉnh. Ngày nhiều gió, tiếng chuông gió đung đưa kêu lách cách. Những đêm trở gió, tiếng chuông gió như thủ thỉ tâm tình âm thanh của núi rừng Tây Nguyên. Những âm thanh lặp lại, chao đưa khiến tôi không thôi nhớ về những con đường dài hun hút gió, những rừng thông thẳng tắp, nhớ mùa gió thổi cuối năm ràn rạt trên vạt cỏ đuôi chồn và dã quỳ tàn trơ khấc cuối vụ.

Tôi vẫn đi đi về về vì công việc nhưng dấu ấn của miền đất đã từng gắn bó hơn 30 năm không có gì thay thế được. Con đường đó, hàng cây đó, rồi những gương mặt thân quen, có cả tốt lẫn xấu, cả yêu thương lẫn giận hờn. Vậy nên, nghe tiếng chuông lách cách lòng không khỏi bâng khuâng.

2. Mới đây, tôi có dịp lên Thái Nguyên. Như thường lệ, tôi đến tham quan Bảo tàng tỉnh như là điểm đầu tiên để tìm hiểu về vùng đất mới. Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên nằm ngay trung tâm thành phố, nép mình dưới những cây bàng già chuyển lá đỏ rực. Bảo tàng được xây dựng khang trang. Ấn tượng và níu giữ ánh mắt tôi là không gian văn hóa vùng Trường Sơn-Tây Nguyên được trang trí phía bên phải của Bảo tàng.

Giữa trung tâm TP. Thái Nguyên, ngôi nhà rông Tây Nguyên vươn mình kiêu hãnh, tạc vào trời xanh. Chiếc bóng hình lưỡi rìu ngược với những trang trí hình mặt trời phía trên cùng của mái nhà. Tấm biển chú thích của Bảo tàng ghi rõ đây là mô hình được lấy nguyên mẫu nhà sàn Bahnar ở Kon Tum. Phía sau nhà rông, dưới những tán cây sum suê là khu nhà mồ với 2 cây klao cao vút. Những dây leo quấn chằng chịt, cây cỏ mọc lấn với tượng gỗ. Những tượng gỗ được tạo tác rất khéo đầy đủ hình thù.

Tôi phải thầm trầm trồ rằng họ làm rất hay. Nhà mồ dựng lên, cây cối mọc um tùm che khuất dưới bóng cây cổ thụ. Nó giống như những khu nhà mồ đã được làm bỏ mả ở làng Kép 1(xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) mà tôi đã từng có dịp ghé.

Đứng giữa mùa đông Việt Bắc, tôi bỗng nhớ mùa khô trời trong xanh và cái nắng chao chát của Tây Nguyên. Và tôi luôn nghĩ rằng, không chỉ có tôi, mà những ai đã từng sống ở Tây Nguyên, đang sống ở Tây Nguyên cũng sẽ có xúc cảm như vậy. Bởi tôi tin, dù ở đâu, làm gì, chúng ta cũng luôn có nơi chốn để yêu thương, nhớ về.

TÚ UYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/goc-nho-tay-nguyen-post261884.html