Góp ý Dự thảo Luật Chứng khoán

Ngày 7/11, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp góp ý Dự thảo Luật chứng khoán. Theo Dự thảo lần này, nhiều nội dung mới đã được đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.

Hội thảo Luật chứng khoán khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội

Theo đánh giá của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán, Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Cụ thể, Dự thảo đã tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Thanh tra UBCKNN thực thi quyền hạn của mình trong xử lý các vi phạm trên thị trường.

Ngoài ra, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán cũng cho rằng, Dự thảo đã đưa ra một số quy định nhằm tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế như IPO gắn liên niêm yết, tỷ lệ tự do chuyển nhượng trong chào bán công khai, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong phát hành riêng lẻ...

Đây là những quy định hết sức quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam quen thuộc hơn với các nhà đầu tư nước ngoài và tạo tiền đề thuận tiện hơn trong việc phát triển các sản phẩm mới đã phát triển trên các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Tuy nhiên, tham luận về Dự thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Dự thảo cần điều chỉnh một số nội dung sát thực tế hơn.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, trong nội dung quy định về hoạt động của Tổng công ty Lưu ký chứng khoán không cần giao cấp Chính phủ quy định chi tiết mà chỉ cần giao Bộ Tài chính là đủ.

Ở góc độ ngược lại, ông Lực cũng cho rằng có quy định lại để việc phân cấp sâu quá. Cũng trong nội dung về Tổng công ty Lưu ký. Các quy định về hoạt động của Quỹ hỗ trợ thanh toán, Quỹ bù trừ nên để Ủy ban chứng khoán quy định, chứ không nên giao cho chính Tổng công ty lưu ký (là đơn vị thực thi) tự ban hành các quy định này.

Ngoài ra, về quy mô tối thiểu của tổ chức phát hành trái phiếu, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho biết, Dự thảo để mức vốn tối thiểu 300 tỷ là hơi cao, có thể khiến cho các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Cũng chung quan điểm với ông Bằng, có ý kiến cũng đưa ra một vài con số cho thấy, tại Việt Nam hiện nay số lượng doanh nghiệp có quy mô vốn trên 500 tỷ chỉ chiếm 1,1%, trong khi doanh dưới 200 tỷ chiếm tới 97,7%. Theo đó, việc để điều kiện về quy mô phát hành trái phiếu cao sẽ hạn chế đa số các doanh nghiệp có thể huy động vốn qua hình thức này.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, Bộ Tài chính cần quy định cụ thể nội dung, thời hạn công bố thông tin đối với từng loại hình công ty đại chúng nên xem xét đến các yêu tố về quy mô vốn/tài sản/doanh thu, mô hình tổ chức hoạt động.

Việc gia hạn thời gian công bố thông tin cũng nên xem xét đến tính chất phức tạp theo cấp độ của đối tượng lập báo cáo (Ví dụ như: gia hạn 5 ngày đối với công ty đại chúng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất từ các Công ty con; gia hạn 10 ngày đối với công ty đại chúng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất từ các Công ty con cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất).

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gop-y-du-thao-luat-chung-khoan-d90642.html