Gods of Egypt: Tốt nước sơn, nhưng chưa tốt gỗ

Chúng ta đã có các vị thần Hy Lạp và Bắc Âu, giờ thì đến lượt thần Ai Cập xung trận. Vị đạo diễn Alex Proyas của The Crow, Dark City và I, Robot, Gods of Egypt (Các vị thần Ai Cập) đã đưa các vị thần đến màn ảnh rộng bằng những cảnh hoành tráng trên nền một câu chuyện giản đơn.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện các vị thần của Ai Cập cổ đại, nhưng thực ra đã được sửa đổi rất nhiều. Gods of Egypt là câu chuyện về sự tranh giành vương quyền, hành trình trả thù của “một đứa con được nuông chiều từ một đứa con được nuông chiều khác” và sự tái hợp của tình yêu, một nền khá đơn giản. Horus (Nikolaj Coster-Waldau) là Thần bầu trời, vị thần của chiến tranh chính nghĩa và sự bảo vệ, nhưng trong phim lại là cậu ấm tay chơi vốn được cơ cấu vào ngôi thần tối cao thay cho cha mình là Osiris. Nhưng than ôi, người chú Set (Gerard Butler) - thần của sa mạc, bão tố và hỗn loạn - đã chặn ngang một cước. Thua trận và bị tước hết hai con mắt thần thánh, cha mẹ bị giết hại, chàng chán nản sống trong men rượu cho đến một ngày, tên trộm Bek (Brenton Thwaites) đã đến và ngang nhiên giao dịch với Thần.

Âm mưu đơn giản. Đối thoại đơn giản. Khán giả chẳng phải đau đầu nhức óc để hiểu. Chỉ cần ngồi đó và thưởng thức các màn kỹ xảo và hành động.

Phần diễn xuất cũng không có gì đáng chú ý, tròn vai nhưng không đặc biệt hay nổi trội. Nikolaj Coster-Waldau không phải lần đầu diễn một tay thừa kế trẻ tuổi ăn chơi và bị phá đám. Gerard Butler dường như cũng bị đóng đinh vào các vai phản diện “chặn họng” sự sung sướng của người khác kể từ bộ phim 300 (2006). Brenton Thwaites và Courtney Eaton diễn xuất đủ để không phải nghe chỉ trích. Geoffrey Rush trong vai Thần ánh sáng Ra khá thú vị khi bình thường, trông chẳng khác gì một ông già lẩm cẩm. Elodie Yung vai Thần tình yêu Hathor có vẻ chìm hơn cả. Nàng chẳng có nhiệm vụ gì nhiều ngoài chuyện ân ái.

Bù lại là phần hình ảnh. Nhà sản xuất đã đầu tư kỹ lưỡng cho thiết kế đồ họa, bối cảnh và trang phục. Nhưng đến kỹ xảo CGI thì lại gây thất vọng cho khán giả Mỹ bởi cảm giác “hoạt họa” như những bộ phim được làm từ vài năm trước. Khán giả Việt Nam thì dễ tính hơn. Bên cạnh đó, sai lầm của các nhà làm phim Gods of Egypt là đã cố để trở thành một Marvel. Các vị thần trông “thần” cho đến khi họ bị biến thành một Người Sắt trong bộ giáp kim loại.

Về tổng thể, có thể ví von Gods of Egypt là một live-action tổng hợp từ các phim Disney kết hợp với phong cách Marvel và cho ra một sản phẩm “hỗn mang”. Khác biệt duy nhất là siêu anh hùng và kẻ phản diện đều là thánh thần.

Tôi chú ý hơn cả đến hình tượng các nhân vật. Nếu đã đọc về thần thoại Ai Cập thì sẽ thấy bộ phim đã thay đổi đi rất nhiều. Chẳng hạn chuyện Horus bị mất tất cả trong lễ đăng quang là không có. Thực ra, Horus vốn là đứa con ra đời sau khi người cha, thần Osiris (cai quản thế giới bên kia, tượng trưng cho sự tái sinh) bị giết hại, phải sống “lén lút” để che tai mắt của Set cho đến ngày giành lại ngai vàng. Với một cuộc sống như vậy, Horus, có phần na ná Hercules, khó có thể là một tay ăn chơi trác táng như trong phim. Có lẽ, các nhà làm phim muốn gửi gắm một điều gì đó, như là đừng sống trong vinh quang hay “ảo tưởng sức mạnh” mà lơ là phòng vệ. Nhân vật này chỉ lấy lại được trí tuệ cần có của một nhà lãnh đạo cho đến cuối phim, trong cảnh tiêu diệt kẻ thù của mình. Cái giá trưởng thành chưa bao giờ là rẻ cả.

