Góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Văn hóa truyền thống chính là hồn cốt của quốc gia, dân tộc, nền tảng tinh thần to lớn tạo nên sự phát triển của xã hội. Nhằm chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy, thời gian qua các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tổ chức, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, huy động sự vào cuộc tích cực của hội viên, phụ nữ nhằm góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, phát triển nền văn hóa Quảng Ninh, Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phụ nữ Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công (Uông Bí) gói bánh chưng gù đón Tết. Ảnh: Phạm Học

Phụ nữ Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công (Uông Bí) gói bánh chưng gù đón Tết. Ảnh: Phạm Học

Nhiều việc làm thiết thực

Có lẽ trong guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại hôm nay, những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà chúng ta dễ bắt gặp, dễ hình dung rõ nhất chính là hình ảnh sinh hoạt trong mỗi nếp nhà, nếp sống của đồng bào ở các bản làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và chính những người phụ nữ nơi đây đã và đang trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ đã làm cho nét văn hóa dân tộc thấm nhuần vào mỗi công việc hằng ngày như: Trang trí nhà cửa, thêu thùa, dệt vải, may mặc, nấu ăn... đến những việc lớn hơn, như: Cưới xin, ma chay, lễ hội...

Đó là lý do khi đến với huyện vùng cao Bình Liêu, dọc theo cung đường biên giới đến với xã Đồng Văn, nếu không vào những ngày mùa bận rộn, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cụ bà, các cô gái người Dao Thanh Phán ngồi tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ say sưa thêu thùa ngay bên vệ đường. Không lớp học, không phải sự truyền dạy một cách bài bản, chủ yếu các cô gái sẽ nhìn theo bà, theo mẹ để học, chưa biết chỗ nào thì hỏi chỗ đó. Họ duy trì việc làm ấy như một thói quen và vô tình, thói quen thường ngày ấy đã trở thành “công cụ” hữu ích để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao cho tới tận ngày nay.

Phụ nữ Dao Thanh Phán ở thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) truyền dạy cho lớp trẻ nghề thêu trang phục truyền thống.

Còn ở Ba Chẽ, đến nay đã triển khai và duy trì hiệu quả hoạt động của 3 CLB thêu thổ cẩm ở các xã Thanh Sơn, Đồn Đạc và Nam Sơn. Cùng với đó, trong năm 2020 vừa qua, huyện còn phối hợp với các đơn vị mở lớp dạy nghề thêu thổ cẩm ứng dụng trên chất liệu hiện đại, mở rộng ra các sản phẩm không chỉ dùng trong cộng đồng người Dao mà hướng tới phục vụ khách du lịch như miếng lót ly, áo nam nữ, túi xách, túi đựng điện thoại, ví đựng đồ dùng...

Bà Triệu Kim Thành, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, chia sẻ: Nghề thêu thổ cẩm của người Dao đã có từ rất lâu đời nên hầu hết phụ nữ trong thôn đều biết thêu dù ít dù nhiều. Song từ khi tham gia lớp học nghề thêu ứng dụng, chị em càng thêm yêu thích và say mê. Vì không chỉ gìn giữ được văn hóa truyền thống mà còn có thể tạo ra sản phẩm mang lại thu nhập nâng cao đời sống cũng như giới thiệu được nét đẹp của dân tộc mình cho du khách mọi miền.

Không dừng lại ở những món đồ, trang phục truyền thống, những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm do chị em các dân tộc chắt chiu, gìn giữ và lưu truyền qua bao đời, hiện nay vẫn được mang ra thể hiện, biểu diễn và quảng bá đặc biệt tại các lễ hội được tổ chức hằng năm tại địa phương. Ở Bình Liêu hiện có 11 CLB văn nghệ phát triển và gìn giữ các làn điệu dân tộc như hát then - đàn tính của dân tộc Tày, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ.

Nghệ sĩ Vùng mỏ Hà Thị Ngọc (bên phải) truyền dạy hát then - đàn tính cho chị em tại Trung tâm TT-VH huyện Bình Liêu.

