Gọi trâu!

Trưa hè oi ả, ngồi dưới bóng râm gốc đa đầu làng; ta lại mường tượng những vũng trâu đằm, những ao hồ ta tắm mát cùng trâu, những lũy tre dân làng buộc trâu để nghỉ ngơi. Nhìn những bờ vùng bờ thửa ngập cỏ lại nhớ khi cả bọn tranh nhau cắt từng gánh cỏ trên các bờ đất trơ trọi. Nhìn khói đốt đồng sau mùa gặt, ta lại nhớ những đụn rơm cao cất rơm ngày xưa cha mẹ lo phơi trở để làm thức ăn dự trữ cho trâu.

"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta..."

Tiếng gọi như khắc khoải, vọng về từ quá khứ, một vùng kí ức miên man sâu thẳm mờ xa; từ thuở sơ khai của nền văn minh lúa nước, thuở cánh chim lạc bay mải miết trên thạp, trống đồng; thuở hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã giần sàng... Tiếng gọi trâu hay tiếng gọi tìm lại tuổi thơ, tìm về một thời khó nhọc mà tiếc nuối, mà nâng niu những điều bình dị thân thương trong cuộc sống đời thường...

Với mỗi người sinh ra, lớn lên và gắn bó cuộc đời với làng quê, bất kể vùng miền nào thì hình ảnh con trâu đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống thanh bình sau lũy tre làng. Từ thuở hồng hoang, khi con người vỡ đất sinh cơ lập nghiệp, làm nên những cánh đồng bờ xôi ruộng mật đã nhờ đến sức lực của trâu.

Từ mờ sáng tinh sương đến tối mịt, trâu đã cùng nhịp bước với người cày bừa mà làm nên những đồng Dòng, đồng Búng... mà tạo nên những mùa vàng bội thu. Trâu to xác, hiền lành dễ bảo, ngoan ngoãn nghe lời con người, gắn bó khi được mùa cũng như khi thất bát, lúc mưa nắng dãi dầu hay ở đồng sâu ruộng cạn. Trâu trở thành tài sản lớn của mỗi gia đình nông thôn "con trâu là đầu cơ nghiệp" nên mua được con trâu là việc hệ trọng "Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Trong ba việc ấy thật là khó thay".

Tuổi thơ trên lưng trâu của những đứa trẻ vùng quê.

Tuổi thơ trên lưng trâu của những đứa trẻ vùng quê.

Trâu khuya sớm cực nhọc việc đồng áng cùng người nên được ví là hình ảnh của sự tận tụy trung thành "lạc đàng theo chó, lạc ngõ theo trâu". Trâu cùng người tháng ngày chân bùn tay lấm trở thành hình ảnh mặc định cho phận đời rơm rạ "con trâu đi trước cái cày theo sau". Trâu gắn bó cuộc đời từ cái chuồng vuông vắn đến cánh đồng bao la nên trở thành một phần của niềm hạnh phúc chồng vợ lứa đôi "Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa"...

Bao công việc nặng nhọc từ đồng áng, kéo gỗ làm nhà đến kéo xe chở đất đá đều nhờ sức trâu. Trâu cũng đem đến những lợi ích kinh tế không hề nhỏ từ thịt, da sừng. Trâu trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh của làng quê Việt Nam. Trâu trong tục ngữ, ca dao. Trâu trong lễ hội truyền thống. Trâu trong văn chương là hình ảnh làng quê bình dị, là tuổi thơ gợi thương gợi nhớ như "Mục đồng địch lí ngưu quy tận" (''Thiên Trường vãn vọng'' - Trần Nhân Tông) hay "Gõ sừng, mục tử lại cô thôn" (''Chiều hôm nhớ nhà'' - Bà Huyện Thanh Quan)...

Tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x đã qua mấy mươi năm nhưng vẫn luôn hiện hữu những kí ức tươi đẹp như một cuốn phim quay chậm. Lứa trước thì chăn trâu hợp tác, lứa sau thì chăn trâu cho nhà mình sau khi được bán hóa giá. Thời ấy, tuổi thơ chưa bị ảnh hưởng bởi công nghệ thông tin, chưa có học thêm học bớt nên cứ một buổi đi học và một buổi chăn trâu. Nhà nào đông con, anh em sàn sàn nhau thì phải chia phiên bởi đứa nào cũng thích công việc chăn trâu.

