GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI): BỔ SUNG THÊM QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC YÊU CẦU TÒA ÁN CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI THÀNH

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4. Hiện cơ quan chủ trì thẩm tra đang tích cực phối hợp cơ quan soạn thảo giúp UBTVQH tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Góp ý vào Dự thảo, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tp.HCM kiến nghị, cần làm rõ khái niệm 'người tiêu dùng', bổ sung thêm quy định về 'thủ tục yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành;…'

QUY ĐỊNH RÕ THỜI ĐIỂM KẾT THÚC THƯƠNG LƯỢNG TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Quốc hội cho ý kiến lần đầu Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Nghiên cứu về Dự luật, Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tp. HCM cho rằng, Dự thảo Luật tính đến thời điểm hiện tại với 79 Điều, đã có rất nhiều đổi mới thể hiện sự tiến bộ, cho thấy có sự nghiên cứu sâu sát tình hình thực tế, có sự tham khảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nước ngoài, có rà soát các luật khác liên quan... nên có sự bổ sung tích cực để hoàn thiện, cụ thể:

(1) Về chính sách, bổ sung tăng thêm khoản 7 liên quan đến việc “nâng cao đạo đức kinh doanh và hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và bền vững”; và khoản 8 “nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững”;

(2) Quyền của người tiêu dùng trong Dự luật sửa đổi lần này được tăng thêm 01 quyền cho phù hợp với nhu cầu sử dụng dịch vụ mới “Quyền của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ công được bảo vệ theo quy định của pháp luật có liên quan”. Như vậy, so với Luật hiện hành (8 quyền), quyền của người tiêu dùng được nâng lên thêm 3 quyền.

Góp ý vào nội dung cụ thể trong quy định tại Dự thảo luật, Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ khái niệm người tiêu dùng, bổ sung thêm quy định về thủ tục yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đề nghị bổ sung hành vi bị cấm;…

Về phần giải thích từ ngữ: Việc quy định “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng háo, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”, vẫn còn băn khoăn đối với trường hợp người mua và sử dụng sản phẩm, hàng hóa là nguyên liệu về để chế biến thành sản phẩm để kinh doanh nhỏ lẻ, thì có được coi là người tiêu dùng hay không? Nếu trong quá trình mua nguyên liệu có vấn đề thì có được luật bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ hay không?

Thực tế, thường gặp các khiếu nại của người kinh doanh nhỏ lẻ khiếu nại việc mua nhầm nguyên liệu kém chất lượng nhưng không khiếu nại được.

Do đó, trong phần giải thích từ ngữ cần làm rõ khái niệm Người tiêu dùng, đảm bảo bao quát và dự trù các trường hợp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Về các hành vi bị cấm (Điều 10): Tại khoản 1, điểm đ) Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;

Quy định này chưa đầy đủ là rõ ý nghĩa của việc “nhầm lẫn”. Vì bên cạnh việc người bán nhầm lẫn bán không đúng sản phẩm mà người tiêu dùng yêu cầu thì còn có việc người bán cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng mua hàng không đúng chất lượng hoặc không đúng ý muốn của người tiêu dùng. Do đó, đề nghị bổ sung hành vi bị cấm là “Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sự nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh không cung cấp đúng sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc gây cho người tiêu dùng sự nhầm lẫn trong việc mua hàng hóa hay dịch vụ vì tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm”.

Về thực hiện Hợp đồng theo mẫu và thực hiện điều kiện giao dịch chung: Qua thực tế, các Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung thường được cá nhân, tổ chức kinh doanh tạo áp lực tâm lý hối thúc người tiêu dùng ký kết mà không để cho người tiêu dùng có thời gian hợp lý để suy nghĩ, cân nhắc trước khi quyết định, va khi xảy ra tranh chấp, “thời gian hợp lý”, được giải thích tùy tiện phục vụ mục đích và nhu cầu lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh mà người tiêu dùng luôn là bên chịu thiệt thòi. Do đó, đề nghị Luật quy định cụ thể “thời gian hợp lý” là bao lâu? Nếu không đáp ứng thời gian luật quy định thì Hợp đồng hay điều kiện giao dịch không hiệu lực.

Về trách nhiệm cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng: Dự thảo lần này bổ sung 2 Điều này hoàn toàn mới, rất thiết thực và đang là nhu cầu để giải quyết các vấn đề phát sinh do cá nhân, tổ chức kinh doanh không cung cấp đúng nội dung dịch vụ đã công bố, giao kết, nhưng lại căn cứ vào Điều khoản giao dịch trên không gian mạng đang là vấn đề gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng mà chưa có biện pháp khắc phục. Việc cho phép “các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền, nghĩa vụ công bố công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng bằng hình thức phù hợp, bảo đảm thuận tiện cho người tiêu dùng tiếp nhận thông tin trong đó có vấn đề công bố “Danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý” sẽ góp phần giúp người tiêu dùng có thêm thông tin để tự bảo vệ khi giao dịch trên không gian mạng.

Về quyền của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hiện nay, tại các Thành phố lớn trực thuộc Trung ương như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…. đều là các trung tâm kinh tế với thị trường đa dạng, các tổ chức xã hội dù hoạt động trong phạm vi thành phố nhưng có nhiều hoạt động hữu hiệu giúp bảo vệ quyền lợi chẳng những người tiêu dùng mà cả các tổ chức kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, có khả năng hợp với với các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và quốc tế để làm phong phú hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, kiến nghị mở rộng quy định cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được liên kết với các tổ chức quốc tế theo quy định pháp luật nếu có điều kiện thuận lợi.

Về thực hiện và công nhận kết quả hòa giải thành: Việc áp dụng trong thực tế đối với “quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành” không đơn giản, vì dựa trên trình tự thủ tục nào để yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận? Hiện nay, tại các Trung tâm hòa giải –đối thoại Tòa án, việc hòa giải thành trong các vụ án phải có sự tham gia của Thẩm phán được phân công phụ trách, và Thẩm phán vẫn có quyền từ chối kết quả hòa giải do hòa giải viên thực hiện. Do vậy, kiến nghị cần có thêm quy định về thủ tục yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo Luật gia Phan Thị Việt Thu, quy định tại Điều 14 Trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và Điều 15. Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng có cùng nội dung, do đó, đề xuất quy định chung thành 01 Điều./.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73518