GPMB cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Vướng nhiều nhất ở Xuân Lộc

Tiến độ bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đang bị chậm so với yêu cầu dự án.

Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sáng 11/9.

Quang cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sáng 11/9.

Sáng 11/9, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cải tạo nâng cấp các công trình đường sắt qua địa bàn tỉnh.

Mọi thứ đang chậm, có thể ảnh hưởng dự án

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ QL1 đi Mỹ Thạnh (Phan Thiết, Bình Thuận). Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tuyến cao tốc có tổng chiều dài khoảng 99km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km. Hiện nay vướng mắc mặt bằng nhiều nhất vẫn tập trung ở huyện Xuân Lộc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng trên địa bàn tỉnh đang triển khai rất nhiều dự án cao tốc, là đại công trường các dự án trọng điểm quốc gia nên khối lượng GPMB rất lớn.

Đối với công tác bàn giao mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các huyện, thành phố và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên qua báo cáo của địa phương, của Ban QLDA thì đến nay diện tích đất cần thu hồi đã bàn giao chỉ được 86% và giải ngân hơn 87%, việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn còn chậm, đặc biệt là tuyến qua địa bàn huyện Xuân Lộc.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra hiện trường công tác giải phóng mặt bằng tại điểm đấu nối giữa tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây chiều 10/9.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Khi ký hợp đồng với các nhà thầu làm dự án cao tốc, đều có điều khoản sẽ phạt các nhà thầu chậm tiến độ. Chính vì thế việc bàn giao mặt bằng sạch là tiền đề quan trọng để dự án cao tốc về đích đúng kế hoạch và hợp đồng.

Do đó địa phương cần phải sớm chốt thời gian bàn giao và di dời hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, ngoài việc đảm bảo có mặt bằng thi công còn là đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn. "Phần diện tích mặt bằng còn lại không nhiều, đề nghị tỉnh chỉ đạo các huyện sớm đẩy nhanh công tác tái định cư dự án đường cao tốc và các dự án cải tạo nâng cấp của ngành đường sắt qua địa bàn tỉnh", ông Đông yêu cầu.

“Giao Ban QLDA phối hợp chặt chẽ với các địa phương cần rà soát, lên sơ đồ chi tiết những vị trí mặt bằng sạch, những vị trí còn vướng để sớm tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng và thực hiện nhanh việc di dời hạ tầng kỹ thuật. Cuối tháng 9 này sẽ tổ chức lễ khởi công dự án. Thời gian còn lại rất ít nên cần sớm triển khai nhanh và xác định rõ thời gian bàn giao để nhà thầu sớm có mặt bằng thi công”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Chưa thi công khu tái định cư

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, đây là công trình trọng điểm quốc gia nên công tác bàn giao mặt bằng phải sớm được hoàn thành thật nhanh trong thời gian tới. Ông yêu cầu các địa phương rà soát chi tiết các vướng mắc về khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân giải quyết theo các khung chính sách đúng quy định.

"Các vướng mắc còn lại về mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật thì các huyện và Sở, ngành cần rà soát và báo cáo lãnh đạo tỉnh trong tháng 9 đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công", ông Vĩnh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai báo cáo tiến độ GPMB tuyến cao tốc,

Trước đó, báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, huyện Xuân Lộc có số hộ gia đình và đơn vị ảnh hưởng bởi dự án là 873 hộ, đơn vị; diện tích thu hồi khoảng 235ha..

Đến nay, huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 763 hộ gia đình, cá nhân. Trong đó 590 trường hợp đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng với tổng số tiền là 741 tỷ đồng. Còn lại hơn 30 hộ thuộc huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ chưa nhận tiền đền bù và khiếu nại, kiến nghị về giá đất, hỗ trợ đền bù và các huyện đang tiếp tục vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết huyện đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để bàn giao diện tích đất thu hồi còn lại. Huyện đang lập phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và kiến nghị Bộ GTVT bố trí thêm kinh phí bồi thường theo kế hoạch vốn năm 2020 để tiếp tục chi trả bồi thường và xây dựng khu tái định cư.

Theo Ban QLDA Thăng Long, tính đến ngày 7/9, tổng khối lượng đã bàn giao mặt bằng toàn tuyến đạt 87,87Km/99Km (gần 90%). Trong đó tỉnh Bình Thuận được 43,6/47,67km, (91,5%). Tỉnh Đồng Nai bàn giao 44,07km/51,33km, (đạt 86%).

Trước đó chiều 10/9, đoàn công tác của Bộ GTVT đã đi khảo sát công tác bàn giao mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Qua kiểm tra hiện trường, lãnh đạo UBND huyện Xuân Lộc báo cáo còn khoảng 7km chưa được bàn giao và khu tái định cư chưa thi công nên chưa thể bố trí tái định cư cho người dân,

Một số hình ảnh PV ghi nhận lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra hiện trường tuyến Phan Thiết - Dầu Giây:

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra hiện trường tại vị trí một nút giao cao tốc sẽ triển khai qua huyện Hàm Tân (Bình Thuận).

Một vị trí được bàn giao mặt bằng sạch qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).

Một khu đất trồng cây cao su đã được đốn hạ để bàn giao mặt bằng.

Trước đó trong tháng 8 nhiều hộ dân huyện Xuân Lộc sau khi nhận được tiền đền bù đã cưa hạ cây ăn trái, điều, cao su để giao mặt bằng thi công cao tốc. Trong ảnh một công nhân cưa hạ cây điều trong phạm vi tuyến cao tốc vào đầu tháng 9.

UBND huyện Xuân Lộc đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đền bù giải tỏa để sớm bàn giao đất thu hồi còn lại.

Vĩnh Phú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gpmb-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-vuong-nhieu-nhat-o-xuan-loc-d478916.html