Góp phần thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ

Chiều 15-9, tại Nhà Quốc hội (QH) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Chiều 15-9, tại Nhà Quốc hội (QH) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc ban hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển GTĐB, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân. Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật GTĐB năm 2008, bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn về quản lý GTĐB; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTĐB; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Góp ý kiến về việc tách hai nội dung lớn là GTĐB và bảo đảm trật tự an toàn GTĐB thành hai dự án luật, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, cần tính toán thật kỹ về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật sửa đổi lần này, hướng tới mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cả giao thông tĩnh và giao thông động. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch QH và nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ băn khoăn về sự trùng lắp, chồng lấn giữa hai luật GTĐB và Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Do đó, các đại biểu yêu cầu trong dự thảo hai luật, ban soạn thảo cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng chủ thể. Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu: Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cùng đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu khi tách thành hai luật có giải quyết được các tồn tại, yếu kém trong quá trình điều hành giao thông hay không? Có bảo đảm công tác giải quyết thực trạng an toàn giao thông tốt hơn và sẽ đáp ứng được văn hóa giao thông hiện nay hay không? Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ những vấn đề này.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Ủy ban TVQH tán thành Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật GTĐB do tầm quan trọng của giao thông vận tải nói chung, trong đó GTĐB có vai trò đặc biệt quan trọng - là mạch máu của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB liên quan Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến vào phiên làm việc sáng nay, 16-9. Qua báo cáo thẩm tra và các ý kiến của các đại biểu, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, tránh chồng chéo giữa hai luật. Những vấn đề liên quan, bổ trợ cho nhau giữa hai lĩnh vực cần bảo đảm liên thông, đồng bộ trong chính sách liên quan lĩnh vực GTĐB nói chung. Hai luật tuy điều chỉnh các nội dung khác nhau nhưng đều hướng tới xây dựng, phát triển GTĐB, nhiều quy định có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, do đó một mặt cần bảo đảm tính cụ thể, một mặt cần làm rõ tính tương trợ, tương hỗ qua lại giữa các quy định. Do đó, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ cân nhắc rất kỹ vấn đề tách Luật GTĐB thành hai luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Ủy ban TVQH cho ý kiến về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh Thái Nguyên; việc bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 từ nguồn thu 70% lệ phí xuất nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến 2014 của Bộ Công an; cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2020 và kế hoạch kiểm toán năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước; xem xét, quyết định việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Theo Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, từ ngày 1-6-2019 đến ngày 31-5-2020, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ nhà nước) đã xuất cấp tổng số 23 nghìn tấn gạo để cứu trợ người dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ cho nhân dân Cu-ba. Báo cáo thẩm tra việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải nêu rõ, việc xuất cấp 23 nghìn tấn gạo để cứu trợ người dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hỗ trợ Tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ cho nhân dân Cu-ba là cần thiết. Vì vậy, việc đề nghị bổ sung kinh phí như Tờ trình của Chính phủ là phù hợp quy định của Luật Dự trữ quốc gia. Sau khi thảo luận tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban TVQH biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên tại các cơ sở y tế không đủ đáp ứng. Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như chủ động đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra trong tương lai, việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia quy định tại khoản 2, Điều 27, Luật Dự trữ quốc gia là rất cần thiết. Một số đại biểu đề nghị quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan. Kết thúc phiên họp, 100% các thành viên của Ủy ban TVQH biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/gop-phan-thuc-day-phat-trien-giao-thong-duong-bo-616923/