Grab chiêu mộ nhân tài công nghệ để tăng sức mạnh cạnh tranh và sáng tạo

Từ con số hơn 300 kỹ sư tin học vào tháng 7/2018, Grab dự định tăng con số này lên gần 2.000 vào cuối năm nay khi hãng này phải tăng cường chạy đua công nghệ để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Đối với hãng công nghệ có giá trị cao nhất ở Đông Nam Á, cạnh tranh mang lại cho họ sức mạnh và sức sáng tạo không ngừng.

Grab đặt 6 trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Singapore, TP.HCM, Jakarta, Bắc Kinh, Bangalore và Seattle để đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng mở rộng ở nhiều lĩnh vực của hãng. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với tờ Nikkei Asian Review, Theo Vassilakis, trưởng bộ phận công nghệ của Grab, nói rằng Grab đã đặt đến điểm tăng trưởng mà hãng này cần phải tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng mạnh của hãng. Grab sẽ thuê thêm kỹ sư trong năm tới.

Săn nhân tài từ các “nôi” công nghệ Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc

Trong tháng 10/2018 vừa rồi, Grab đã tiếp cận và nhờ cậy Mark Porter, chuyên viên cao cấp về dữ liệu của Amazon.com (Hoa Kỳ), giải quyết các vấn đề công nghệ của Grab. “Các ngành kinh doanh chính của chúng tôi đã đạt tăng trưởng nhất định, các mảng kinh doanh khác cũng đang phát triển, chúng tôi muốn mỗi người tập trung ở một mảng kinh doanh nhất định”, Vassilakis nói.

Startup có giá trị nhất của khu vực hiện hoạt động ở tám nước Đông Nam Á. Trong vòng hai năm nay, hãng này đã mở rộng kinh doanh nhanh chóng bên cạnh các lĩnh vực vận chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử. Hãng công nghệ mới này đang cố gắng phát triển thành “siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày” sau khi mua lại các hoạt động kinh doanh của Uber tại vùng Đông Nam Á vào tháng 3/2018.

Vassilakis phát triển sự nghiệp của mình ở Microsoft, Hoa Kỳ trước khi gia nhập Grab vào năm 2017. Sau khi “sở hữu” Vassilakis, Grab tiếp tục “săn” được Vikas Agrawal, kỹ sư chính từng làm việc cho hãng thanh toán di động Paytm của Ấn Độ. Vassilakis nói rằng cả Porter và Agrawal cần thiết cho công cuộc mở rộng kinh doanh của Grab bởi họ có kinh nghiệm “vòng tròn tăng trưởng” mà Grab sẽ phải trải qua trong thời gian tới.

Grab đang cần nhân tài công nghệ bởi họ đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, bao gồm giao diện mới cho người dùng, định vị và trí thông minh nhân tạo. Grab hiện có sáu trung tâm nghiên cứu và phát triển tại TP.HCM, Singapore, Seattle, Bắc Kinh, Bangalore và Jakarta.

Để phát triển hệ thống định vị và vận chuyển tốt hơn, cũng như chuẩn bị nhân lực cho tương lai, đầu năm nay Grab đã hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo AI. Phần lớn 50 kỹ sư cao cấp đến từ 10 quốc gia của Grab đang làm việc tại phòng thí nghiệm AI tại NUS. Lye Kong Wei, nhà khoa học trưởng về khoa học dữ liệu của Grab, nói rằng phòng thí nghiệm này đang phát triển thuật toán dự báo luồng giao thông và thuật toán khác để “mai mối” đúng tài xế và hành khách nhằm tạo mối quan hệ tốt hơn.

Đối với Grab, tăng cường khả năng công nghệ là quan trọng bởi chính phủ các nước đang ra nhiều luật lệ mới. Grab cung cấp cho các nước các dữ liệu về giao thông đường phố để chính phủ có thể lên kế hoạch phát triển giao thông công cộng tốt hơn. Điều này giúp Grab thể hiện đóng góp của mình khi chính phủ có xu hướng ủng hộ các hình thức vận chuyển truyền thống.

Grab đang nỗ lực để đáp ứng sự cạnh tranh đang gia tăng trong khu vực. Hãng gọi xe công nghệ Go-Jek của Indonesia xâm nhập thị trường Việt Nam trong tháng 9/2018 và đang bước vào thị trường Thái Lan, Singapore và Philippines. Tại Singapore, Go-Jek đã kêu gọi tài xế đăng ký vào cuối tháng 10 vừa rồi. Grab và Go-Jek cạnh tranh trên các lĩnh vực phi vận chuyển như thanh toán điện tử và bảo hiểm sức khỏe qua mạng.

Là hãng công nghệ lớn nhất khu vực, Grab dự kiến sẽ đạt doanh thu hằng năm 1 tỷ USD vào cuối năm nay. Theo số liệu của CB Insights, hãng đang được định giá 11 tỷ USD.

