Góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, huấn luyện của lực lượng dân quân thường trực

Tính đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9 đã đưa vào sử dụng 1.109/1.323 trụ sở ban CHQS xã, phường, thị trấn (gọi chung là ban CHQS xã).

Một số địa phương đã hoàn thành xây dựng 100% số lượng trụ sở, như: Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ… Có nhiều trụ sở được xây dựng riêng, tất cả đều khang trang, kiên cố, sạch đẹp; góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sinh hoạt, huấn luyện của lực lượng dân quân thường trực.

Sau hơn 3 tháng sửa chữa, nâng cấp, đầu tháng 10 vừa qua, UBND TP Long Xuyên và Ban CHQS TP Long Xuyên (An Giang) tổ chức khánh thành và bàn giao trụ sở làm việc mới cho Ban CHQS phường Bình Khánh. Bình Khánh là một trong 13 ban CHQS xã của TP Long Xuyên có trụ sở làm việc riêng. Theo anh Lê Hoàng Vũ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Bình Khánh: Trước đây, nơi làm việc, sinh hoạt của cơ quan quân sự khá chật hẹp, tạm bợ. Trụ sở mới xây dựng có diện tích hơn 200m2, gồm phòng họp giao ban, 3 phòng làm việc của chỉ huy, phòng ngủ nghỉ tập thể, nhà kho và phòng làm việc chung; kinh phí sửa chữa hơn 2 tỷ đồng.

 Trụ sở Ban CHQS phường Bình Khánh (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vừa được đưa vào sử dụng.

Trụ sở Ban CHQS phường Bình Khánh (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vừa được đưa vào sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đặng Văn Hiếu, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 9 cho biết: "Từ năm 2011, UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 9 đã xây dựng đề án và triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng mới các trụ sở ban CHQS xã. Để đạt được số lượng xây dựng theo lộ trình, các địa phương chủ động khai thác các nguồn vốn. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của từng địa phương, UBND tỉnh, thành phố giao bộ CHQS tỉnh, thành phố, hoặc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Tùy theo địa hình vị trí khu đất, trụ sở được thiết kế sao cho phù hợp, bảo đảm công năng, diện tích, nhu cầu sử dụng, sinh hoạt. Mỗi trụ sở có diện tích sử dụng 60-180m2 trở lên, bao gồm: Phòng chỉ huy, phòng họp, phòng tiểu đội dân quân, phòng ăn, phòng nghỉ; khung nhà sử dụng bê tông cốt thép, tường bao xây bằng gạch, kinh phí xây dựng trung bình khoảng 1 đến 2 tỷ đồng. Phần lớn các trụ sở ban CHQS xã hiện nay đều được quy hoạch gần UBND nên rất thuận tiện trong công tác.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, chúng tôi được biết, khi được giao nhiệm vụ, cơ quan hậu cần bộ CHQS các tỉnh, thành phố phối hợp với ban CHQS các huyện tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, tiến hành thiết kế, lập dự toán. Các bước tiếp theo, như: Tổ chức đấu thầu, thi công xây dựng, quản lý giám sát thi công xây dựng; nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, thanh quyết toán công trình được các đơn vị thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng về quản lý đầu tư xây dựng. Một số tỉnh, như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… việc thiết kế trụ sở ban CHQS xã phải căn cứ vào địa hình, địa chất, điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn để vận dụng kiểu nhà cho phù hợp, như: Nhà trệt (đối với các trụ sở nằm trong nội địa đáp ứng đủ diện tích đất), nhà có tầng lầu, nhà kiểu sàn… Quá trình tổ chức thi công, chỉ huy và cơ quan nghiệp vụ các cấp thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thi công, đôn đốc thực hiện tiến độ xây dựng, bảo đảm đưa công trình vào sử dụng đúng thời gian theo hợp đồng. Quá trình xây dựng, nhiều tỉnh, thành phố còn phát động Phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” đến ban CHQS xã, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cơ quan quân sự địa phương.

Theo Đại tá Trương Dũng Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Cà Mau: Trước năm 2010, nơi làm việc của cơ quan quân sự xã ở Cà Mau gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết phải làm việc chung với lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể. Một số ít có trụ sở riêng nhưng đều là nhà tạm, diện tích không quá 40m2. Trước thực tế đó, năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau đã đề ra chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở ban CHQS xã, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; đồng thời giao Bộ CHQS tỉnh làm chủ đầu tư, lựa chọn công ty tư vấn thiết kế, thực hiện đấu thầu. Căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương, Bộ CHQS tỉnh thiết kế kiến trúc công trình theo 3 mẫu: Mẫu 1 đối với các xã, thị trấn ven biển; mẫu 2 nơi nội địa; mẫu 3 nơi có diện tích đất hẹp. Mẫu 1 xây dựng theo dạng nhà sàn, cao gần 2m đề phòng khi nước biển dâng cao; mẫu 2 dạng nhà trệt, áp dụng với những nơi có diện tích đất rộng; còn đối với đất hẹp thì áp dụng mẫu 3 là xây 2 tầng. Đến nay, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được 101/101 trụ sở ban CHQS xã, trong đó có hơn 98% là trụ sở riêng. Ngoài xây dựng trụ sở làm việc, lãnh đạo các địa phương ở tỉnh Cà Mau còn mua sắm xe gắn máy, tắc ráng, bàn ghế trang bị cho cơ quan sự xã. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, làm nền tảng thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc triển khai xây dựng trụ sở ban CHQS xã ở một số địa phương trên địa bàn Quân khu 9 cũng còn gặp những khó khăn, như: Thiếu nguồn vốn, kinh phí đầu tư còn dàn trải, kéo dài; một số địa phương thiếu quỹ đất, chưa quy hoạch để bố trí đầu tư xây dựng; hầu hết các trụ sở ban CHQS xã mới được đầu tư xây dựng công trình nhà ở, chưa đầu tư hoặc đầu tư chưa đầy đủ, đồng bộ trang thiết bị, doanh cụ bảo đảm sinh hoạt và làm việc của lực lượng dân quân… Đại tá Nguyễn Công Danh, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tích cực, chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trụ sở ban CHQS cấp xã”.

Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/gop-phan-cai-thien-dieu-kien-sinh-hoat-huan-luyen-cua-luc-luong-dan-quan-thuong-truc-597878