“Gột hồ”, sao không hiệu quả?

(HQ Online)- Có thể thấy AEC không còn là câu chuyện của tương lai nữa mà đã là vấn đề hiện hữu của ngày hôm nay. Chúng ta cứ nói mãi, nói nhiều đến vai trò, sự chủ động chuẩn bị, hội nhập của DN trước thách thức mới này. Tuy nhiên để làm nên chuyện, chỉ một mình DN là chưa đủ.

Câu chuyện của một chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu vừa diễn ra cuối tuần qua làm không ít người giật mình khi vị này kể về chuyến đi gần đây nhất của ông tại Lào. Trên các phố phường nước bạn, băng rôn tuyên truyền về AEC đã giăng khắp. Trên chương trình truyền hình, hàng tuần có chuyên đề về các vấn đề hội nhập… Giật mình “ngoảng lại” công tác tuyên truyền không chỉ của một AEC mà còn những TPP, WTO… của Việt Nam, vị chuyên gia thực sự lo lắng cho sức cạnh tranh của nước nhà.

Trong câu chuyện này, có thể nhận thấy ngay rằng, đối tượng chính chịu sự tác động của hội nhập là DN sẽ chịu thiệt thòi lớn nhất khi chậm nắm bắt những thông tin hữu ích, cần thiết của việc tuyền tải thông tin chính thức, chính xác về AEC.

Vấn đề thứ hai, nếu việc tuyên truyền diễn ra chậm chạp cũng có nghĩa là chính các cơ quan hữu quan cũng chưa nắm bắt đầy đủ, cập nhật những thách thức mà AEC mang lại. Từ đó, không có thông tin ban đầu cho DN biết để nắm bắt chứ chưa nói đến những thông tin hỗ trợ, định hướng, phân tích, khuyến cáo.

Thứ ba, trong bất cứ một cuộc hội nhập nào, không thể thiếu được vị trí của người tiêu dùng, người dân, đặc biệt đối với AEC, một sự kiện dự kiến sẽ tạo bước ngoặt trong thói quen tiêu dùng của người dân. Với một cuộc khảo sát bỏ túi của người viết bài này, không có người tiêu dùng, bà nội trợ nào hiểu AEC là gì, càng không hiểu AEC mang lại cơ hội gì cho họ nhưng với câu hỏi “trực diện” hơn “Nếu hàng Thái Lan tràn ngập thị trường Việt Nam, anh/chị có thích không?”, 100% người được hỏi đều bảo rằng “tốt quá”.

Vậy câu hỏi đặt ra là, DN Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào, sẽ hội nhập ra sao khi có quá nhiều yếu tố bất lợi như vậy?

Xâu chuỗi lại cả một quá trình về những hiệp định quốc tế được hình thành trong thời gian vừa qua, khách quan mà nói DN Việt đã chịu “thiệt thòi” khi không được tiếp cận, cập nhật thông tin một cách chủ động, có sự chuẩn bị mà chỉ đến khi hiệp định chính thức được ký kết, nhiều DN mới “vỡ” về những quy chuẩn mới được hình thành. Đã đành Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ DN và những khuyến cáo DN cần tự cứu mình cũng như chủ động tham gia trong quá trình tham vấn chính sách, nhưng những yêu cầu hội nhập sẽ không đạt được kết quả cuối cùng một khi yếu tố ban đầu là tiếp cận thông tin chính xác chưa có. Bởi ai cũng hiểu một nhẽ “có bột mới gột nên hồ”.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/got-ho--sao-khong-hieu-qua.aspx