Grab: Kết quả giám định thiệt hại của Vinasun một chiều, không khách quan

Công ty Cửu Long - đơn vị giám định thiệt hại của Vinasun lại tiếp tục vắng mặt và chỉ gửi thư giải thích việc đưa ra đánh giá. Điều này khiến những câu hỏi chất vấn của Grab về căn cứ để đưa ra kết quả giám định bị bỏ ngỏ.

Trong phiên xử ngày 22/11 vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỷ đồng, đại diện Công ty Cửu Long, đơn vị giám định thiệt hại của Vinasun, tiếp tục vắng mặt.

Hội đồng xét xử đã công bố thư giải thích dài 4 trang giấy mà Công ty Cửu Long đã nộp cho tòa nhằm củng cố chứng thư.

Thư giải thích này đã thể hiện Công ty Cửu Long đưa ra đánh giá của mình dựa trên 3 báo cáo phân tích chứng khoán của Công ty Chứng khoán Bản Việt, Công ty Chứng khoán Rồng Việt và Công ty Chứng khoán MB.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab cho rằng, với vai trò là đơn vị giám định độc lập được Tòa chỉ định, Công ty Cửu Long lẽ ra phải nên có đủ năng lực cần thiết để tự bảo vệ các kết quả nghiên cứu và đưa ra kết luận độc lập về việc có bất cứ quan hệ nhân quả nào giữa những thiệt hại (nếu có) của Vinasun và những cáo buộc của Vinasun đối với Grab.

Ông Jerry Lim trao đổi với báo chí sau phiên xét xử ngày 22/11.

Thay vào đó, ngoài việc vắng mặt tại Tòa để không tham gia vào phần chất vấn, Công ty Cửu Long lại chỉ đơn thuần tìm kiếm thông tin và bản phân tích của các đơn vị nghiên cứu và phân tích thứ ba, những đơn vị không được Tòa ủy quyền để trở thành một phần của quá trình thẩm định. Do đó, bất kỳ nội dung nào trong các báo cáo này mà Công ty Cửu Long sao chép đều không thể được thừa nhận là bằng chứng chính thức.

Theo ông Jerry Lim, 3 báo cáo phân tích chứng khoán này được thực hiện để phục vụ cho mục đích thông tin cho nhà đầu tư tham khảo. Công ty Cửu Long sử dụng các báo cáo này là thiếu khách quan. Mặt khác, Công ty này chỉ trích dẫn một số đoạn nhất định nhằm bảo vệ quan điểm một chiều.

“Công ty Cửu Long cũng đã bỏ qua những điều được nêu rõ trong các cảnh báo rằng những xung đột lợi ích giữa các công ty chứng khoán có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của nghiên cứu và họ không đảm bảo tính chính xác hoặc đầy đủ của các dữ liệu”, Giám đốc Grab nói.

Là một đơn vị tham gia vào Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, đại diện Grab cho rằng, Công ty đang cung cấp một nền tảng trực tuyến cho mọi doanh nghiệp vận tải và đang tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Thực tế Vinasun cũng được trao cơ hội ngang bằng trong việc ứng dụng công nghệ để cạnh tranh một cách công bằng và nâng cao hiệu quả hoạt động cho tài xế, mang đến lợi ích tốt hơn cho khách hàng. Grab không thể chịu trách nhiệm cho năng lực cạnh tranh kém của ứng dụng Vinasun và dịch vụ V.Car trên thị trường.

Về những lập luận của Vinasun về việc các công ty xe công nghệ đưa ra dịch vụ giá rẻ, có chương trình khuyến mại cho hành khách, có chương trình thưởng cho tài xế… theo đại diện Grab là rất vô lý. Bởi đây là những hoạt động hoàn toàn hợp pháp mà bất cứ công ty nào, bao gồm cả Vinasun, đều có thể thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật để cạnh tranh tốt hơn.

“Chúng tôi đã trình bày nguyện vọng là mong muốn tòa đình chỉ vụ án. Phiên tòa này đã tạm hoãn hoặc tạm dừng nhiều lần vì lí do thiếu chứng cứ. Rõ ràng ở đây Vinasun không chắc chắn về lý do bị sụt giảm lợi nhuận và không thể tập hợp đủ chứng cứ để chống lại Grab”, Giám đốc Grab nêu quan điểm.

Dự kiến TAND TP.HCM sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử vào chiều nay (23/11).

Phương Nam

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/grab-ket-qua-giam-dinh-thiet-hai-cua-vinasun-mot-chieu-khong-khach-quan-post282757.info