Góp phế liệu thành… phong trào

Hưởng ứng Phong trào 'Phụ nữ Cảnh sát biển đoàn kết-sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ' và cuộc vận động quyên góp gây Quỹ 'Ngôi nhà 1.000 đồng' của Phụ nữ Cảnh sát biển (CSB), Hội Phụ nữ (HPN) Phòng Hậu cần, Vùng CSB 3 đã triển khai mô hình 'Ngôi nhà 1.000 đồng-Ngày thứ 6 tái chế'. Sau hơn một năm thực hiện, mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trong toàn đơn vị và có sức lan tỏa rộng khắp...

Chiều cuối tuần, các phòng ban của Vùng CSB 3 trở nên nhộn nhịp, rộn ràng. Hình ảnh cán bộ, hội viên HPN vừa rôm rả chuyện trò chia sẻ chuyện gia đình, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn… vừa thoăn thoắt tay phân loại giấy, báo, phế liệu từ các thùng đựng rác, rồi nhanh chóng chuyển đến vị trí 4 căn nhà nhỏ đặt nơi góc khuất trong khuôn viên đơn vị. Trung úy QNCN Nguyễn Thị Hạnh, Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Vùng CSB 3 chia sẻ: "Triển khai từ tháng 3-2017, đến nay việc thu gom, phân loại và xử lý giấy báo, phế liệu trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của hội viên HPN và toàn đơn vị vào cuối giờ chiều thứ sáu hằng tuần. Toàn bộ số tiền bán giấy báo, phế liệu thu gom được chúng tôi đưa vào quỹ của mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng-Ngày thứ 6 tái chế”.

Mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng-Ngày thứ 6 tái chế” nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Giải thích với chúng tôi về tên của mô hình, Thượng úy Lê Thị Hồng Thắm, Chủ tịch HPN Phòng Hậu cần, nói: “Ngôi nhà 1.000 đồng” xuất phát từ phong trào quyên góp gây Quỹ “Ngôi nhà 1.000 đồng” của phụ nữ CSB phát động và “Ngày thứ 6 tái chế” gắn với chế độ sinh hoạt tổng vệ sinh vào chiều thứ sáu hằng tuần của đơn vị. Hằng ngày, tại mỗi bộ phận, cán bộ, hội viên HPN chủ động phân loại chất thải tái chế, cuối tuần thu gom và đưa về “Ngôi nhà 1.000 đồng”. Các đơn vị không có hội viên phụ nữ, cán bộ hội đến trao đổi trực tiếp với chỉ huy đơn vị và cán bộ, chiến sĩ, đề nghị phối hợp phân loại để chiều thứ 6 hằng tuần, HPN bố trí hội viên đến thu gom. Trong trường hợp phát sinh nhiều chất thải, các đơn vị liên hệ trực tiếp với cán bộ HPN, Ban chấp hành hội sẽ cử hội viên đến cùng thu gom. Một phần lớn chất thải tái chế khác được cán bộ, chiến sĩ trong toàn vùng tự thu gom và đưa về địa điểm tập kết để chờ thanh lý.

Bằng cách làm đó, trung bình mỗi tháng, cán bộ, hội viên HPN thu khoảng 100kg giấy, 50kg nhựa, 30kg sắt và hàng trăm vỏ lon các loại, ước tính trị giá thành tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng/tháng. Sau gần hai năm triển khai hoạt động mô hình, đến nay HPN đơn vị thu được gần 16 triệu đồng từ việc bán phế liệu. Mô hình không chỉ tạo nguồn thu cho HPN chủ động xây dựng các hoạt động phong trào, mà còn góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, chiến sĩ, hội viên; xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp.

Để hoạt động của mô hình thành nền nếp, cán bộ, hội viên HPN chủ động đề xuất thiết kế, lắp đặt 4 ngôi nhà có diện tích nhỏ gọn, được lợp mái tôn, bảo đảm mỹ quan và phù hợp với môi trường đặt ngay trong doanh trại tại 4 vị trí thuận tiện cho việc thu gom chất thải tái chế. Cùng với đó, HPN kết hợp sử dụng các catalog với hệ thống khẩu hiệu để tuyên truyền, như: “HPN cơ sở Phòng Hậu cần triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng-Ngày thứ 6 tái chế” xây dựng quỹ để giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, các cháu vượt khó học giỏi, đồng thời góp phần giữ gìn doanh trại xanh, sạch, đẹp”; “Phân loại rác thải tại nguồn để bảo vệ môi trường và giữ gìn doanh trại xanh, sạch, đẹp”; “Tái sử dụng chất thải góp phần tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững”…

Nói về việc sử dụng số tiền thu được từ mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng-Ngày thứ 6 tái chế”, Thượng úy Lê Thị Hồng Thắm cho biết: "Một phần số tiền dành đóng góp vào Quỹ “Ngôi nhà 1.000 đồng” của phụ nữ CSB, phần còn lại HPN dành để tổ chức các hoạt động, như: Thăm hỏi thân nhân gia đình liệt sĩ nhân dịp ngày 27-7 hằng năm; trao quà tặng các cháu là con quân nhân và hội viên trong đơn vị; phối hợp với HPN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao quà dịp Trung thu tặng các cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; thăm và tặng quà các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn… Từ ý nghĩa của hoạt động, nên 100% quân nhân nam đều tự nguyện ủng hộ cả về vật chất cũng như tích cực tham gia cùng chị em thu gom, phân loại rác thải...".

“Cách làm của HPN Phòng Hậu cần, Vùng CSB 3 rất thiết thực, sáng tạo, góp phần tạo động lực thi đua trong hoạt động phong trào phụ nữ CSB. Ý nghĩa của mô hình được các cấp ghi nhận và tập thể HPN Phòng Hậu cần được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các mô hình thi đua xuất sắc, điển hình tiên tiến tiêu biểu trong Phụ nữ Quân đội năm 2018”, Đại úy Cao Thị Hồng Hạnh, Trợ lý Phụ nữ CSB khẳng định với chúng tôi như vậy.

Bài và ảnh: HẠNH ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/gop-phe-lieu-thanh-phong-trao-554649