Góp ý về việc biên tập sách giáo khoa

Việc biên soạn một bộ sách giáo khoa có chất lượng đang là điều mà nhiều người quan tâm hiện nay. Nhân đây, chúng tôi có một số ý góp cho việc biên tập ở một bộ phận của sách giáo khoa phổ thông đã được tái bản nhiều lần mà chúng tôi quan tâm tới.

Đó là những bài văn dịch phần văn học từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XXI, rải rác trong sách Ngữ văn từ lớp 7 đến lớp 11 như: “Sông núi nước Nam”, “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sỹ”, “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”, “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Phú sông Bạch Đằng”, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (trích văn bia khoa Nhâm Tuất); “Đại cáo Bình Ngô”, “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn”, “Trần Thủ Độ” …

Ở đây chúng tôi chỉ nói tới điều cần chú ý trong biên tập phần dịch nghĩa và chú giải khi sử dụng bản dịch của các tác phẩm này. Các bản dịch được lựa chọn đưa vào trong sách, phần lớn đều của các dịch giả - những học giả có uy tín. Tuy nhiên với nhiều lý do và trở ngại khác nhau, khó có thể có được một bản dịch lần đầu mà không có chỗ nào sai sót. Vì vậy, những bản dịch trên, có những chỗ cần được bổ sung hoàn thiện cũng là điều bình thường.

Sau đây chúng tôi xin nêu ra một vài ví dụ. Các ví dụ này chỉ nêu ra ý chưa đúng trong dịch nghĩa và chú giải mà không phân tích dẫn luận được thật đầy đủ do khuôn khổ của một bài báo. Nếu cần xin được trao đổi cụ thể chi tiết kĩ hơn sau này.

- Trong bài "Chiếu dời đô", nguyên văn cụm từ chữ Hán: "Vi vạn thế đế vương chi thượng đô". Từ "thượng đô" được dịch là "Kinh đô bậc nhất" (một số bản dịch khác cũng dịch như vậy hoặc dịch là "Kinh đô bậc ưu"). Nhưng từ "thượng đô" không mang nghĩa đó, mà "thượng đô" ở đây theo nghĩa là đô thị đầu não, nơi đặt cung thất của triều đình, mang nghĩa là "thủ đô" theo cách nói ngày nay. "Thượng đô" được xem là đối lại với "bồi đô", "hạ đô" (cổ đại đối bồi đô, hạ đô nhi ngôn, xưng thủ đô vi thượng đô). Nghĩa của từ này cũng ghi rõ trong các từ điển lớn là: Kinh đô (thượng đô: kinh đô dã). Với nghĩa đó hiểu rằng Lý Thái Tổ nói: Thành Đại La (sau này là Thăng Long) là nơi trung tâm có thể đặt kinh đô được, mà không có ý phân biệt đẳng cấp cao thấp, ưu thứ.

Cụm từ "Rồng cuộn hổ ngồi" dịch từ "Long bàn hổ cứ". Trong phần chú thích của sách có ghi: "Được coi là thế đất đẹp, sẽ phát triển thịnh vượng". "Rồng cuộn hổ ngồi" theo quan niệm xưa được coi là nơi xung yếu, là nơi đóng đô của bậc đế vương, mà không mang biểu tượng như diễn giải trong chú thích trên.

Gia Cát Lượng khi khảo Kim Lăng đã từng nhận xét: Thế đất ở đây có "Chung Sơn long bàn, Thạch Đầu hổ cứ, thử đế vương chi trạch" (Chung Sơn hình rồng cuộn, Thạch Đầu dáng hổ ngồi đây chính là nơi ở của bậc đế vương). Lý Bạch cũng có câu "Long bàn hổ cứ đế vương châu" (Rồng cuộn hổ ngồi là chốn của bậc đế vương). Về sau trở thành điển tích của biểu tượng trên. Bài "Kim Lăng điếu cổ" có trong "Quốc văn trích diễm" của Dương Quảng Hàm cũng nói đến biểu tượng này. Vậy "rồng cuộn hổ ngồi" chỉ là biểu tượng cho nơi đất ở của bậc đế vương, không mang biểu tượng chung là nơi đất đẹp, phát triển thịnh vượng.

