Góp thêm giai điệu âm nhạc đẹp về Trường Sa

Mới đây, nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang (Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã phổ nhạc bài thơ 'Quan họ ở Trường Sa' của nhà văn, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) thành bài hát cùng tên với những ca từ mượt mà, sâu lắng đầy cảm xúc. Ngay sau khi được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã chiếm được nhiều cảm tình của người nghe và đặc biệt đó là món quà mà hậu phương gửi đến những người lính đang ngày đêm canh giữ quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Nhà văn, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng cùng các cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở Trường Sa năm 2011. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với những người yêu văn chương nói chung và những người lính Biên phòng nói riêng đã không còn xa lạ với nhà văn, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng. Ngoài sáng tác văn học, chị còn biết đến là nhà nghiên cứu văn hóa về các dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến tập tiểu luận phê bình “Những người tự đục đá kê cao quê hương” (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 2016). Lê Thị Bích Hồng đã vinh dự nhận giải Nhì trong cuộc thi viết về BĐBP do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp tổ chức năm 2009 với truyện ngắn “Sinh ngày 3 tháng 3”.

Thế nhưng với thơ ca, Lê Thị Bích Hồng vẫn còn là cái tên khá mới mẻ với bạn đọc. Năm 2011, trong một lần đến với Trường Sa, chị đã được dự đêm biểu diễn văn nghệ của Đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương. Khi ấy, chị bắt gặp hình ảnh liền anh, liền chị nón thúng quai thao biểu diễn những bài hát quan họ khiến cho những người lính gác biển rất cảm động. Với tâm hồn nhạy cảm và tình cảm nặng sâu dành cho các chiến sĩ Trường Sa, chị đã viết lên những vần thơ giàu cảm xúc: “Em mang tình quan họ đến Trường Sa/ Gặp lại mình trong giấc mơ không tuổi/ Khúc dân ca nồng đằm vị muối/ Nối biển bờ thương nhớ chẳng nguôi quên”.

Khi được hỏi về những kỉ niệm sau chuyến đi ấy, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng bộc bạch rằng, chị đã trở thành người mẹ của hai chiến sĩ Trường Sa, đó là Trung úy Nguyễn Bá Vinh, Nhà giàn DK1 và Thượng úy Đỗ Quang Thùy, Trưởng ngành Hàng hải, tàu HQ 957. Và chính điều đó đã là động lực cũng như chất liệu để chị viết bài thơ rất xúc động này.

“Tôi thấy quần đảo Trường Sa xa lắm, nhưng chính văn hóa đã nối kết đất liền với Trường Sa, nối liền những người chiến sĩ với hậu phương, tạo nên sự rung động đặc biệt. Khi viết xong bài thơ, tôi rất trăn trở, ngại ngùng, thậm chí giấu giếm vì cứ cảm thấy chưa vừa lòng. Nhưng khi dự Trại sáng tác ở Vũng Tàu vào tháng 6-2017, tôi đã mạnh dạn đưa bài thơ cho nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang” - Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng chia sẻ.

Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang và nhà văn, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng. Ảnh: Ngô Khiêm

Có lẽ, cũng vì đang sống ở thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp mà nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang luôn có một tình cảm đặc biệt với biển đảo quê hương. Hơn nữa, nhạc sĩ đã có gần 15 năm hoạt động nghệ thuật trong Binh chủng Thông tin liên lạc, chất lính luôn tràn đầy trong anh. Khi được hỏi về việc sáng tác ca khúc này, anh tâm sự, khi gặp bài thơ “Quan họ ở Trường Sa”, anh đã chủ định sáng tác ca khúc này cho song ca nam nữ với ý nghĩa một người lính Trường Sa và một cô gái miền quan họ vì chính họ đã làm nên quê hương, làm nên sự đẹp giàu của đất nước, làm nên văn hóa dân tộc bền sâu. Tốp phụ họa có ý nghĩa như một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Tựu trung lại, tất cả đều đồng lòng bảo vệ biển đảo quê hương.

“Mỗi khi nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng giữa biển khơi của Tổ quốc, trong tim mọi người dân Việt Nam đều cảm thấy tự hào. Đó là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, nơi đó có những người con anh dũng, kiên trung đang ngày đêm giữ gìn từng tấc biển, đảo. Tôi chưa một lần được đến Trường Sa, nhưng tâm tư tình cảm luôn hướng về vùng biển đảo anh hùng này nên khi gặp bài thơ “Quan họ ở Trường Sa”, trong tôi dâng lên một cảm xúc thật khó tả và với cảm xúc liền mạch, chỉ 30 phút sau, tôi đã phổ xong bài hát” - Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang xúc động cho biết.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác biên tập âm nhạc, nhạc sĩ Dân Huyền (nguyên Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam) nhận xét: “Bài hát “Quan họ ở Trường Sa” có khúc thức ngắn gọn, giàu suy nghĩ. Giai điệu đẹp, chất quan họ ngay từ đầu nhưng sáng tạo theo phong cách riêng hiện đại, phù hợp với giới trẻ hiện nay. Lời bài hát hay, rất tình cảm và trong sáng. Ngôn ngữ có chọn lọc, giàu chất thơ”. Còn nhạc sĩ Đức Miêng cho rằng: “Nhạc sĩ Thanh Khang tuy không sinh ra ở mảnh đất quan họ Bắc Ninh, nhưng đã rất hiểu và vận dụng uyển chuyển chất liệu của dân ca quan họ vào trong bài hát, nhất là phần phụ họa. Bài hát đã như một lời động viên, khích lệ tinh thần tới các chiến sĩ canh giữ biển trời Trường Sa”.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gop-them-giai-dieu-am-nhac-dep-ve-truong-sa/