Gói thầu tỷ USD của Ấn Độ - tiêm kích MiG-35 sẵn sàng 'vào việc'!

Ông Dmitry Shugaev, người phát ngôn của Cục trưởng Cục Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga cho biết, Nga chính thức đưa tiêm kích MiG-35, để tham gia đấu thầu lựa chọn 114 máy bay chiến đấu hạng trung (MMRCA 2.0) của Không quân Ấn Độ.

Ông Shugaev nói với hãng thông tấn Nga Sputnik: Phía Nga đã chính thức đưa tiêm kích MiG-35 tham gia cuộc đấu thầu, mua 114 máy bay chiến đấu hạng trung cho Không quân Ấn Độ (MMRCA 2.0).

Đây là lần thứ hai tiêm kích MiG-35 tham gia cuộc đấu thầu lựa chọn máy bay chiến đấu hạng trung (MMRCA) cho Không quân Ấn Độ. Trong lần đấu thầu trước (vào năm 2010), MiG-35 khi đó thực sự là thiết kế chưa hoàn chỉnh, và Rafale của Pháp đã thắng trong gói thầu này.

Một lợi thế cho MiG-35 là Không quân Ấn Độ (IAF) đã sử dụng chiến đấu cơ MiG từ thời Liên Xô. Một trong số đó là MiG-29 (tiền thân của MiG-35), là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hai động cơ, một chỗ ngồi; có khả năng đạt tốc độ tối đa 2.445 km/h (Mach-2.3) với trần bay chiến đấu 17 km.

Theo trang web của Không quân Ấn Độ, hiện IAF có trong biên chế ba phi đội chiến đấu cơ MiG-29UPG, chiếc đầu tiên được bàn giao vào năm 2012. Năm 2020, Ấn Độ quyết định mua thêm 21 máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga, và nâng cấp khoảng 60 chiếc tiêm kích MiG-29 đang trong biên chế, lên chuẩn MiG-29UPG.

Trong thời gian diễn ra triển lãm MAKS 21, Nga đã chuyển cho Ấn Độ một đề nghị thương mại, cung cấp 21 máy bay chiến đấu MiG-29, và việc hiện đại hóa tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 của Ấn Độ, lên phiên bản MiG-29UPG; công việc sẽ được hoàn thành vào năm 2022.

Phiên bản chiến đấu cơ MiG-35 là bản cải tiến sâu của MiG-29, được phát triển dưới thời Liên Xô. MiG-35 được trang bị một khẩu pháo 30 mm, cùng với 4 tên lửa cận chiến R-60 và 2 tên lửa dẫn đường bằng radar tầm trung R-27R.

MiG-35 của Nga đã được các phi công của IAF thực hiện các chuyến bay thử nghiệm, khi nó ra mắt tại Triển lãm hàng không MAKS 2019. Theo các quan chức Nga, Moscow sau đó đã đề nghị sản xuất MiG-35 cùng với Ấn Độ, bên cạnh Chuyển giao Công nghệ (ToT), nếu New Delhi mua.

MiG-35 là máy bay chiến đấu mới nhất, được phát triển với việc sử dụng công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và được thiết kế để loại bỏ các mục tiêu trên không, trong bất kỳ điều kiện thời tiết, ngày/đêm. Tấn công các mục tiêu di động và cố định trên đất liền và mặt nước.

MiG-35 đã cải thiện hiệu suất bay, hệ thống điện tử hàng không hiện đại; sử dụng nhiều loại vũ khí dẫn đường không đối không và không đối đất. Thiết kế của MiG-35 cũng làm giảm khả năng hiển thị đối với hệ thống radar của đối phương. Với động cơ mới, lực đẩy tăng lên, là trong số những ưu điểm của MiG-35.

Một loại chiến đấu MiG khác, do Ấn Độ sử dụng trong nhiều năm qua là MiG-21. Đây là loại máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, một động cơ, một chỗ ngồi; tốc độ tối đa 2.230 km/giờ (Mach 2,1); vũ khí là một pháo hàng không hai nòng 23mm, cùng bốn tên lửa chiến đấu tầm gần R-60.