Tên trộm Bek khiến ta nghĩ đến Aladdin, kẻ làm tất cả chỉ vì tình yêu. Trong thần thoại thì không có nhân vật này. Horus không cần một tay trộm để thức tỉnh mình. Nhưng với hình tượng được xây dựng trong phim thì quả thật, Thần bầu trời rất cần một kẻ lưu manh.

Set thì có phần giống Thần chiến tranh, nhưng bị nhuốm đậm trong hận thù và ganh tị. Nhân vật này là hệ quả của cách nuôi dạy con vụng về của các ông bố bà mẹ thần thánh. Con người luôn tìm kiếm sự bình đẳng và công bằng ngay từ khi chỉ là một đứa trẻ. Chúng mong muốn bố mẹ yêu chúng nhiều như anh/chị/em của mình vậy. Chúng mong muốn được hưởng di sản của cha mẹ bằng với những gì mà người khác được nhận. Và khi bố mẹ bất lực trong việc giải thích tại sao chúng được phần này, mà anh của chúng được phần kia, to hơn, đẹp hơn, thì chúng bị tổn thương, cô độc và hận thù.

Rufus Sewell trong vai Kiến trúc sư Urshu thì chẳng khác gì Jafar. Gã luôn tự hào về các công trình hoành tráng của mình, nhưng đằng sau đó là một loạt chi phí khủng khiếp, hàng nghìn tảng đá, hàng nghìn khối vàng, và trên hết, hàng nghìn nghìn xác nô lệ. Gã cũng chẳng khác mấy các tay kiến trúc sư ngày nay nói riêng, những tay chính trị gia nói chung: xây dựng nên các thành tích trên sự trục lợi và ngả gối trước quyền lực.

Thần Trí tuệ Thoth của Chadwick Boseman thì hoàn toàn mang lại cảm giác bước ra từ thế giới hoạt hình, nhưng lại là nhân vật gây dấu ấn nhất. Thần kiêu ngạo và hài hước. Thần tự tin với trí tuệ của mình khi đối đầu với con nhân sư, nhưng cũng phải qua mấy lần trả lời Thần mới khiến nó hài lòng. Mà con đường để Thần trả lời đúng cũng đủ thú vị: Đừng nghĩ như Thần, hãy nghĩ như Người. Khi con người đứng trên đỉnh cao, chúng ta thường quên tất cả những thứ bên dưới. Nhưng đôi lúc, hãy đứng từ bên dưới để thấy được, cái vị trí mà ta nghĩ là “đỉnh” thực ra chỉ là “chân” của một cái đỉnh khác.

Một điều đáng chú ý trong việc thay đổi câu chuyện gốc của thần thoại Ai Cập. Đó là, Isis, mẹ của Horus, thần tình mẹ và sinh sản, vốn có thứ mà người xưa hay gọi là “lòng dạ đàn bà”. Nhiều lần đáng ra có thể tiêu diệt được Set, nhưng bà lại mở con đường nhân đạo từ bi, góp phần “vẽ đường cho hươu chạy” và chịu trách nhiệm về những năm trường khốn khổ của người Ai Cập dưới bàn tay của Set. Nhưng trong phim, bà chẳng có cơ hội đó. Đây là một thay đổi hợp lý trong thời đại nữ giới đang ngày càng thể hiện sức mạnh của mình.

Nhìn chung, Gods of Egypt là một bộ phim hành động điển hình. Các cô nàng có thể không khoái lắm nhưng các chàng trai thì rất thích, đánh nhau và kỹ xảo, vậy là đã được thông qua. Nếu thần Ra là một khán giả, hẳn ông ấy sẽ quăng bộ phim này vào hố rác của vũ trụ trong tiếng cười khúc khích.

Xem thêm:

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/gods-egypt-tot-nuoc-son-nhung-chua-tot-go