Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ngày 16/9, tại thành phố Hạ Long, Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo hoàn thiện Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chủ trì Hội thảo.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Ngô Trung Thành và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định: Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022. Để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 dự kiến được tổ chức vào tháng 10/2022, hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến của các nhà chuyên gia, lãnh đạo tổng cục, cục, sở, ngành có liên quan đảm bảo cho Dự thảo Luật Thanh tra trình Quốc hội sẽ được thông qua một cách suôn sẻ. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào những nội dung lớn còn nhiều ý kiến như: Thanh tra tổng cục và cục; thanh tra sở; quy trình thanh tra... đảm bảo Luật sau khi ban hành phải đi được vào thực tiễn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tiếp tục củng cố hành lang pháp lý trong hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tỉnh đã tích cực trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung của Nhà nước, trong đó có Luật Thanh tra; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn công tác, tổ biên tập của Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. Nhiều ý kiến của Quảng Ninh đã được Quốc hội xem xét, tiếp nhận trong quy trình thảo luận xây dựng dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, qua quá trình thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo luật tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, góp ý nhiều vấn đề trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) như: Thẩm quyền của thanh tra Bộ đối với những lĩnh vực đã phân cấp; sự cần thiết phải thành lập thanh tra ở cấp bậc; vị trí, chức năng của thanh tra Bộ...

Qua nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết: Những đóng góp của các đại biểu rất thực tế, gợi mở cho Ban soạn thảo những khía cạnh cần lưu ý, tiếp thu, chỉnh sửa. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ đạt chất lượng cao nhất.

Tin, ảnh: Văn Đức (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/gop-y-hoan-thien-du-thao-luat-thanh-tra-sua-doi-20220916133016571.htm