Gói trừng phạt mới của Mỹ với Iran gồm những gì?

Chính quyền Mỹ đã đồng ý nhượng bộ đối với 8 quốc gia để họ có thể tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran, mặc dù có lệnh trừng phạt. Điều này đã được Bloomberg thông báo vào ngày 2/11, hai ngày trước khi gói trừng phạt thứ hai của Mỹ với Iran chính thức có hiệu lực.

Nhà máy lọc dầu Tehran của Iran

Bloomberg không nêu tên tất cả các quốc gia được đề cập, nhưng ai cũng biết chắc chắn là trong số đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Các nguồn tin của hãng Bloomberg lưu ý rằng để đổi lấy sự nhượng bộ, các quốc gia này sẽ phải giảm nhập khẩu dầu để không thúc đẩy tăng giá.

Thông tin về sự nhượng bộ này dự kiến sẽ được công bố chính thức vào giờ làm việc ngày thứ Sáu theo giờ bán cầu Tây, tức thứ Bảy theo giờ bán cầu Đông.

Hôm 1/11, tờ báo điện tử Washington Free Beacon trích dẫn các nguồn tin thông báo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng nhượng bộ một cách nghiêm túc trong tình hình liên quan đến Iran, điều này sẽ cho phép Iran tránh được các biện pháp trừng phạt kinh tế quan trọng của Washington. Theo The Washington Free Beacon, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đã thuyết phục Ngoại trưởng Michael Pompeo không tìm cách ngắt kết nối Tehran khỏi hệ thống chuyển khoản thông tin ngân hàng quốc tế và thanh toán SWIFT (kết hợp 11 nghìn tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia). Ngoài ra, tờ báo điện tử này cũng báo cáo rằng Washington dự định loại trừ Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc ra khỏi tầm ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt năng lượng - dầu mỏ mà Mỹ áp đặt với Iran.

Vào ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ D. Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận về hạt nhân với Iran và hứa sẽ không chỉ tái áp dụng những biện pháp trừng phạt cũ mà còn đưa ra những biện pháp mới nặng nề hơn. Phần đầu tiên của các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào đêm mùng 6 rạng ngày 7 tháng 8, với các biện pháp hạn chế bao gồm lĩnh vực sản xuất ô tô, việc mua bán vàng và một số kim loại của Iran. Các lệnh trừng phạt còn lại (chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng – dầu mỏ) sẽ có hiệu lực sau ngày 4/11/2018. Đồng thời, Hoa Kỳ thường xuyên mở rộng danh sách xử phạt các công ty nước ngoài tiếp tục hợp tác với Iran.

Kể từ khi Thỏa thuận về hạt nhân với Iran (JCPOA) có hiệu lực, sau ngày 1/1/2016, sản lượng dầu ở Iran tăng lên 4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu đạt 2,5 triệu thùng/ngày. Hiện nay, các nhà nhập khẩu chính của dầu Iran là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và EU.

Bá Thủy

RT

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/goi-trung-phat-moi-cua-my-voi-iran-gom-nhung-gi-520238.html