Gói thầu thang máy Bộ đội Biên phòng TP.HCM: Nhà thầu Việt nản lòng với 'rào chắn'

Vừa được tái khởi động, song gói thầu mua sắm thang máy tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM vẫn làm nhà thầu Việt nản lòng khi 'rào chắn' về xuất xứ hàng hóa tiếp tục được duy trì.

Thang điểm thiên lệch sẽ tạo thế áp đảo cho thang máy có xuất xứ G7. Ảnh: Lê Toàn

Cuộc thầu “tái đấu”

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM lại vừa phát đi thông báo lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 18 - mua sắm thang máy tải trọng 1.250 kg, thang máy tải trọng 750 kg, thang máy tải hàng thuộc Dự án Doanh trại Sở chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM (Dự án). Gói thầu này sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố, với giá hơn 10 tỷ đồng, đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức 1 giai đoạn, 2 túi hồ sơ và đấu thầu qua mạng. Cần nhắc lại rằng, gói thầu này từng được mời thầu và sau đó hủy thầu từ tháng 11/2018.

Liên quan đến gói thầu này, ngày 26/11/2018, Báo Đầu tư đã có bài viết “Hàng Việt thêm một lần ngán ngẩm” phản ánh những chiêu thức “bẫy” điểm tối thiểu trong tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu.

Theo hồ sơ mời thầu, gói thầu gồm 5 thang máy tải khách có trọng tải 1.250 kg và 4 chiếc tải trọng 750 kg. Ngoài các thông số cấu hình chính, hồ sơ mời thầu còn đưa ra nhiều tiêu chí về hệ điều khiển, kích thước, thiết kế phóng thang, thiết kế cửa tầng, tính năng kỹ thuật.

Cùng với 2 loại thang máy tải khách, gói thầu mua sắm thang máy này còn 1 thang máy tải thực phẩm, với yêu cầu trọng tải lớn hơn hoặc bằng 200 kg, tốc độ lớn hơn hoặc bằng 30 m/phút, hành trình theo thực tế công trình, 3 điểm dừng, 1 cửa phía trước, loại động cơ đồng bộ của hãng sản xuất và sản xuất năm 2019 trở về sau.

Khe cửa hẹp

Ông Nguyễn Tấn Vũ, nhà thầu Thang máy TNE (trụ sở tại TP.HCM) cho biết, sau lần phải hủy thầu, nhưng những điểm chính yếu trong hồ sơ mời thầu của “cuộc tái đấu” vẫn hầu như được giữ nguyên.

“Sự giữ nguyên đó”, theo ông Vũ, chính là bẫy “điểm tối thiểu” ở phần tiêu chuẩn đánh giá được gài trong hồ sơ mời thầu sẽ khiến cơ hội thắng thầu dành cho nhà thầu thang máy Việt sản xuất trong nước chỉ là khe cửa rất hẹp.

Theo ý kiến của vị đại diện nhà thầu TNE, Mục 3 (Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật), Chương III (Tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT) của hồ sơ mời thầu quy định sử dụng tiêu chí đánh giá theo phương pháp chấm điểm theo Bảng tiêu chuẩn đánh giá thang 100 điểm. Mức điểm yêu cầu tối thiểu là 80% tổng số điểm. Hồ sơ dự thầu phải có tổng số điểm và số điểm của từng nội dung chính đạt bằng hoặc vượt mức điểm yêu cầu tối thiểu sẽ được đánh giá đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.

Nội dung đáng chú ý nhất trong thang điểm là về đặc tính kỹ thuật của hàng hóa. Theo đó, mục này hồ sơ mời thầu quy định điểm tối đa là 32, điểm tối thiểu 24. Trong đó, điểm cho tiểu mục hãng sản xuất của thang máy tải khách quy định: Hãng sản xuất thang máy có thương hiệu thuộc nhóm các nước công nghiệp G7 là 10 điểm; Hãng sản xuất thang máy có thương hiệu thuộc nhóm các nước trong khối EU (các nước trong khối từ năm 2017 trở về sau) (trừ các nước G7) và Việt Nam là 8 điểm; Các trường hợp khác 5 điểm.