- Trong bài "Hịch tướng sỹ", lời dịch: "Tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai", từ câu "Dâm thanh bất túc dĩ lung lỗ nhĩ". Từ "dâm thanh" có thể dịch thoát là "tiếng hát". Nhưng dịch là "tiếng hát hay" thì ngược nghĩa. Chúng tôi chưa tìm thấy trong từ điển nào chú giải "dâm thanh" là "tiếng hát hay". Trong đại từ điển giải thích là "thứ nhạc dâm tà" (dâm tà đích nhạc thanh). Ở một từ điển khác được xem là thứ nhạc "bậc quân tử không đáng nghe" (quân tử phất thính). Xưa kia coi nhã nhạc là "chính thanh", tục nhạc là "dâm thanh". Vậy nên bản dịch trong “Đại Việt sử ký toàn thư” xuất bản năm 1971 của dịch giả Cao Huy Giu, GS. Đào Duy Anh hiệu đính dịch là: "Hát nhảm không thể điếc tai giặc" là đúng nghĩa.

Trong phần chú thích, từ "quân trưởng" giải thích là: "Chức quan trên ở trong quân đội", nhưng đó phải là chữ "quân" bộ "miên". Còn trong văn bản ở đây là chữ "quân' bộ "khẩu" mang nghĩa là: Vua và các quan đại thần (quốc quân dữ khanh đại phu) không phải chỉ riêng trong quân đội. Cụm từ này Ngô Tất Tố đã dịch là: "Vua chúa giống Thát".

- Trong bài "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh", theo chúng tôi bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến mà sách sử dụng là bản dịch hay, tuy nhiên đôi chỗ còn xa ý của nguyên bản và có chỗ còn bỏ sót, chẳng hạn dịch giả đã không dịch cụm từ "Tiêu Nghê Vân Lâm huyền nhai" (cheo veo giống như ở nơi ven núi đầm Vân Mộng nước Ngô) cũng có thể dịch giả lược đi. Nhưng dù lược đi, bỏ sót, hoăc tra cứu không kịp cũng không hay cho đoạn văn này.

- Trong bài "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" (trích đoạn văn bia khoa Nhâm Tuất), đoạn văn "... có nhiều người đã đem văn học, chính sự ra tô điểm cho cảnh trị bình suốt mấy chục năm, được quốc gia tin dùng". Từ "tô điểm" ở đây được dịch nghĩa của từ "phủ phất". Nhưng từ này còn có nghĩa là "Phụ giúp" (được dẫn luận trong "Khất xảo văn" của Liễu Tông Nguyên). Nghĩa này mới hợp với văn cảnh ở đây. Những kẻ sỹ được đào tạo công phu, được đãi ngộ như vậy, được quý chuộng không biết thế nào là cùng nhưng chỉ đem tài cán, nhiệt huyết ra "tô điểm" cho cảnh trị bình giông như tô điểm "hoa văn trên xiêm áo" (y thường hội tú chi văn) thì thật không xứng. Rõ ràng phải đem tài trí ra phụ giúp làm rạng rỡ cảnh trị bình mới hợp với ý ở đây.

- Với bài "Đại cáo Bình Ngô", đã được rất nhiều dịch giả dịch, tuy nhiên cũng còn một số chỗ rất cần được xem xét lại.

Câu chữ Hán "Khoảnh nhân Hồ chinh chi phiền hà" được dịch là "Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà". Từ "phiền hà" phiên nghĩa theo phiên âm như vậy dễ để người ta hiểu theo nghĩa là "làm rầy rà, rắc rối, gây khó dễ cho người khác" giống như trong Từ điển tiếng Việt giải thích. Từ "phiền hà" trong cổ văn đồng nghĩa với "hà chính", nghĩa là "chính sự hà khắc, tàn bạo" ("Hà chính mãnh ư hổ" - "Chính sự hà khắc hung ác hơn hổ" - Sách Lễ ký).

