Gói cứu trợ kinh tế Mỹ 1.900 tỷ USD: Phát không cho mỗi người 1.400 USD, Washington lấy tiền ở đâu?

Baoquocte.vn. Nước Mỹ đã lấy tiền từ đâu để thực hiện các gói cứu trợ khổng lồ trong đại dịch Covid-19?

Gói cứu trợ kinh tế Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD sẽ phát cho mỗi người 1.400 USD. (Nguồn: Bangkokpost)

Gói cứu trợ kinh tế Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD sẽ phát cho mỗi người 1.400 USD. (Nguồn: Bangkokpost)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, với mô tả biện pháp này là đạo luật lịch sử nhằm "xây dựng lại sức mạnh của đất nước", nhấn mạnh về tỷ lệ phần trăm lớn người dân Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ Kế hoạch giải cứu Mỹ và tiếng nói của người dân đã được lắng nghe.

Tiêu tốn hơn bất cứ cuộc chiến tranh thế giới nào

Như vậy, nếu tính cả gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD “nóng hổi này”, tới nay tổng số tiền mà Mỹ tung ra để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế lên tới 5.000 tỷ USD, nhiều hơn cả lượng tiền tiêu tốn trong bất kỳ cuộc chiến tranh thế giới nào.

Nếu không phải Mỹ, khó có một quốc gia khác có thể chi ra một lượng tiền khổng lồ như vậy mà không phá sản, nhưng vì Mỹ bơm tiền, lạm phát được "xuất khẩu" ra khắp thế giới.

Vượt qua cửa ải Thượng viện ở mức sít sao 50/49 vào ngày 6/3, dù không được thượng nghị sỹ Cộng hòa nào ủng hộ, dự luật hồi phục kinh tế liên quan tới đại dịch Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã được chuyển đến Hạ viện (do phe Dân chủ chiếm đa số). Tại đây, chỉ 4 ngày sau, gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ đã được thông qua, với 220 phiếu thuận và 211 phiếu chống.

Với luật này, khoảng 90% người dân Mỹ sẽ nhận được thêm 1.400 USD cho mỗi người, khoản trợ cấp thất nghiệp 300 USD/tuần cho 9,5 triệu lao động cũng được gia hạn tới tháng 9/2021.

Trước đó, vào sáng 28/12/2020, người tiền nhiệm của ông Joe Biden là cựu Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành gói cứu trợ đại dịch Covid-19 trị giá 900 tỷ USD, giúp chính phủ tránh nguy cơ phải đóng cửa vì hết ngân sách. Đây là thỏa thuận với những dự luật chi tiêu lớn nhất sau Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn vào cuối tháng 3/2020.

Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát, Mỹ đã tung ra 3 gói cứu trợ với tổng trị giá 5.000 tỷ USD, lớn hơn lượng tiền tiêu tốn trong bất cứ cuộc chiến tranh thế giới nào. Các khoản cứu trợ đều là tiền đi vay, nhưng việc cứu lấy sinh mạng của người dân và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là mục tiêu quan trọng nhất, chỉ có vấn đề rằng "điều nó sẽ khiến tình hình nợ công của Mỹ ngày một trầm trọng".

Mỹ bơm tiền, thế giới phải thận trọng

Dưới thời ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ, nợ công của nước này đã tăng từ 10.000 tỷ USD lên 19.000 tỷ USD. Bốn năm ông Trump tại nhiệm, nợ công của Mỹ đạt mốc kỷ lục mới là 28.000 tỷ USD. Cộng thêm các gói cứu trợ mới, tới cuối năm nay, nợ công của Mỹ có thể vượt mốc 30.000 tỷ USD.

Cùng với sự gia tăng về nợ công, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm từ 4,5% xuống 0,625%. Chỉ trả tiền lãi, số tiền mà chính phủ Mỹ tiêu tốn hằng năm đã lên tới gần 200 tỷ USD, tương đương GDP một nền kinh tế quy mô trung bình.

Trong khi đó, tổng thuế liên bang Mỹ thu được hằng năm chỉ 3.400 tỷ USD. Nước này cũng phải chi cho rất nhiều khoản chi tiêu cố định khác, nên Chính phủ Mỹ không còn khả năng chi trả về mặt tài chính. Do đó, Washington phải vay tiền để tồn tại, lấy nợ mới trả nợ cũ, về lý thuyết ngày càng nghèo đi.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, sở dĩ Mỹ có thể phát tiền cho người dân nhiều lần là dựa trên vị thế đồng tiền mạnh toàn cầu của USD. Mỹ muốn in bao nhiều tiền sẽ in bấy nhiêu. Khi đồng USD được đưa ra thị trường, các nước khác liền dùng đồng nội tệ đổi lấy đồng USD và tờ bạc xanh tưởng vô giá trị lập tức trở nên giá trị như vàng.

Vì đồng USD là công cụ giao dịch của thế giới, mua bán dầu mỏ hay trao đổi hàng hóa xuyên biên giới cơ bản sử dụng đồng USD để thanh toán, cho nên, Mỹ không cho phép nước khác thách thức vị thế của đồng USD. Cũng nhờ vị thế của đồng USD, Mỹ có thể tương đối thoải mái phát tiền cứu trợ, không lo thu nhập tài chính không đủ. Thế giới không có nước nào có đủ điều kiện và năng lực như vậy.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc Mỹ tung ra ba gói cứu trợ trị giá 5.000 tỷ USD mà sao không lo lạm phát tăng cao. Cây bút chuyên mục của tờ New York Times, đồng thời là người đoạt giải Nobel Kinh tế Milton Friedman nhiều lần nói rằng, các gói cứu trợ của chính phủ sẽ không gây ra lạm phát.

Thực tế cũng cho thấy trong 20 năm qua, lượng cung tiền M2 của Mỹ đã tăng khoảng 4 lần, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm. Trong khi đó, lạm phát của nước này hơn 10 năm qua vẫn duy trì ổn định dưới 4% và thường xuyên nằm dưới mục tiêu 2% kể từ năm 2012 đến nay. Quan điểm và thực tế nêu trên kết hợp với mục tiêu cứu giúp người dân và phục hồi kinh tế đã khiến hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mạnh dạn vung tiền cứu trợ.

Tuy nhiên, với các quốc gia khác, lạm phát lại trở thành rủi ro phải đối mặt. Bởi khi Mỹ bơm tiền sẽ gây áp lực giảm giá lên USD, khiến không ít quốc gia cũng phải tìm cách phá giá tiền tệ, nới lỏng chính sách để không bị thua thiệt.

Lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế ngày càng nhiều hơn sẽ khiến giá cả các loại hàng hóa leo thang. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng liên tục tăng giá mạnh mẽ, không chỉ vì lượng tiền dư thừa trong nền kinh tế, mà còn do lượng vốn đầu tư nước ngoài sẽ góp phần đẩy giá các tài sản lên cao. Khi đó, áp lực lạm phát sẽ hình thành và ngày càng trở nên nguy hiểm nếu không sớm được kiểm soát.

(theo Nytimes, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/goi-cuu-tro-kinh-te-my-1900-ty-usd-phat-khong-cho-moi-nguoi-1400-usd-washington-lay-tien-o-dau-139054.html