Điểm cho tiểu mục xuất xứ của thang máy tải khách quy định: Xuất xứ hàng hóa thuộc nhóm các nước G7 12 điểm; Xuất xứ hàng hóa thuộc nhóm các nước công nghiệp mới NICs (Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Brasil), các nước châu Âu khác (ngoài các nước G7) và Việt Nam 10 điểm; Các trường hợp khác 6 điểm.

Điểm cho tiểu mục tính năng, đặc tính kỹ thuật của thiết bị quy định: Thiết bị chào thầu có các tính năng kỹ thuật, chi tiết vật liệu hoàn thiện được đánh giá hoàn toàn phù hợp đáp ứng yêu cầu nêu tại mục 2.2, Chương V, hồ sơ mời thầu được 8 điểm; không đáp ứng yêu cầu 0 điểm.

Điểm cho tiểu mục Catalogue thiết bị quy định: Thang máy được chào thầu có kèm theo catalogue phù hợp của nhà sản xuất, các bản vẽ kỹ thuật chi tiết thang máy của nhà sản xuất được thể hiện rõ ràng, thể hiện khả năng tương thích với yêu cầu của HSMT 2 điểm, Catalogue không phải là bản chính hoặc các bản vẽ kỹ thuật chi tiết thang máy của nhà sản xuất không rõ ràng hoặc thông tin không thể hiện khả năng tương thích với yêu cầu 0 điểm.

Ngoài ra, thang điểm cho các nội dung khác lần lượt là: Giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp, lắp đặt hàng hóa điểm tối đa 23, điểm tối thiểu 16; Tiến độ cung cấp hàng hóa tối đa 13 điểm, điểm tối thiểu 8 điểm; Khả năng thích ứng và tác động đối với môi trường điểm tối đa 8 điểm, điểm tối thiểu 6 điểm; Bảo hành, bảo trì điểm tối đa 10 điểm, điểm tối thiểu 6 điểm; Về đào tạo, hướng dẫn vận hành điểm tối đa 6 điểm, điểm tối thiểu 4 điểm; Uy tín của nhà thầu điểm tối đa 12 điểm, điểm tối thiểu 10 điểm.

Theo phân tích của nhà thầu TNE, áp ba - rem chấm điểm trên đây, chỉ riêng ở nội dung “đặc tính kỹ thuật”, thang máy sản xuất tại Việt Nam có đạt điểm tối đa thì cũng chỉ có số điểm đạt mức tối thiểu theo hồ sơ quy định.

Ông Nguyễn Tấn Vũ đánh giá thêm: “So với lần mời thầu trước, thang điểm trong hồ sơ mời thầu lần này có độ mở hơn với mặt hàng thang máy sản xuất trong nước, nhưng mức độ phân biệt đối xử về xuất xứ vẫn tiếp tục được duy trì. Nếu trong quá trình chấm thầu, hai nhóm hàng có xuất xứ từ Việt Nam và G7 cùng đạt điểm tối đa, khoảng cách giữa hai nhóm hàng là 8 điểm - khoảng cách đủ để quyết định thắng thua. Trong trường hợp, hàng Việt chỉ cần giảm đi 1 điểm, nhà thầu chào hàng Việt sẽ… lập tức trở thành kẻ chầu rìa”.

Cần nhắc lại rằng, sau khi đăng bài “Hàng Việt thêm một lần ngán ngẩm”, Báo Đầu tư đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM để tìm hiểu quan điểm của đơn vị này về những nghi ngại phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa, nhưng chúng tôi đã không nhận được thông tin phản hồi. Có thể, sự im lặng đó đã cho thấy, những người làm công tác tư vấn đấu thầu cho Dự án đã không biết đến những chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ trong việc chấn chỉnh hiện tượng phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Chỉ thị số 13/CT-TTg (ngày 4/4/2017) quy định khi lập và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra yêu cầu hoặc định hướng đối với việc nhà thầu tham dự thầu phải chào hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa trong nước đã sản xuất hoặc lắp ráp được.

Chỉ thị số 47/CT-TTg (ngày 27/12/2017) chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, trong đó nghiêm cấm các quy định về xuất xứ hàng hóa gây ra sự phân biệt đối xử.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/goi-thau-thang-may-bo-doi-bien-phong-tphcm-nha-thau-viet-nan-long-voi-rao-chan-d102182.html