Goldman Sachs: Con đường của FED khả thi nhưng đầy thách thức

Theo các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs, con đường của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong việc giảm lạm phát trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế không rơi vào một cuộc suy thoái lớn còn rộng mở nhưng đang ngày càng thách thức.

đã lên trang

Khi FED có khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, nền kinh tế lại cho thấy nhiều tín hiệu trái chiều: số liệu thu nhập tăng nhanh trong khi số nhà ở giảm mạnh, giá xăng dầu giảm so với giá nhà ở, chi phí thực phẩm tăng cao, tâm lý người tiêu dùng ở mức thấp so với con số chi tiêu ổn định.

Về tổng thể, FED đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc làm nền kinh tế chậm lại và không rơi vào suy thoái. Xét trên mục tiêu này, các nhà kinh tế học của Goldman cho rằng FED đã có một số thắng lợi rõ ràng, và cả những tổn thất nhất định, nhưng bối cảnh phía trước đặt ra những thách thức to lớn.

"Chúng tôi dự báo con đường của FED là khả thi, nhưng khó dẫn đến 'hạ cánh nhẹ nhàng', một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của FED có thể đơn giản hóa hoặc phức tạp thêm con đường đó, hay nói cách khác, sẽ làm tăng hoặc giảm khả năng thành công của FED", nhà kinh tế David Mericle của Goldman cho biết trong một lưu ý khách hàng.

Một trong những động lực lạm phát lớn nhất là tăng trưởng quá mức làm mất cân đối giữa cung và cầu. FED đang sử dụng việc tăng lãi suất để cố gắng giảm nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho nguồn cung có thể bắt kịp và áp lực chuỗi cung ứng.

Vì vậy, xét về mục tiêu này, chuyên gia Mericle cho biết các nỗ lực của FED đã có một số kết quả khả quan. Ông cho biết tốc độ tăng lãi suất - tổng cộng 2,25 điểm phần trăm kể từ tháng 3 - đã "tạo ra sự giảm tốc rất cần thiết" cho nền kinh tế, cụ thể là nhu cầu đã giảm.

Trên thực tế, Goldman kỳ vọng GDP sẽ chỉ tăng trưởng với tốc độ 1% trong bốn quý tới sau 2 quý giảm liên tiếp 1,6% và 0,9%.

Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng rằng Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia sẽ không tuyên bố Hoa Kỳ suy thoái trong nửa đầu năm, nhưng con đường tăng trưởng chậm lại khiến hoạt động cân bằng của FED trở nên khó khăn hơn.

Mericle cho biết các động thái của FED đã giúp thu hẹp khoảng cách cung cầu trên thị trường lao động, cụ thể, mỗi người lao động vẫn có gần 2 cơ hội việc làm. Nỗ lực đó "còn một chặng đường dài phía trước", ông viết.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là lạm phát cao. Chỉ số giá tiêu dùng đi ngang trong tháng 7 nhưng vẫn tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tiền lương đang tăng mạnh, với thu nhập trung bình hàng giờ tăng 5,2% so với một năm trước. Do đó, những nỗ lực của FED trong việc kiềm chế vòng xoáy giá cao hơn thúc đẩy tiền lương cao và lạm phát kéo dài cho đến nay chưa cho thấy nhiều những biến chuyển thuyết phục, ông Mericle nói.

“Tin xấu là lạm phát cao trên diện rộng, các thước đo về xu hướng cơ bản được nâng lên, và kỳ vọng lạm phát kinh doanh và ý định định giá vẫn ở mức cao,” ông nói thêm.

Việc chống lạm phát có thể yêu cầu mức tăng lãi suất cao hơn so với dự đoán của thị trường hiện tại.

Dự đoán của Goldman là FED tăng lãi suất chuẩn thêm một điểm phần trăm nữa trước khi kết thúc năm. Mericle thừa nhận rằng sẽ có “rủi ro tăng giá” do “điều kiện tài chính nới lỏng gần đây, tốc độ tuyển dụng mạnh mẽ và dấu hiệu của sự khó khăn trong tăng trưởng tiền lương và lạm phát".

Thật vậy, cựu Chủ tịch FED New York, William Dudley, hôm 15/8 cho rằng thị trường đang đánh giá thấp con đường tăng lãi suất trong tương lai và do đó, rủi ro về một cuộc hạ cánh khó khăn hoặc suy thoái có thể xảy ra.

“Thị trường đang hiểu sai ý của FED”, ông nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp. “Tôi nghĩ FED sẽ còn tăng lãi suất cao hơn những gì mà những người tham gia thị trường hiểu vào thời điểm này”.

Theo quan điểm của Dudley, FED sẽ tiếp tục tăng cho đến khi chắc chắn lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%. “Thị trường lao động thắt chặt hơn nhiều so với mong muốn của FED. Tỷ lệ lạm phát tiền lương quá cao, không phù hợp với lạm phát 2%,” ông nói thêm, “Bất cứ khi nào tỷ lệ thất nghiệp tăng từ nửa điểm phần trăm trở lên sẽ dẫn đến suy thoái toàn diện".

Một thước đo về mối quan hệ giữa thất nghiệp và suy thoái là Quy tắc Sahm, nói rằng suy thoái xảy ra khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng tăng nửa điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó.

Vì vậy, điều đó sẽ chỉ yêu cầu tỷ lệ 4% theo Quy tắc Sahm. Trong các dự báo kinh tế gần đây nhất của họ, các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang không cho thấy mức độ thất nghiệp phá vỡ tỷ lệ đó cho đến năm 2024.

Bài viết liên quan

Kinh tế Nga liệu có đứng vững trong dài hạn? Sau 14 đợt giảm, giá thép xây dựng về mốc 14,4 triệu đồng/tấn Hàng không bền vững sẽ tạo đà để Việt Nam thực hiện các mục tiêu UNSDG

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/goldman-sachs-con-duong-cua-fed-kha-thi-nhung-day-thach-thuc.html