Góp phần hạn chế tai nạn giao thông

Hiện nay, xe đạp điện đang được xem như một dạng xe thô sơ, người sử dụng không cần bằng lái và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, về bản chất loại phương tiện này có gắn động cơ và tốc độ không hề kém xe máy khi vận hành ở nội đô. Việc các cơ quan chức năng đề xuất siết chặt quản lý loại xe này có thể xem là giải pháp cần thiết, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông…

Nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn

Thời gian gần đây, thị trường xe đạp điện tăng trưởng nhanh chóng. Trên các tuyến giao thông chính của Hà Nội như: Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Trường Chinh (quận Đống Đa)… có thể dễ dàng ghi nhận cảnh hàng trăm học sinh, sinh viên đi xe đạp điện.

Theo quan sát, hầu hết đối tượng tham gia giao thông, điều khiển xe đạp điện là học sinh độ tuổi trung học, phổ thông và phụ nữ. Họ thường chạy xe đạp điện xen lẫn với làn xe máy với tốc độ không mấy thua kém các phương tiện này. Khi đến các điểm rẽ, sang đường phần lớn người điều khiển xe đạp điện cũng không bật xi-nhan hoặc còi để xin đường.

Việc quản lý và giám sát xe đạp điện là hết sức cần thiết

Việc tham gia giao thông cẩu thả, tùy tiện như trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những vụ va chạm giao thông giữa xe đạp điện với các phương tiện khác. Theo một thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, 52% học sinh lứa tuổi trung học lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng.

Đáng chú ý, tỷ lệ thiệt mạng trên 100.000 học sinh do tai nạn giao thông năm 2016 lên đến 7,39. Con số này cao hơn gấp nhiều lần trên thế giới như: Gấp 1,25 lần tỷ lệ trung bình của Campuchia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần của Hàn Quốc. Trong đó, 3 nguyên nhân hàng đầu từ các vụ tai nạn giao thông của học sinh trung học là đi sai phần đường (chiếm 34%); vi phạm tốc độ (chiếm 30%); thiếu quan sát (chiếm 26%).

Theo một kết quả điều tra khác của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng cho thấy, hiện tỷ lệ cha mẹ học sinh ủng hộ việc điều khiển xe đạp điện và xe máy điện cần có chứng chỉ sát hạch kỹ năng lái xe lên tới 68% và 89%. Nói cách khác, công tác tuyên truyền, quản lý và giám sát đối tượng học sinh đi xe đạp điện hiện nay đang dần trở nên bức thiết.

Cần sớm siết chặt quản lý

Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm, tính từ tháng 1/2014 - 10/2017, số lượng xe đạp điện nhập khẩu và lắp ráp lần lượt là: 5.485 xe và 305.672 xe. Theo tính toán, số lượng xe máy điện và xe đạp điện đã đưa ra thị trường ước tính khoảng 3 triệu xe. Như vậy, số lượng xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường và trực tiếp tham gia giao thông rất lớn.

Đi trên đường không khó để thấy những cô cậu, học sinh đi xe đạp điện không chỉ vừa phóng nhanh, vượt ẩu, lượn lờ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vì theo quy định, người điều khiển xe đạp điện khi tham gia giao thông không phải đội mũ bảo hiểm… quy định này vô tình đã gây tác dụng ngược cho chính người điều khiển xe đạp điện.

Thực tế, có không ít vụ tai nạn do xe đạp điện gây ra và chính chủ nhân điều khiển xe đạp điện bị thương rất nặng. Lý do đi ẩu lại không đội mũ bảo hiểm. Vì vậy, để góp phần đảm bảo tính mạng người điều khiển xe đạp điện cũng như góp phần bảo đảm an toàn giao thông đề xuất quản lý xe đạp điện như xe cơ giới là hoàn toàn phù hợp.

Việc phát triển xe đạp điện đã và đang trực tiếp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của phương tiện này cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là bảo đảm an toàn giao thông và môi trường. Để giải quyết “bài toán” quản lý xe đạp điện, mới đây Cục Đăng kiểm đã đưa ra đề xuất sửa quy định trong Luật Giao thông Đường bộ đối với xe đạp điện và coi phương tiện này là phương tiện cơ giới để phục vụ quản lý phương tiện, quản lý lưu thông, hạn chế tai nạn… Cụ thể, đề xuất sẽ xem xét cấp biển số cho xe đạp điện đồng thời bổ sung quy định giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện).

Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Thế Vinh - Đoàn Luật sư Hà Nội việc quản lý phương tiện này hiện còn nhiều những bất cập. Dễ thấy nhất là trường hợp xe đạp điện được coi là phương tiện thô sơ nên nghiễm nhiên không cần đăng ký, không cần bảo hiểm, người điều khiển không cần giấy phép lái xe... Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định cho các cấp chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trong vấn đề kiểm soát thông tin phương tiện, xử lý vi phạm trên đường như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm…

“Nhiều phương tiện thực tế là xe máy điện nhưng trá hình là xe đạp điện để không phải thực hiện việc đăng ký biển số. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho công tác quản lý của các bộ, ngành liên quan và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông” - Luật sư Lê Thế Vinh chia sẻ.

Rõ ràng, đề xuất quản lý xe đạp điện như xe cơ giới, trong đó chú trọng đến các quy định về giấy phép lái xe, tăng cường giáo dục luật pháp về giao thông đối với các đối tượng điều khiển… sẽ trực tiếp góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Trong khi chờ đợi các ban, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống pháp lý, bản thân người điều khiển xe đạp điện khi tham gia giao thông trên đường phải tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông như đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng trên đường...

Đối với đối tượng điều khiển xe đạp điện là học sinh, nhà trường và gia đình cùng cần phối hợp để hướng dẫn, trang bị cho các em những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, tránh để xảy ra các vụ tai nạn và va chạm đáng tiếc.

Được biết, TP Hà Nội vừa kiến nghị lên Chính phủ về việc sửa đổi và hoàn thiện một số quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất quản lý xe đạp điện tương tự xe máy. Điều này đồng nghĩa với việc xe đạp điện nằm trong diện đăng ký và người điều khiển phải có chứng chỉ, bằng lái xe. Đề xuất này được cho là sẽ hạn chế được những bất cập trong quản lý, giảm thiểu các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ liên quan đến xe đạp điện.

Luyện Đinh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gop-phan-han-che-tai-nan-giao-thong-78384.html