Mùa nào có thú vui của mùa đó. Khi thì cả đoàn lùa trâu lên động Mũi Thuyền (còn nguyên sinh) mặc trâu ăn trên các sườn động, người thì túa ra khắp nơi đi hái trái sim, trái bốm, trái găng... Khi thì cả bọn cưỡi trâu ra đập Bàu Ganh, đập Mò Cua, người cùng trâu tắm mát thỏa thuê. Mùa đông, cả bọn thả trâu trên cánh đồng Dòng bao la đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Với nùi rơm trong tay, đứa thì đi bắt cua, cá; đứa đi móc trộm khoai, lạc để nướng ăn trong trời chiều xám ngoét, tái tê. Có phải vì đói, rét hay vui mà ăn ngon lành, ăn hết còn thòm thèm. Cái hương vị tuổi thơ bây giờ chẳng thể tìm lại được.

Niềm vui của "lũ trẻ trâu" có lúc mê mải khiến trâu có khi đi lạc vào phá vườn nhà người ta hoặc để trâu ăn lúa thì hôm ấy xác định mông lằn roi mót. Chú Cuội ngồi gốc cây đa trong cổ tích ngỡ như là hiện thân của lũ trẻ chúng tôi hồi ấy. Tối mịt mới lùa trâu về. Trâu ăn không no, có đứa bắt chước người xưa bôi bùn vào hông để khỏi bị mắng. Cả đoàn trâu nhưng đứa nào cũng nhận ra được ngay trâu của nhà mình...

Kí ức sâu đậm, kỉ niệm miên man. Nay trên mạng xã hội thấy có nhiều nơi lập hội chăn trâu của làng này, làng khác để được gặp gỡ, được nhớ về một thời được sống hồn nhiên hạnh phúc. Lũ trẻ chăn trâu cùng tôi ngày ấy (dẫu hơn thua nhau vài tuổi cũng xưng tao, mày) vì cuộc sống mưu sinh, vì lấy chồng xa xứ... mà mơ ước trở về họp hội bạn chăn trâu nay vẫn chưa thành.

Bây giờ, cả làng chẳng còn thấy bóng dáng con trâu nào nữa; chỉ lác đác vài con bò người ta nuôi theo kiểu kinh doanh, công nghiệp. Làng quê thời nông thôn mới với những máy móc hiện đại thay thế sức người, sức trâu. Con trâu đã không còn là đầu cơ nghiệp của người nông dân trong thời 4.0 nữa.

Trưa hè oi ả, ngồi dưới bóng râm gốc đa đầu làng; ta lại mường tượng những vũng trâu đằm, những ao hồ ta tắm mát cùng trâu, những lũy tre dân làng buộc trâu để nghỉ ngơi. Nhìn những bờ vùng bờ thửa ngập cỏ lại nhớ khi cả bọn tranh nhau cắt từng gánh cỏ trên các bờ đất trơ trọi. Nhìn khói đốt đồng sau mùa gặt, ta lại nhớ những đụn rơm cao cất rơm ngày xưa cha mẹ lo phơi trở để làm thức ăn dự trữ cho trâu.

Nhớ trâu, ta lại vẩn vơ nhặt chiếc lá đa to làm thành con trâu cho con trẻ chơi hay để cho mình vơi nỗi nhớ. Nhớ trâu, ta lại nhớ ta - hình ảnh đứa trẻ thuở lên mười, khóc nức nở khi con trâu đen nhà mình bị trâu nhà ông hàng xóm húc gãy chân buộc cha phải bán đi. Nhớ trâu, ta bất giác gọi tiếng nghé ọ, bất giác thổn thức bởi hình ảnh "Trong lò gia súc xiết đau/ Mơ hồ nghé ọ vọng đâu cuối chiều"...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/goi-trau--i694017/