Góp ý dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quặng tinh cromit

Đứng trước yêu cầu về thực tế, Bộ Công Thương đã giao cho VIMLUKI thực hiện nhiệm vụ 'Nghiên cứu soát xét Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật'.

Quặng tinh cromit được sử dụng chủ yếu trong ngành luyện kim, là nguyên liệu chính để sản xuất ferocrom (FeCr)

Quặng tinh cromit được sử dụng chủ yếu trong ngành luyện kim, là nguyên liệu chính để sản xuất ferocrom (FeCr)

Mới đây, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Góp ý dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN xxxx:2023 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật”.

Theo Viện trưởng VIMLUKI Đào Duy Anh, năm 1987, Việt Nam đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, cũng như áp dụng trong sản xuất. Tuy nhiên từ năm 1987 đến nay, thời gian rất dài. Với tình hình đặc điểm tài nguyên khan hiếm, cũng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành sử dụng quặng tinh cromit. Đứng trước yêu cầu về thực tế, Bộ Công Thương đã giao cho VIMLUKI thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu soát xét Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật”.

“Thông qua buổi hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến, đóng góp xác thực của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ cũng như những đơn vị quản lý, doanh nghiệp. Những ý kiến này sẽ góp phần đóng góp cho một tiêu chuẩn quốc gia sau khi ban hành, sẽ là công cụ quản lý nhà nước cũng như quản lý sản xuất kinh doanh, phục vụ thương mại của sản phẩm này.” - TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng VIMLUKI nhấn mạnh.

ThS. Phạm Đức Phong, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, quặng tinh cromit được sử dụng chủ yếu trong ngành luyện kim, là nguyên liệu chính để sản xuất ferocrom (FeCr). Ngoài ra, quặng tinh cromit còn là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gạch chịu lửa bao gồm: Gạch crom, gạch magie - crom, cát đúc crom. Trong công nghiệp hóa học, các hợp chất crom được sử dụng để sản xuất pigment làm chất tạo màu cho sơn, thủy tinh và đá quý nhân tạo. Muối crom dùng trong công nghệ mạ kim loại và các bề mặt vật liệu nhân tạo. Ngoài ra các hợp chất crom còn dùng trong lĩnh vực thuộc da, nhuộm, tẩy, khoan, mài, làm chất chống ăn mòn...

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và nhu cầu sử dụng, chất lượng sản phẩm quặng tinh cromit phải phù hợp yêu cầu nguyên liệu cho khâu chế biến sâu cũng như đáp ứng thị trường tiêu thụ. Do đó, công tác xây dựng, soát xét tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu chất lượng quặng tinh cromit nhằm phục vụ công tác quản lý về chế biến khoáng sản, xây dựng được quy định về đặc tính kỹ thuật để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Đồng thời là cơ sở để các doanh nghiệp khai thác, chế biến cromit sản xuất các dòng sản phẩm quặng tinh cromit phù hợp với mục đích sử dụng của thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới, từ đó định hướng công nghệ, đổi mới trang thiết bị sản xuất hướng tới mục tiêu tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản cromit tại Việt Nam.

Theo ThS. Phạm Đức Phong – Chủ nhiệm đề tài, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật, được ban hành năm 1987, so với nền khoa học công nghệ và thực trạng nguồn nguyên liệu hiện nay, một số yêu cầu kỹ thuật chưa phù hợp cần được soát xét, chỉnh sửa và bổ sung.

Để thực hiện các mục tiêu trên, nhóm đã nghiên cứu tổng quan tiêu chuẩn của các nước trên thế giới về yêu cầu kỹ thuật đối với quặng tinh crômit. Đồng thời, nhóm đã tiến hành đánh giá thực trạng các dây chuyền công nghệ tuyển, chất lượng sản phẩm và nhu cầu sử dụng quặng tinh cromit trong nước và trên thế giới hiện nay. Cùng với đó, tiến hành rà soát, soát xét và đánh giá những bất cập tồn tại của TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - Yêu cầu kỹ thuật và nghiên cứu sửa đổi bổ sung các yêu cầu kỹ thuật của quặng tinh cromit để đảm bảo với trình độ khoa học công nghệ hiện tại.

Đến nay, đề tài đang dần đi đến thời gian hoàn thành, nhóm nghiên cứu đã đưa ra bản Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi TCVN xxxx : 2023 Quặng tinh cromit - Yêu cầu kỹ thuật.

Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Đào Duy Anh đã tổng kết lại những ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Viện trưởng VIMLUKI đánh giá nhóm nghiên cứu đã bám sát nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đó đã có tổng quan tiêu chuẩn của các nước trên thế giới về yêu cầu kỹ thuật đối với quặng tinh crômit; đưa ra các đánh giá thực trạng dây chuyền công nghệ tuyển, chất lượng sản phẩm và nhu cầu sử dụng quặng tinh cromit trong nước và trên thế giới hiện nay, đồng thời đề ra được những tiêu chuẩn cho Dự thảo.

Tuy nhiên, TS. Đào Duy Anh đề nghị dựa trên những ý kiến đóng góp, nhóm nghiên cứu cần tuân thủ quy cách của một TCVN, viết đúng quy cách, các số liệu, từ ngữ đã đưa vào tiêu chuẩn phải đúng, sử dụng từ ngữ đúng chuyên ngành, trích dẫn đầy đủ, đúng tài liệu gốc. Từ đó, nhóm nghiên cứu chỉnh sửa báo cáo tổng kết cũng như Dự thảo để có một sản phẩm tốt nhất trình Bộ Công Thương.

Đề tài nghiên cứu cấp Bộ Công Thương “Nghiên cứu soát xét Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2726:1987 quặng tinh cromit - yêu cầu kỹ thuật" do ThS. Phạm Đức Phong, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim làm chủ nhiệm, được thực hiện từ tháng 8/2022 đến 6/2023.

Để xây dựng được các yêu cầu kỹ thuật, từ tháng 8/2022, nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu các sở cứ như: Các thông tư, quy định quản lý của nhà nước đối với sản phẩm quặng tinh cromit; Tổng hợp, phân tích các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật trong nước và quốc tế, tài liệu kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu liên quan, thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm quặng tinh cromit; Để đảm bảo tính ứng dụng và thực tiễn; Sử dụng các ý kiến của các chuyên gia tư vấn trong quá trình biên soạn, hoàn thiện Dự thảo và Thuyết minh dự thảo TCVN…

Dựa trên các nội dung nghiên cứu, nhóm đã tổng hợp rà soát TCVN 2726:1987 đối sánh với Dự thảo TCVN xxxx:2023 trên các tiêu chí như: Tên tiêu chuẩn; Bố cục nội dung; Phạm vi áp dụng; Tài liệu viện dẫn; Phân loại; Yêu cầu kỹ thuật; Phương pháp thử/ Phương pháp phân tích; Bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản; Bảo quản… Bảng đối sánh này là căn cứ để nhóm đưa ra các kết luận phục vụ đề tài.

Quặng cromit Việt Nam tập trung chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa dưới hai dạng thành tạo gồm quặng sa khoáng tại vùng Bãi Áng và Cổ Định; quặng gốc tại vùng Núi Nưa và Làng Mun. Tổng trữ lượng quặng cromit được xác định vào khoảng 25 triệu tấn thuộc loại mỏ trữ lượng lớn theo phân loại mỏ quốc tế, trong đó riêng mỏ Cổ Định có trữ lượng khoảng 20 triệu tấn quặng cromit, 3 triệu tấn kim loại niken, 300 ngàn tấn kim loại coban và hàng triệu tấn bentonit.

Crom, niken và coban là những nguyên tố kim loại có nhiều đặc tính quí, được sử dụng để sản xuất các loại thép hợp kim có tính năng đặc biệt như bền, dẻo, chịu nhiệt độ, mài mòn, chịu axít, có điện trở cao, được sử dụng phổ biến trong công nghiệp chế tạo máy, hàng không, kỹ thuật tên lửa, kỹ thuật điện, làm phụ gia trong công nghiệp hóa chất…; Bentonit với nhiều đặc tính quý được sử dụng rộng rãi trong công nghệ khoan, xây dựng.

Bentonit có tác dụng giữ ổn định kích thước của lỗ khoan và vết cắt, hạn chế tình trạng sạt lở thành hố khoan trong quá trình thi công và hạ lồng thép, đổ bê tông. Ngoài ra, do cố định độ nhớt và tính nở cao nên bentonit còn được sử dụng để tạo các bức vách cô lập vùng đất bị ô nhiễm môi trường và đảm bảo hệ thống dự trữ nước.

Nguyễn My

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gop-y-du-thao-tieu-chuan-quoc-gia-ve-quang-tinh-cromit-104472.htm