Góp họ biến tướng thành trò 'trốn tìm'?

Thời gian qua, hàng loạt các vụ vỡ họ xảy ra liên tiếp trên toàn quốc đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rằng, góp họ đang ngày càng bị biến tướng phức tạp. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác và cơ quan chức năng thì cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm soát hoạt động góp họ.

Nhiều chủ hụi (họ) có thể lợi dụng uy tín, mối quan hệ hoặc sẽ trả lãi cao để thu hút nhiều người tham gia góp họ, thậm chí vượt quy định về trả lãi của Bộ luật Dân sự năm 2015. Ảnh: IT/Images

Trong thời gian qua, toàn quốc liên tiếp xảy ra các vụ vỡ họ khiến nhiều người tham gia nháo nhác vì bị mất tài sản. Điển hình là hàng loạt các dây họ bị vỡ lên tới hàng chục tỷ đồng tại một số tỉnh như Bình Thuận, Thanh Hóa, Đồng Nai,... đã khiến những người góp họ lâm vào cảnh khốn cùng khi những đồng tiền "mồ hôi nước mắt" tích cóp được bỗng mất trắng.

Kịch bản chung của những vụ vỡ họ hiện nay

Công an thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) quyết định truy tìm Huỳnh Thị Thúy Vân (27 tuổi) nhằm làm rõ hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi cầm họ hơn 19 tỷ đồng bỗng nhiên "mất tích". Ảnh Công an cung cấp

Thực tế cho thấy, kịch bản chung của những vụ vỡ họ là ban đầu, một số chủ họ tạo niềm tin để huy động vốn bằng cách trả lãi cao, thanh toán sòng phẳng cho những người chơi một số kỳ. Sau khi thu hút được nhiều thành viên tham gia dây họ và thu được khoản tiền khổng lồ thì chủ họ sẽ tìm cách tẩu tán tài sản, cao chạy xa bay hoặc tìm lý do để tuyên bố vỡ nợ.

Thậm chí, một số chủ họ còn dùng thủ đoạn lừa đảo bằng cách sử dụng công nghệ để tạo tin nhắn giả đã chuyển tiền/tiền lãi hòng chiếm đoạt tài sản của những người góp tiền chơi phường họ.

Ngoài ra, lợi dụng việc người chơi không biết và cũng không quan tâm nhóm họ của mình gồm những ai, một số chủ họ đã thêm các thành viên ảo vào nhóm. Đến kỳ lĩnh tiền, nhằm gom tiền về phía mình, chủ họ sẽ lấy tên thành viên ảo để rút họ với lãi suất cao.

Mặt khác, thực tế cho thấy, để tăng độ uy tín nhằm kêu gọi được nhiều người tham gia vào dây họ, một số chủ họ thường tạo cho mình một vỏ bọc giàu có và làm kinh tế giỏi. Chính điều này cũng dẫn đến việc người chơi toàn tâm toàn ý, một mực tin tưởng chủ họ.

Do đó, những giao dịch hàng tháng chỉ được thỏa thuận bằng miệng hoặc ghi chép sơ sài vào sổ cá nhân, thậm chí có nhiều người giao luôn sổ sách ghi chép giao dịch cho chủ họ. Để rồi khi xảy ra tranh chấp, người chơi không có cơ sở để tố cáo hay khởi kiện ra Tòa.

Theo quy định của pháp luật, hình thức thỏa thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.

Biến tướng của góp họ - "cái bẫy" đánh vào lòng tham?

Góp họ là một giao dịch dân sự về tiền hoặc tài sản khác, được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại. Đây là một giao dịch dân sự hợp pháp và được quy định cụ thể tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Là một hình thức vay phổ biến trong cộng đồng dân cư, chịu ảnh hưởng lớn của tập quán - góp họ đã xuất hiện từ lâu trong đời sống nhân dân với ý nghĩa nhân văn. Theo quy định của pháp luật, góp họ chính là hình thức góp vốn nhằm mục đích tương trợ, tạo điều kiện cho những người tham gia vượt lên khó khăn và cùng nhau đầu tư, phát triển.

Đặc biệt, lợi ích thiết thực mà những người tham gia dây họ đều nhận được là xoay dòng vốn nhanh chóng và hạn chế tình trạng đi vay lãi nặng.

Một tài khoản thông báo vỡ họ lên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, hình thức góp họ ngày nay đã có dấu hiệu nhuốm màu "đỏ đen" và trở thành mảnh đất màu mỡ để một số đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội như: cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm... để chiếm đoạt tài sản.

Giờ đây, khi những vụ vỡ họ liên tiếp xảy ra với con số không tưởng khiến chúng ta không khỏi thắc mắc: Góp họ thực chất là một hình thức góp vốn, đầu tư hay chỉ là một cuộc chơi may rủi và đánh vào lòng tham của con người?

