Góp ý xây dựng, đừng vội 'ném đá'

Quá nhiều người đang vào vai những thẩm phán, chuyên gia, nhà ngôn ngữ học trên mạng xã hội.

Trong phiên họp HĐND TP HCM mới đây, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM có đề xuất trang bị lu cho người dân chống ngập đã tạo ra “bão” mạng những ngày qua.

Nhiều người cho rằng là đề xuất hài hước, không khả thi, chê bai thậm tệ, thậm chí đã phản ứng gây gắt và “ném đá” trên cộng đồng mạng. Phải chăng tình trạng này đã trở nên phổ biến, bình thường?

Trước đó, không ít cá nhân đã bị dư luận hùa nhau “ném đá”. Như vụ việc PGS.TS Bùi Hiền về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt, GS Hồ Ngọc Đại đề xuất cách dạy học theo phương pháp công nghệ giáo dục…

Nhiều người “ném đá” lắm khi chưa cần biết các đề xuất đưa ra có những điểm nào hay dở, tốt xấu nhưng vội vàng sử dụng ngôn ngữ không thích hợp để phê phán như thể hiện bản thân mình đúng và thông thái hơn ai hết. Dù các đề xuất được đưa ra từ những người có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư và phó giáo sư đã có những thành tựu đóng góp nhất định cho xã hội, khoa học, giáo dục nước nhà.

Tình trạng “ném đá” dễ thấy nhất trong bóng đá, khi đội tuyển thắng lợi thì hết lời tung hô từ các cầu thủ đến huấn luyện viên với những ngôn ngữ bay bổng, khi thua trận thì cầu thủ và huấn luyện viên thường bị chê bai với lời lẽ khó nghe hoặc thậm chí còn bị đả kích tinh thần.

Trở lại câu chuyện “ném đá” đại biểu HĐND TP HCM Phan Thị Hồng Xuân, hãy thử suy xét tìm hiểu nguyên nhân ngập nước nào là mưa, triều cường, lún nền đất hay còn gọi lún địa hình. Mà lún địa hình được xác định phần lớn bởi khai thác nước ngầm quá mức.

Khai thác nước ngầm phục vụ hoạt động cho con người. Trữ nước mưa sử dụng thì ít nhiều cũng giúp giảm bớt lượng nước đổ ra cùng lúc, tận dụng nước mưa thay vì khai thác nước ngầm sử dụng cũng hạn chế lún địa hình nền đất.

Ngập nước tại thành phố bởi nhiều nguyên nhân, cần nhiều giải pháp và cách thức nhằm góp phần giảm ngập, chứ đâu chỉ là làm dự án ngàn tỉ và bơm hút. Dù gì cũng không nên xúc phạm đời tư cá nhân.

Phản biện, góp ý xây dựng nhằm làm rõ vấn đề hay sự việc nào đó là rất đáng quý. Tuy nhiên, nhiều người dùng mạng xã hội lại bị cuốn vào những tranh luận “lâu đến hồi kết”, "vùi dập" người khác để thỏa mãn tính hiếu thắng của mình khi chưa biết rõ điều đó đúng hay sai đã vội vã lên tiếng thể hiện quan điểm cá nhân. Một người chỉ trích, hàng trăm người theo dõi và có không ít người hưởng ứng rồi bàn cãi, tranh luận...

Quá nhiều người đang vào vai những thẩm phán, chuyên gia, nhà ngôn ngữ học trên mạng xã hội. Phải chăng xuất phát từ bản thân người dùng mạng xã hội chạy theo đám đông hay tạo ra các chủ đề gây tranh luận, hoặc vô tình bị cuốn vào vòng xoáy dư luận những vấn đề “nóng” xung quanh.

Mỗi người có quyền nêu ý kiến nhận xét, nhưng quan trọng cử chỉ và ngôn ngữ như thế nào để hướng đến sự tích cực chứ không nên phản ứng bằng cách xúc phạm, chửi bởi, mắng mỏ.

Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trên mạng xã hội cũng giống ngoài đời thực, phản biện hay góp ý trên tinh thần xây dựng thể sự văn minh và ngược lại thì xã hội đó sẽ khó phát triển theo hướng tốt lên được. Thay vì phán xét con người, công kích cá nhân thì hãy tranh luận với ý kiến hoặc vấn đề nêu ra.

Đừng vội bất bình với ai đó nghĩ khác, nói khác, làm khác những điều mình hiểu, mình biết Nên chăng, trước khi đặt tay gõ bàn phím, mỗi người hãy cân nhắc và tìm hiểu thông tin để có phản hồi tích cực.

Hoặc có thể tự đặt câu hỏi: Ý kiến mình nêu ra có giúp được gì không hay chỉ hùa theo? Có gây tổn thương cho ai? Hãy ứng xử, truyền đi thông điệp sao cho tạo hình ảnh tốt trên mạng xã hội. Muốn thể hiện quan điểm trước vấn đề hay sự việc nào đó, góp ý trên tinh thần xây dựng, đừng hùa theo đám đông “ném đá” hay dùng những ngôn ngữ xấu xí. Đó cũng là góp phần xây dựng cuộc sống, con người tử tế.

Trần Văn Trãi (4 Nhà phố Rio Vista, Dương Đình Hội, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM)

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dien-dan-nguoi-viet-tu-te-gop-y-xay-dung-dung-voi-nem-da-154099.html