Một phòng họp mang tên Denpasar tại tổng hành dinh của Grab ở Singapore. (Ảnh: Kentaro Iwamoto)

Đa dạng hóa để cạnh tranh

Các phòng họp được đặt theo tên các thành phố trong khu vực và treo hình ảnh của thắng cảnh địa phương, văn phòng chính của Grab ở Singapore thể hiện tầm nhìn chủ đạo của công ty: “Driving Southeast Asia forward”, tạm dịch “Hướng Đông Nam Á về phía trước”.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng và các quy định mới của chính quyền đồng nghĩa rằng tiến lên phía trước không hề dễ dàng chút nào và câu trả lời cho các nhà điều hành của hãng công nghệ là phải đa dạng hóa dịch vụ.

“Ban đầu, Grab chỉ là ứng dụng gọi taxi dơn giản”, Anthony Tan - nhà đồng sáng lập và CEO 36 tuổi của Grab – nói. “Giờ đây, chúng tôi đang trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày”.

Bắt đầu từ tháng 7/2018, Grab thông báo rằng sẽ kết hợp với các đối tác khác để cung cấp các dịch vụ đời sống. Với chiến lược “nền tảng mở” (open platform), Grab cho phép đối tác sử dụng ngân hàng dữ liệu, hệ thống định vị và bản đồ, logistics và các nguồn tài nguyên khác. Dịch vụ đầu tiên là mua sắm thực phẩm trên mạng mà Grab hợp tác với công ty HappyFresh có trụ sở ở thủ đô Jakarta, Indonesia với trên 100.000 mặt hàng. Grab cũng hợp tác với Booking.com, Mastercard và các đối tác để bước sang lĩnh vực đặt phòng khách sạn, tài chính, ngân hàng và chuyển tiền đa quốc gia.

Các nhà phân tích nói rằng sự đa dạng hóa là bước đi logic của Grab. “Phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ đòi hỏi rất nhiều vốn trong giai đoạn này. Giá thành phải giảm, hiệu quả kinh doanh phải tăng để thúc đẩy tăng trưởng”, Walter Thereisa, nhà kinh tế về giao thông vận tải thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore nói. “Với chi phí điều hành hiện giờ, thu nhập của tài xế và cước phí vận chuyển, không gian cho tăng trưởng còn lại rất ít ỏi. Nếu không tính đến yếu tố cạnh tranh, tôi tin rằng Grab sẽ muốn mở rộng ở các thị trường hay các lĩnh vực còn trống”.

Ngoài các lĩnh vực vận chuyển, giao nhận và thanh toán, Grab nhận đầu tư 1 tỷ USD từ Toyota Motor của Nhật Bản trong dự án tăng hiệu quả của đoàn xe. Một khoản đầu tư 250 triệu USD từ hai hãng xe Hyundai và Kia để phát triển hệ thống xe chạy điện và các cây xạc điện (như cây xăng). Tất cả các dự án này sẽ thí điểm ở Singapore trước nhằm tăng tính hiệu quả trong điều phối xe, CEO Tan nói.

Cuộc đua trong lĩnh vực gọi xe công nghệ giờ là "cuộc đua song mã" giữa Grab và Go-Jek. (Ảnh: Akira Kodaka)

Cạnh tranh thúc đẩy phát minh và sáng tạo

Có nhiều hãng gọi xe công nghệ như Grab ở Đông Nam Á. Nhưng xây dựng hệ sinh thái đa dạng ở nhiều lĩnh vực như Grab thì chỉ có Go-Jek của Indonesia với tham vọng và các dịch vụ tương tự. “Ngành gọi xe công nghệ giờ là cuộc đua song mã. Cả Grab và Go-Jek sẽ cạnh tranh để lôi kéo thêm các đối tác địa phương với mục đích xây dựng hệ sinh thái tốt hơn. Điều này sẽ giúp họ tăng lợi nhuận”, Corrine Png, giám đốc của hãng nghiên cứu Crucial Perspective có trụ sở tại Singapore nói.

Chiến lược “nền tảng mở” của Grab cũng có những nguy cơ khác”, nhà nghiên cứu Png nhận định. “Các đối tác có thể đòi hỏi thông tin có chiều sâu về khách hàng của Grab và Grab phải cân bằng giữa động cơ kiếm lợi nhuận và nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Sự kém cỏi trong vấn đề bảo vệ thông tin khách hàng có thể là cú đâm ngược đối với Grab.

Ngành công nghệ đang đối đầu với nhiều thử thách. Nhưng vị CEO 36 tuổi Anthony Tan rất tự tin về những thách thức ở phía trước. “Chúng tôi đã quen với cạnh tranh. Ngay từ ngày đầu, chúng tôi đã thật sự bước vào chiến trường và chúng tôi đón lấy cơ hội từ cạnh tranh. Tóm lại, chúng tôi rất thích thú với điều đó bởi nó thúc đẩy chúng tôi phát minh và sáng tạo nhanh hơn”, Tan nói.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/grab-chieu-mo-nhan-tai-cong-nghe-de-tang-suc-manh-canh-tranh-va-sang-tao-d72323.html