Hậu quả để lại của những vụ vỡ họ trong thực tế là rất nặng nề. Chủ họ thì bỏ trốn, không thì buông một câu xin lỗi nhẹ nhàng rồi tuyên bố vỡ họ. Thậm chí, lợi dụng không có chứng cứ về giao dịch, nhiều chủ họ còn nhởn nhơ trong khi những người tham gia góp họ thì khốn đốn rơi vào cảnh khánh kiệt, gia đình tan vỡ vì không chịu nổi cú sốc lớn.

Có thể thấy, nếu như trước đây, góp họ là việc nhiều người cùng cho một người vay và chu kỳ này lặp lại trong vòng quay của nhóm đó. Thì giờ đây, góp họ đã biến thành câu chuyện đầy ngang trái: Tất cả cùng đưa tiền cho một người, người đó đi trốn và những người còn lại cùng nhau đi tìm! Hóa ra, góp họ chẳng khác nào "trò chơi trốn tìm"?

Vậy, nguyên nhân do đâu?

Khi hàng loạt những vụ vỡ họ xảy ra, người thì bất bình cho rằng nguyên nhân đến từ phía chủ họ - những người lợi dụng niềm tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi. Người thì cho rằng, nạn nhân của những dây họ bị vỡ cũng chính là nhân tố khiến hình thức góp họ trở nên biến tướng thành các hoạt động huy động vốn trái pháp luật.

Bởi vỡ dây họ không phải là chuyện mới. Và điều đáng nói là dù đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng các vụ vỡ họ vẫn liên tiếp xảy ra với cùng một mô tuýp.

Theo đó, với mức lãi suất cao hơn gấp nhiều lần mức lãi suất ngân hàng, thủ tục lĩnh tiền nhanh gọn chính là "điểm huyệt" đối với những người nhẹ dạ, cả tin và ham lợi nhuận. Cộng thêm với việc không tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về góp họ đã khiến người chơi không hề biết rằng mình chính là "con mồi" của chiếc bẫy do các chủ họ rào sẵn.

Và một khi đã bị cuốn vào cuộc chơi, họ sẽ rất khó rút lui, thậm chí còn sẵn sàng vay thêm tiền từ người thân, bạn bè hay bán đất... để đem đi góp họ và rồi nhận "quả đắng" vì vỡ họ.

Mặt khác, qua một số vụ vỡ họ gần đây ở một số địa phương đã cho thấy, sau khi huy động được số tiền lớn, đa phần chủ họ sẽ sử dụng để đầu tư vào các hoạt động cá nhân như: kinh doanh bất động sản, cho vay lại kiếm lời... Khi việc làm ăn thất bát thì không còn khả năng thanh toán cả gốc và lãi cho người chơi. Thậm chí, ở thời điểm này, một số chủ họ vẫn lừa dối để tiếp tục nhận tiền của người dân.

Vậy nên, điều dễ nhận ra là dù nguyên nhân đến từ phía nào thì sự ham lợi nhuận cộng với việc thiếu hiểu biết pháp luật của những người trong cuộc chính là những yếu tố quan trọng khiến góp họ bị biến tướng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Tìm hiểu kỹ, cảnh giác trước những rủi ro khi tham gia góp họ

Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an về hoạt động hụi, họ thì người dân cần tìm hiểu kỹ những nội dung sau:

- Các quy định của pháp luật liên quan đến hụi, họ như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng), nắm rõ về điều kiện của chủ họ, thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ họ, thành viên góp họ quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.

- Tìm hiểu kỹ về nhân thân của chủ họ để có thể đặt niềm tin khi góp họ. Tìm hiểu kỹ về hoạt động của dây họ định tham gia, có thể yêu cầu chủ họ cho xem hoặc sao chụp, kiểm tra về số lượng người tham gia, sổ ghi họ, số tiền góp họ, tìm hiểu điều kiện kinh tế của chủ họ, các thành viên góp họ để đánh giá mức độ rủi ro và để phục vụ giải quyết tranh chấp về sau nếu có; lập văn bản và yêu cầu công chứng các thỏa thuận về hụi, họ.

- Nếu chủ họ điều hành từ 2 dây họ trở lên hoặc số tiền góp họ từ 100 triệu đồng trở lên thì phải báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa xử lý các vi phạm. Khi phát hiện các thông tin như nhiều dây họ của chủ họ bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ họ thì cần báo cho chính quyền địa phương nắm rõ và giải quyết kịp thời.

Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Do có sự khác biệt về ngôn ngữ, ở mỗi vùng miền thì họ được gọi theo các tên khác nhau: ở miền Bắc thường gọi là họ; ở miền Nam thường gọi là hụi; còn ở miền Trung thường gọi là biêu, phường. Mặc dù tên gọi không thống nhất ở mỗi miền nhưng nội dung của họ, hụi, biêu, phường đều là một.

Thực tế rất nhiều người lợi dụng vào họ nhằm thực hiện việc cho vay nặng lãi, vậy nên, Khoản 4, Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/gop-ho-bien-tuong-thanh-tro-tron-tim-17923103008204496.htm