Grab bị Malaysia đưa vào 'tầm ngắm' nhằm tránh tình trạng độc quyền

Ủy ban Cạnh tranh của Malaysia thông báo sẽ kiểm soát Grab, đặc biệt nếu hãng này có những hoạt động cạnh tranh không công bằng hoặc tăng phí đột ngột.

Thương vụ sáp nhập đình đám giữa hai hãng Grab và Uber hiện đang nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan chức năng tại Malaysia khi các cơ quan này lo ngại rằng, vụ sáp nhập có thể dẫn đến tình trạng độc quyền trong hoạt động của Grab, vi phạm luật cạnh tranh và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Việc giám sát là cần thiết nhằm tránh gây tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.

Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia cho biết, Chính phủ nước này sẽ căn cứ theo Đạo luật Cạnh tranh năm 2010 để ngăn chặn các thương vụ tạo ra thế độc quyền nhằm thao túng giá hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, đại diện Grab đã hứa sẽ không tăng giá ít ra là tại Malaysia, nếu không công ty này sẽ bị Chính phủ kiện và xử lý thích đáng.

Malaysia lại đưa Grab vào tầm ngắm. Ảnh: Thời báo Kinh tế Việt Nam

Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Nancy Shukri khẳng định, Ủy ban Cạnh tranh nước này (MyCC) sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Grab. Nếu như Grab có bất cứ động thái nào vi phạm, đặc biệt nếu như công ty này áp dụng mức giá không hợp lý hay tăng giá đột ngột, Đạo luật Cạnh tranh của Malaysia sẽ được thực thi. Quan điểm của Malaysia về thương vụ sáp nhập là rất rõ ràng.

Trước đó, Ủy ban cạnh tranh Singapore cho biết, cơ quan này đã có bằng chứng để nghi ngờ rằng thỏa thuận mua mạng lưới dịch vụ của Uber trong khu vực Đông Nam của Grab “gây thiệt hại” cho sự cạnh tranh tại đảo quốc này. Cơ quan này đã tiến hành điều tra về giao dịch nói trên và đề xuất các biện pháp tạm thời yêu cầu cả Uber và Grab phải duy trì cách tính giá độc lập như trước thương vụ.

Hôm 2/4, Ủy ban Cạnh tranh của Philippines (PCC) thông tin đang theo dõi thương vụ bán phần thị trường của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Philippines, cho công ty Grab có làm ảnh hưởng đến nguyên tắc cạnh tranh hay không.

Trong thông cáo phát đi, PCC nhấn mạnh: "Thương vụ mua lại của Grab-Uber dường như có ảnh hưởng sâu rộng đến các dịch vụ vận tải công cộng. Do vậy, PCC đang xem xét hợp đồng này một cách chặt chẽ".

Cùng ngày, Bộ Giao thông Indonesia cũng đưa ra yêu cầu đăng ký kinh doanh đối với hai hãng Go-Jek và Grab: trong vòng 2 tháng, hai hãng xe sử dụng công nghệ này phải đăng ký hoạt động như công ty vận tải để đảm bảo rằng họ đáp ứng các yêu cầu về an toàn trong dịch vụ vận tải công cộng, về khả năng tăng phí và giám sát của các công ty đi xe.

Bộ trưởng Giao thông Budi Karya Sumadi cho biết chính quyền Jakarta đã hoàn tất một quy định mới yêu cầu các công ty thuê xe phải xin giấy phép từ Bộ để được hoạt động kinh doanh giao thông công cộng. Các quy tắc mới sẽ được thảo luận với tất cả các bên liên quan "trong vòng một hoặc hai ngày".

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/grab-bi-malaysia-dua-vao-tam-ngam-nham-tranh-tinh-trang-doc-quyen-a228210.html