Gói trừng phạt thứ 11 của EU lên Nga 'gặp khó'

Các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được đồng thuận về gói trừng phạt mới chống lại Nga do vấp phải sự phản đối từ Hungary và Hy Lạp, hãng tin Politico dẫn nguồn thạo tin cho hay.

 Từ đầu tháng 5, các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thảo luận gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga.

Từ đầu tháng 5, các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thảo luận gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga.

Theo đó, hai nước Hungary và Hy Lạp đã phản đối đề xuất của Ukraine về việc đưa một số công ty của các nước này vào danh sách "các nhà tài trợ chiến tranh". Hai nước tuyên bố sẽ từ chối phê duyệt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào nhằm vào Nga trừ khi Ukraine loại bỏ các công ty của 2 nước này ra khỏi danh sách nêu trên.

Về phía Hy Lạp, nước này cho rằng nếu có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt thì điều này cần được các quốc gia liên quan điều tra và đánh giá trước khi cân nhắc hành động phù hợp.

Còn Hungary thì tuyên bố nước này phản đối các hạn chế bổ sung đối với các công ty châu Âu về kinh doanh hàng hóa của Nga.

Động thái này được đưa ra khi Ủy ban châu Âu (EC) trình dự thảo mới nhất về gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga vì xung đột Ukraine trong cuộc họp của Ủy ban Các đại diện thường trực của EU ngày 7/6.

EC đã giảm nhẹ một số biện pháp trong dự thảo và các quan chức khối này dự kiến tiếp tục thảo luận về gói trừng phạt trong cuộc họp ngày 14/6.

Từ đầu tháng 5, các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thảo luận gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen, EU sẽ thực hiện một cơ chế mới nhằm cắt giảm xuất khẩu sang các nước thứ 3 và bổ sung hàng chục công ty vào danh sách đen, trong đó có Trung Quốc, Iran, Kazakhstan và Uzbekistan. EU cũng sẽ ngừng quá cảnh qua Nga đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn để bao gồm các sản phẩm công nghệ tiên tiến và phụ tùng máy bay.

EU coi việc trốn tránh các lệnh trừng phạt là lý do khiến những gói trừng phạt trước đó nhằm vào Nga không đáp ứng được kỳ vọng. Các quan chức ngoại giao EU trước đó cũng thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt.

Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn.

Minh Đăng

Theo Politico

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/goi-trung-phat-thu-11-cua-eu-len-nga-gap-kho-20180504224285314.htm