Nghệ nhân Hoàng Thị Viên, khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, chia sẻ: Hầu hết ở các CLB văn nghệ hát then - đàn tính, hát soóng cọ phần lớn các thành viên đều là phụ nữ. Ngoài việc cùng nhau sinh hoạt, tập luyện để biểu diễn, tham gia các hội thi, vào các dịp hè, tôi vẫn thường mở lớp ngay tại nhà để truyền dạy cho các cháu học sinh. Tôi đã sưu tầm được hàng trăm bài hát và sáng tác được 9 bài then mới thực hành trích đoạn 8 bài then cổ... Đây cũng chính là những vốn văn hóa quý báu tôi muốn truyền lại cho thế hệ trẻ.

Có thể thấy, các lễ hội truyền thống chính là nơi hội tụ nhiều và rõ nét nhất văn hóa dân tộc của mỗi vùng miền. Và cũng chính ở đó, hình ảnh của người phụ nữ duyên dáng, khéo léo cũng hiện lên thật đầy đủ. Chị em không chỉ rực rỡ, trong những bộ trang phục truyền thống mới nhất, đẹp nhất, mà còn thể hiện sự tài hoa khi nấu ăn, gói các loại bánh truyền thống, đồng thời cũng rất thuần thục khi tham gia các trò chơi dân gian... Bằng cách này hay cách khác, họ đã cùng nhau lưu giữ và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa đẹp đẽ của dân tộc.

Không ngừng gìn giữ và phát huy vốn quý

Trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước, vai trò và vị trí của phụ nữ Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Vì vậy, trong mọi lĩnh vực của đời sống hôm nay, dù là tham gia phát triển kinh tế - xã hội hay lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì đều không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của người phụ nữ.

Phụ nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu chơi đánh quay tại Lễ hội đình Lục Nà năm 2019.

Nhận thức rõ vai trò đó, thời gian qua, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu và yêu mến, tự hào về các giá trị trong kho tàng văn hóa của dân tộc; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa. Song song với đó, vận động hội viên thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ và từ chính hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Qua đó, góp phần định hướng cho thế hệ trẻ trong tiếp thu các giá trị hiện đại, phù hợp với truyền thống, rèn luyện đạo đức, lối sống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần quan tâm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực như: N4ghề truyền thống, ẩm thực dân gian…. tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia. Từ đây, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân vừa tạo kênh quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống địa phương một cách hiệu quả.

Hội thi "Bữa cơm yêu thương" nhằm tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa gia đình Việt Nam được Hội LHPN huyện Tiên Yên tổ chức tháng 6/2020. Ảnh: Vân Anh

Bằng những việc làm cụ thể, ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ đã và đang trở thành nhân tố tiếp nối các giá trị văn hóa của cộng đồng, gia đình, dòng họ. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và phục vụ đời sống cho bản thân, gia đình mà hơn thế còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc.

Nguyễn Dung

Ý kiến người trong cuộc

Chị Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu:"Phát huy vai trò của hội viên trong gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc"

Bình Liêu là nơi cư trú của các dân tộc anh em như: Tày, Dao, Sán Chỉ…Ở đây người phụ nữ là "người giữ lửa" trong gia đình vừa giữ, truyền dạy các giá văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã được giới thiệu, là "nguyên liệu" xây lên các sản phẩm du lịch được du khách đánh giá cao.

Để gìn giữ phát huy giá trị văn hóa bền vững, Hội quán triệt tới hội viên tinh thần chỉ đạo, chủ trương của tỉnh về giữ gìn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Ngoài chỉ đạo lồng ghép khéo léo vào hoạt động của Hội, xây dựng phong trào đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa "5 không 3 sạch", Hội cũng hướng đưa hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phục vụ du lịch, dịch vụ. Kết quả là nhiều hoạt động, mô hình được biết tới như: Các CLB hát then - đàn tính ở Vô Ngại; hát sóng cọ, thêu thùa ở Đồng Văn, phát triển phong trào bóng đá nữ của phụ nữ Sán Chỉ ở Húc Động…

Nhờ đó, không chỉ chọn lọc được những nét đẹp phong tục tập quán, văn hóa, loại bỏ những hủ tục, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, lưu truyền và tổ chức thành các hoạt động văn hóa hấp dẫn. Không ít trong số các hoạt động đó đã trở thành nét đẹp đặc trưng được đưa vào các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, được nhiều người biết tới và quan tâm.

