Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Sáng 28.3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.

Nhấn mạnh Luật Công đoàn hiện hành được ban hành năm 2012, sau hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn tại thời điểm này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của công đoàn đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.

Lưu ý đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất chứa đựng nhiều nội dung mới, Viện trưởng đề nghị các đại biểu tập trung góp ý toàn diện vào nội dung dự luật, trong đó, quan tâm cho ý kiến về các chính sách cơ bản của dự án Luật.

Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn tại thời điểm hiện nay là thực sự cần thiết và phù hợp. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quan hệ lao động, về quyền của người lao động tham gia tổ chức đại diện. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể.

Toàn cảnh hội thảo

Các đại biểu đánh giá cao tinh thần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, từng bước hoàn thiện dự thảo Luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và những điểm mới, những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật.

Các đại biểu cũng tập trung góp ý về: giải thích từ ngữ; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước với công đoàn; bảo đảm về tổ chức cán bộ; tài chính công đoàn; xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn...

Đối với nội dung đội ngũ cán bộ công đoàn mà là cán bộ công chức, viên chức thì phải tuân theo luật chuyên ngành, một số ý kiến đề nghị cân nhắc với quy định tại Luật Công chức và Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất; rà soát lại việc đưa tổ chức, biên chế vào luật có phù hợp, tương thích với các luật khác hay không?

Ghi nhận, đánh giá cao những nội dung góp ý tâm huyết, thẳng thắn, khoa học của các đại biểu, chuyên gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, với vai trò là cơ quan nghiên cứu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại hội thảo, góp phần cung cấp thông tin tham khảo phục vụ thiết thực quá trình thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật này trong thời gian tới.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/gop-y-du-thao-luat-cong-doan-sua-doi-i364549/