Gói bánh chưng bằng giấy bạc độc hại thế nào?

Không cần phải sử dụng lá dong truyền thống, nhiều người sáng tạo ra cách gói bánh chưng bằng giấy bạc vì cho rằng vừa tiện lợi, vừa ngon miệng, thoải mái kết hợp các vị khác nhau...

Trào lưu gói bánh chưng bằng giấy bạc

Gần đến Tết Nguyên đán, mạng xã hội lại tràn ngập những bài viết của Việt kiều, du học sinh, người xuất khẩu lao động về việc chuẩn bị đón Tết ở đất khách. Không phải ở đâu người Việt cũng có thể xoay xở kiếm được lá dong để gói bánh chưng, trong khi đối với họ, đây là món ăn nhất thiết phải có để mang lại những cảm xúc thiêng liêng về Tết truyền thống, để cảm nhận được sự ấm áp của quê nhà.

'Sáng kiến' của nhiều người lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chính là sử dụng giấy bạc, giấy nến mua ở siêu thị để gói bánh chưng. Những đoạn clip quay cảnh gói bánh chưng bằng giấy bạc của họ đang gây sốt trên mạng xã hội, thu hút lượng tương tác lớn.

Sản phẩm bánh chưng gói bằng giấy bạc.

Trên trang facebook cá nhân, Tống Trang (quê Nghệ An) hiện là thưc tập sinh đang làm việc tại tỉnh Nigata, Nhật Bản khiến dân mạng trầm trồ khi khoe tài gói bánh chưng, bánh tét bằng giấy bạc cùng các chị em đồng hương. Bánh gói bằng giấy bạc không có lớp vỏ bọc màu xanh nhưng bù lại, các cô gái vẫn nhuộm xanh được phần nếp bằng nước lá dứa. Tuy màu xanh của những hạt nếp không được đậm như cách xay lá giềng lấy nước để ngâm như cách làm ở Việt Nam nhưng tại xứ người, cách làm được như vậy cũng đủ để Tống Trang và các bạn hài lòng.

"Bánh chưng sau khi gói xong, cho vào nồi đổ xâm xấp nước và luộc trong khoảng 3 tiếng là xong. Sau đó, vớt bánh ra, bóc lớp giấy bạc bên ngoài và nén bánh thật chặt. Vậy là bạn đã hoàn thành xong món bánh chưng mà không cần đến lá dong, lá chuối rồi", tài khoản facebook này chia sẻ.

Thùy Linh (hiện sống ở thành phố Kobayashi, tỉnh Miyazaki, Nhật Bản) cũng không thể về Việt Nam ăn Tết cổ truyền. Dù vậy, cô vẫn muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nên đã tự mày mò học gói bánh chưng.

Thùy Linh sáng tạo ra cách gói bánh chưng bằng giấy nến. Cô dùng những miếng bìa carton dựng thành hình vuông nhỏ để làm khuôn, bên ngoài là 2 lớp giấy nến. Sau đó, Linh cho các nguyên liệu vào theo quy trình thông thường. Cuối cùng, cô gấp các lớp giấy lại và buộc dây hình chữ thập là thành hình bánh chưng. Clip gói bánh chưng của Thùy Linh cũng đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Nhiều người sáng tạo dùng giấy bạc để gói bánh chưng.

Bình luận về điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng có thể thành phẩm vẫn là bánh chưng nhưng không có hương vị truyền thống đặc trưng như bánh gói từ lá dong. Do đó, bánh khó có thể thơm ngon được.

"Bánh chưng là sự kết hợp hài hòa giữa lá dong, gạo, đỗ, thịt. Nhựa trong lá dong tạo nên một hương vị đặc trưng mà không có loại lá nào có thể thay thế được. Ngoài ra, lá dong giúp bánh bảo quản được lâu. Nếu gói bằng giấy bạc, không có độ thoáng khí, bánh sẽ rất nhanh thiu", PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Độc hại khi đun giấy bạc lâu ở nhiệt độ cao

PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết giấy bạc thực chất là giấy nhôm. Đây là một sản phẩm phổ biến, có nhiều nhà sản xuất khác nhau, đặc biệt nguồn gốc phức tạp. Nhôm thiếu chất lượng có thể chứa tạp chất kim loại nặng, tích tụ gây độc cho cơ thể. Bản thân nhôm cũng là kim loại có thể gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm nếu người dùng bị nhiễm ở nồng độ cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, dùng giấy bạc đun nấu thức ăn ở nhiệt độ cao hiện nay khá phổ biến vì tính tiện dụng và khả năng chịu nhiệt trong quá trình nấu nướng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến việc nhôm nhiễm vào thức ăn, đặc biệt trong quá trình đun cùng nước ở nhiệt độ cao với thời gian rất lâu như nấu bánh chưng. "Nhiệt độ cao thúc đẩy các phản ứng trao đổi cation giữa nhôm và các muối, hợp chất ion trong thức ăn", PGS.TS Nguyễn Đình Quân phân tích.

Giấy bạc được làm từ nhôm cán mỏng với 98,5% là nhôm, thành phần còn lại là sắt và silicone để tạo độ bền cơ học. Loại này thường được dùng để bọc thực phẩm khi nướng trong lò nướng hay trên than. Ở nhiều quán ăn và nhà hàng Âu dùng khay giấy bạc để đựng thức ăn mang đi. Trong quá trình nấu nướng ở nhiệt độ cao và các thực phẩm chua, nhôm trong giấy bạc có thể phân tán vào thức ăn với hàm lượng nhỏ. Tuy nhiên đến nay chưa có minh chứng khoa học nào về tác hại của nó.

Đối với giấy nến, trên thị trường có hai loại là giấy chống dính và giấy nến. Giấy chống dính là loại giấy được xử lý bằng axit sulphuric (H2SO4) để tạo bề mặt có khả năng chống dính và chịu nhiệt 200-220 độ C. Giấy sẽ có màu nâu sau khi xử lý axit, hoặc sẽ có thêm bước tẩy trắng để có màu trắng đục. Khi giấy chống dính này được tráng một lớp silicone có khả năng chịu nhiệt cao, nó được gọi là giấy nến. Silicone là một loại polymer vô cơ có khả năng chịu nhiệt và khá trơ với thức ăn thông thường nên an toàn khi sử dụng chế biến thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Đình Quân cũng khuyên bạn trẻ nên cân nhắc trước khi "bắt trend" gói bánh chưng, bánh tét bằng giấy bạc như trên mạng xã hội. Tốt nhất hãy dùng nguyên liệu lá chuối, lá dong truyền thống để an toàn cho sức khỏe.

Nếu không có điều kiện dùng lá, buộc dùng giấy bạc để chế biến thức ăn, PGS.TS Nguyễn Đình Quân cũng lưu ý không nên dùng quá nhiều và thường xuyên trong nấu nướng. Nên chọn loại sản phẩm chất lượng, đảm bảo. Dấu hiệu nhận biết giấy nhôm chất lượng là có kết cấu chắc, bền, bề mặt nhẵn, dày đều. Không nên dùng loại giấy nhôm đã bị ăn mòn vì nước, oxy hóa xỉn màu... Vì nhôm oxit hoặc các muối nhôm khi đó dễ phản ứng hoặc hòa tan vào dung dịch muối của thức ăn hơn.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/goi-banh-chung-bang-giay-bac-doc-hai-the-nao-169240119153844124.htm