Anh Nguyễn Hải Linh, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cô Tô: "Tạo điều kiện để phụ nữ phát huy thế mạnh..."

Cô Tô những năm qua chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, vai trò của người phụ nữ trong phát triển du lịch dịch vụ ở huyện đảo ngày càng rõ ràng. Phụ nữ vùng biển đảo không chỉ chịu thương chịu khó mà còn năng động, mạnh dạn, có thế mạnh vượt trội trong góp sức phát triển du lịch huyện đảo. Hiện có trên 50% nhân lực là phụ nữ phục vụ trong ngành du lịch dịch vụ, các nhà hàng khách sạn do phụ nữ quản lý; số hội viên Hội du lịch huyện cũng có từ 60-70% là nữ giới. Không chỉ vậy, chị em phụ nữ biển đảo còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường, tạo nên nét văn hóa bảo vệ môi trường sinh thái trong người dân đảo. Chính vì thế, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể luôn tạo điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò, thế mạnh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo.

Chị Trương Thị Quý, xã Bằng Cả (TP Hạ Long):"Giữ lửa và truyền dạy nghề truyền thống, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ"

Từ xưa tới nay, người Dao đã gắn bó với bản làng cộng đồng, thiện nghệ nghề đi rừng. Với phụ nữ người Dao, ngay từ khi mới sinh ra đã được các mẹ, các bà của mình dạy cách biết trồng bông, dệt vải, thêu thùa. Từ những mảnh vải, sợi chỉ ấy, đôi bàn tay khéo léo lại dệt lên những vuông thổ cẩm đẹp, những hoa văn đẹp. Cứ thế, dệt vải, thêu thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng tốt đẹp được duy trì qua nhiều thế hệ, tiêu chí của người phụ nữ đảm.

Ngày nay, xã hội càng phát triển, các giá trị văn hóa truyền thống trở thành những nét hấp dẫn, bản sắc của cộng đồng trong phát triển du lịch. Nhiều cơ sở hạ tầng, dự án du lịch đã được đầu tư, phát triển, du khách cũng biết tới các lễ hội truyền thống hàng năm của người Dao Bằng Cả. Vì thế, việc giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa, nghề truyền thống để giúp du khách hiểu hơn về người Dao, cung cấp các sản phẩm lưu niệm giá trị... là cần thiết. Điều chúng tôi mong muốn là nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn để mở rộng các lớp học, đưa các giá trị văn hóa này thành các sản phẩm du lịch, giá trị kinh tế. Đây là cách làm để văn hóa truyền thống được phát huy bền vững nhất.

Chị Tô Thị Minh Tâm, phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả): "Cần quan tâm giáo dục truyền thống gia đình"

Từ lâu, gia đình Việt được hình thành và phát triển từ những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Văn hóa ứng xử gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt Nam. Cha ông ta luôn dạy con cháu cách giao tiếp ứng xử nhân văn từ khi con cái mới bắt đầu hình thành nhân cách. Truyền thống gia đình người Việt Nam đáng quý nhất là dạy con biết "đối nhân xử thế", học trước hết phải học làm người, giáo dục đạo đức con người là gốc, dạy con phải báo hiếu với cha mẹ, con là niềm tự hào của cha mẹ…

Ngày nay, trước áp lực của cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị bị ảnh hưởng, phai mờ, vì thế việc gìn giữ, giáo dục các giá trị truyền thống không hề đơn giản. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi bảo tồn lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc. Vì vậy trong giai đoạn hội nhập và phát triển mỗi thành viên trong gia đình đặc biệt là người phụ nữ cần có trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn phải phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bên cạnh tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa khác. Đồng thời mỗi người cần quan tâm ủng hộ để những giá trị đó được phát huy tốt nhất.

Hà Phong (ghi)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202103/gop-phan-gin-giu-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-2523798/