Grab bắt đầu đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất

Grab đang bắt đầu đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất từ trước tới nay khi thị trường giao đồ ăn và gọi xe công nghệ trong khu vực ngày càng cạnh tranh...

Theo báo cáo từ trang tin Bloomberg, ứng dụng gọi xe công nghệ Grab có trụ sở tại Singapore thông báo sẽ sa thải hơn 10.000 nhân viên, tức khoảng 11% lực lượng lao động của hãng. Đây được xem là đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất của Grab kể từ sau đại dịch COVID-19.

Động thái này đồng nghĩa với việc đợt sa thải sắp tới của Grab có thể có quy mô lớn hơn cả đợt cắt giảm năm 2020, thời điểm đó, công ty này đã sa thải khoảng 5% tổng lực lượng lao động, tương đương 360 nhân viên, để hướng tới mục tiêu có lãi.

Đợt sa thải sắp tới của Grab có thể có quy mô lớn hơn cả đợt cắt giảm năm 2020. Ảnh minh họa

CEO kiêm nhà đồng sáng lập Grab Anthony Tan cũng đã từng nói với các nhân viên trong một email rằng công ty sẽ đóng băng tuyển dụng và ngừng tăng lương cho các vị trí quản lý.

Trong báo cáo tài chính quý I vừa qua, doanh thu của Grab đã tăng 130% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 525 triệu USD nhờ tăng trưởng trên tất cả phân khúc. Dù vậy, hãng gọi xe này vẫn chưa đạt được lợi nhuận do chi tiêu đè nặng lên doanh thu.

Kể từ khi IPO vào cuối năm 2021, cổ phiếu của Grab đã giảm khoảng 70%. Grab đang chịu áp lực lớn từ nhà đầu tư là phải có lãi nhanh.

"Các công ty công nghệ đang chịu sức ép lớn trong việc kêu gọi vốn và cùng với đó là sinh lời từ hoạt động kinh doanh. Grab chỉ là một trong số rất nhiều các công ty công nghệ toàn cầu đã phải áp dụng các biện pháp cắt giảm nhân sự cực kỳ khắc nghiệt", ông Nirgunan Tiruchelvam, Trưởng bộ phận Tiêu dùng và Internet tại Aletheia Capital, cho biết.

Trước đó, Grab cũng đã cố gắng đi ngược xu hướng này bằng cách cắt giảm chi phí vận hành thay vì cắt giảm con người, cho đến thời điểm hiện tại. Các đối thủ khác trong khu vực Đông Nam Á là GoTo Group (công ty mẹ của Gojek) và Sea (công ty mẹ của Shopee) đã cắt giảm lao động nhiều lần để duy trì tinh thần vững chắc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn.

"Lợi thế lớn nhất giúp Grab có thể vực dậy nhanh chóng đó là thị phần. Ở mỗi lĩnh vực hoạt động của mình, Grab đều có thị phần rất lớn, thậm chí gấp đôi so với đối thủ của mình. Đây là yếu tố giúp công ty này có được thế chủ động trong nền kinh tế số của Đông Nam Á", ông Nirgunan Tiruchelvam, Trưởng bộ phận Tiêu dùng và Internet tại Aletheia Capital, nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù các công ty cắt giảm nhân sự, nhưng một khi khó khăn qua đi, ngành công nghệ là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng cho lao động nhất và đà tuyển dụng cũng sẽ quay trở lại.

9 năm Grab Việt Nam chưa từng nộp thuế TNDN

Tại họp báo thường kỳ quý 2/2023 tổ chức ngày 16/6, ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab.

Chỉ đạo này diễn ra sau khi có dư luận trái chiều về thông tin Công ty TNHH Grab - đơn vị vận hành Grab Việt Nam đến nay vẫn chưa phải nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Vũ Chí Hùng khẳng định, Bộ Tài chính và ngành thuế luôn quan tâm công tác chống chuyển giá để ngăn thất thu thuế. Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức tự khai tự nộp.

Theo Báo Đầu tư Chứng khoán, với khoản lỗ lũy kế lên tới 4.036 tỷ đồng, Công ty TNHH Grab chưa phải nộp bất kì khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào kể từ khi thành lập tại Việt Nam từ năm 2014.

Song Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/grab-bat-dau-dot-cat-giam-nhan-su-lon-nhat-78382.html