Không quân Ấn Độ nhận chiếc tiêm kích MiG-21 đầu tiên vào năm 1963. Kể từ đó, họ đã sử dụng hơn 800 máy bay MiG-21, tạo thành xương sống của IAF trong gần 30 năm. Hiện có gần 100 chiếc MiG-21 vẫn còn trong biên chế IAF.

Trong số các biến thể khác nhau của MiG-21 do Ấn Độ sử dụng, MiG-21 Bison là phiên bản tiên tiến nhất, bay lần đầu tiên vào năm 2000. IAF hiện đang sử dụng 4 phi đội máy bay MiG-21 Bison, mỗi phi đội có 16 đến 18 máy bay chiến đấu.

Tuy nhiên, toàn bộ phi đội MiG-21 của Ấn Độ đã gần hết niên hạn khai thác, dự kiến sẽ loại biên hết vào năm 2025. Do số vụ tai nạn mà loại máy bay này gây ra, nên được IAF đặt tên là “Quan tài bay”.

Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Antony, khi điều trần trước Quốc hội Ấn Độ cho biết, hơn một nửa trong số 872 máy bay MiG mua từ Liên Xô/Nga đã bị rơi, khiến hơn 200 người thiệt mạng, bao gồm 171 phi công, 39 dân thường và 8 nhân viên quốc phòng khác.

Năm nay đã chứng kiến ba vụ tai nạn liên quan đến MiG-21, trong đó có hai phi công tiêm kích của IAF thiệt mạng. Điều này đã một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, đối với chiếc máy bay chiến đấu phục vụ lâu nhất của Ấn Độ và thành tích an toàn của nó.

Để IAF thay thế các máy bay chiến đấu cũ, bằng các loại máy bay mới hơn, như Rafales và LCA Tejas; thì một số lượng máy bay chiến đấu sẽ phải được mua sắm, hoặc sản xuất. Trước mắt, Ấn Độ sẽ hoàn thành việc nhận 36 máy bay Rafale của Pháp, trong gói thầu MMRCA vào năm tới.

IAF hiện đang trong tình trạng thiếu hụt lực lượng, bên cạnh số máy bay MiG-21 đã hết niên hạn và liên tục xảy ra tai nạn, thì số chiến đấu cơ hạng nhẹ do Ấn Độ sản xuất là Tejas, tốc độ bàn giao quá chậm. Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục tăng, Ấn Độ tiếp tục mở gói thầu MMRCA 2.0, mua 114 máy bay chiến đấu hạng trung.

Tham gia gói thầu MMRCA 2.0 lần này, có đủ mặt các anh tài trong ngành công nghiệp hàng không quốc tế như Rafales, F/A-18 Super Hornet, Eurofighter Typhoons, Su-35, SAAB Gripen. Nga đưa hai loại máy bay tham gia đấu thầu là Su-35 và MiG-35.

Nhớ lại vào tháng 8/2007, MiG-35 “bất ngờ” được đưa tham gia đấu thầu mua 126 máy bay chiến đấu hạng trung của Không quân Ấn Độ (MMRCA); nhưng khi đó MiG-35 hoàn toàn là “hàng thô”, được thiết kế vội vàng với vô số lỗi.

Tệ hơn, khi đưa MiG-35 đi tham gia đấu thầu quốc tế, nhưng MiG-35 được chế tạo bằng những công nghệ rõ ràng đã bị lạc hậu. Thực sự đó là canh bạc không chỉ của MiG, mà còn cả của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Sau 15 năm, giờ đây MiG-35 đã lột xác hoàn toàn và đang cùng với Rafales, F-18 Super Hornet, Eurofighter Typhoons, Su-35, SAAB Gripen để Ấn Độ lựa chọn, thay thế những chiếc MiG-21. Liệu cơ hội có đến với MiG-35 hay không, thì còn phải chờ xem. Nguồn ảnh: Pinterest.

Máy bay chiến đấu MiG-35 - ông hoàng của giới tiêm kích hạng trung trên thị trường xuất khẩu hiện nay. Nguồn: THP.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/goi-thau-ty-usd-cua-an-do-tiem-kich-mig-35-san-sang-vao-viec-1568085.html