Trong cụm từ "...chinh dao trọng khốn" với lời dịch: "Nặng nề những nỗi phu phen" là thiếu ý của cặp từ này. "Chinh dao" phải được hiểu là: "Thuế khóa và phu dịch" (phú thuế dữ dao dịch) phản ảnh đủ hai mặt nỗi thống khổ của dân khi đó, chứ không chỉ riêng là phu dịch (phu phen).

Câu "Nhị thập bát nhật thượng thư Lý Khánh kế cùng nhi vẫn thủ" được dịch là "Ngày 28 thượng thư Lý Khánh cùng kế mà tự vẫn". Ở đây cần chú ý hai chữ "vẫn thủ", xin được nêu rõ: theo bản của “Đại Việt sử ký toàn thư” (bản Chính Hòa - 1697), "vẫn thủ" được chép là “ ; Theo bản "Hoàng Việt văn tuyển" của Bùi Huy Bích được chép là " ". Từ "vẫn thủ" có tự dạng " " phải được hiểu là "mất đầu" ( : vẫn: mất; rụng) vậy ngày 28 tướng giặc trên bị mất đầu (không phải là tự vẫn). Còn "vẫn thủ" có tự dạng " " là không rõ nghĩa, nếu không muốn nói là không có nghĩa. Vì rằng riêng chữ " " (vẫn) đã có nghĩa là tự vẫn, chữ " " (thủ) đứng sau sẽ không có nghĩa nữa. Phải chăng vì đồng âm mà trong "Hoàng Việt văn tuyển" đã chép nhầm. Phần trên của “Đại Việt sử ký” toàn thư cũng chỉ nói thượng thư Lý Khánh chết mà không nói gì thêm. Trong sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" (có sau các sách trên) có nói tướng giặc trên tự vẫn nhưng không có sử liệu để chứng minh. Nên theo đúng bản Chính Hòa - 1697 thì câu trên phải hiểu là "Ngày 28 thượng thư Lý Khánh kế cùng bị mất đầu". Phải chăng tướng giặc đã bị quân ta chém đầu, chứ không phải tự vẫn như cách hiểu lâu nay.

Về lời dịch: "Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày", "Thành Đan Xá thây chất thành núi", đó cũng là lời dịch không chính xác; đã được một nhà nghiên cứu nói đến trong một tập san chuyên ngành, nên chúng tôi không diễn giải lại ở đây.

- Trong bài "Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn" lời dịch đoạn văn Trần Hưng Đạo nói với vua Trần Anh Tông: "Nếu nó tiến quân chậm như tằm ăn, không cần của dân, không cầu thắng chóng ..." đã dịch thiếu cụm từ "không cần của dân" (bất vụ dân tài).

- Trong bài "Thái sư Trần Thủ Độ" câu: "Thái Tông từng muốn cho anh của Thủ Độ là An Quốc làm tướng". Đúng ra phải là: "... làm tướng quốc". Vì quan chể triều Trần lúc đó chức tể tướng (quan đầu triều) có tả hữu tướng quốc, nếu cả hai anh em cùng giữ vị trí chủ chốt ấy thì khó điều hành chính sự. Còn nếu chỉ làm tướng như các tướng khác trong triều thì không phải là điều đáng nói.

Trên đây chúng tôi chỉ nêu lên một số chi tiết làm ví dụ gợi ý để các soạn giả xem xét biên tập lại, để có một bản sách hoàn chỉnh hơn. Chúng tôi cũng cho rằng không nên "trầm trọng hóa" những sai sót có thể xảy ra, nhưng rất cần biên tập kĩ lưỡng để bản sách được tốt hơn.

Ngày 28 tháng 11 năm 2020

Trần Quốc Tường

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/gop-y-ve-viec-bien-tap-sach-giao-khoa-622177/