Grab phản bác báo cáo thiệt hại của Vinasun

Cho rằng báo cáo giám định không khách quan nên Grab Việt Nam yêu cầu thay đổi bằng công ty giám định có uy tín, mang tầm quốc tế

Ngày 22-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab để "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".

CEO Grab Việt Nam cho rằng báo cáo giám định của Công ty Cửu Long về thiệt hại của Vinasun là không khách quan; công ty này không có năng lực, báo cáo giám định này không có cơ sở và có nhiều sai sót.

Giám định thiếu tầm quốc tế

Grab nhận định giám định thiệt hại của Vinasun là không chính xác. Chính vì vậy, Grab yêu cầu tòa phải trưng cầu giám định bởi công ty tầm cỡ quốc tế, có đủ uy tín và năng lực mới cho ra một kết quả giám định thiệt hại chính xác. Grab khẳng định rằng hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam không hề gây thiệt hại cho Vinasun, do vậy nếu tòa muốn sử dụng kết quả giám định thiệt hại thì phải trưng cầu một tổ chức quốc tế. Với đề xuất này của Grab, ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun - không chấp thuận.

Sau khi nghe ý kiến 2 bên, HĐXX nói nếu hội ý và đồng ý giám định lại thì phía Grab sẽ tạm ứng toàn bộ chi phí giám định và số tiền này sẽ được giải quyết khi tuyên án. CEO Grab Việt Nam đồng ý và hứa sẽ tạm ứng tiền trước.

Đại diện Grab trả lời HĐXX

Chủ tọa cũng công bố Vinasun đã ứng trước chi phí giám định cho Công ty Cửu Long gần 3 tỉ đồng và công ty này do tòa chỉ định. Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại trong 18 tháng, từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017. Công ty Cửu Long dựa trên những báo cáo nghiên cứu thị trường đã kết luận Vinasun thiệt hại gần 86 tỉ đồng.

Lý giải về con số 41,2 tỉ đồng yêu cầu Grab bồi thường, Vinasun khẳng định con số thiệt hại lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do Vinasun muốn ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của Grab cũng như giảm thiệt hại cho chính mình nên nộp đơn khởi kiện. Bên cạnh tụt giảm doanh thu, từ ngày 31-12-2015, cổ phiếu của Vinasun cũng liên tục giảm. Từ có 17.000 lao động, tài xế, đến giữa năm 2017, Vinasun giảm khoảng 10.000 nhân viên, họ nghỉ việc chuyển sang Grab. Từ đó, lượng xe nằm bãi rất nhiều nên phải thanh lý xe.

Vinasun tiếp tục tố Grab

Vinasun khẳng định rằng giá cước Grab rẻ hơn Vinasun và nhiều hãng taxi khác. "Nếu giá rẻ mà dựa trên các quy định của pháp luật thì chúng tôi ủng hộ hai tay, còn rẻ mà vi phạm pháp luật thì làm sao cổ xúy được?" - đại diện Vinasun đặt vấn đề.

Để tố Grab vi phạm trong khuyến mãi, Vinasun đưa ra bằng chứng cho rằng toàn bộ chương trình khuyến mãi của mình đều được đăng ký với Sở Công Thương, Bộ Công Thương. Còn việc thực hiện xe nhượng quyền Vcar thì đó chỉ là một trong những mô hình hoạt động của Vinasun, chỉ sử dụng lúc xe nhàn rỗi.

Đại diện Vinasun cũng thừa nhận hãng phát triển hệ thống phần mềm như Grab và Uber từ năm 2015. Hiện nay, Vinasun cũng hoạt động theo phương thức khách hàng biết được tiền cước trước, biết số xe và tên tài xế. "Nhưng chúng tôi tuân thủ đầy đủ quy định, chúng tôi không sử dụng phần mềm đi kinh doanh và đánh tráo khái niệm. Để phát triển, chúng tôi phải thay đổi mô hình kinh doanh nhưng được pháp luật cho phép" - ông Trương Đình Quý khẳng định.

Về phần mình, Grab nói rằng luôn cố gắng phát triển để phục vụ cho toàn dân Việt Nam. Grab khẳng định đã tạo ra nhiều việc làm cũng như tạo ra sự di chuyển tốt mà từ trước tới giờ người dân không thể tiếp cận.

Số tiền 1.726 tỉ đồng bị lỗ Grab không đưa vào tài sản hữu hình và nguồn tiền này là tiền đầu tư từ nước ngoài, công ty mẹ chuyển về cho Grab Việt Nam vào tài khoản vay ngắn hạn không lãi suất.

"Ở các nước, Grab hoạt động rất thân thiết với những hãng taxi truyền thống và chưa từng có tranh chấp nào như tranh chấp tại Việt Nam. Nguyên tắc cạnh tranh trên thị trường nếu muốn phát triển thì phải tự thay đổi, chuyển mình. Việc cạnh tranh không lại thì đi kiện là một tiền lệ đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi cũng chưa thấy một nơi nào trên thế giới mà doanh nghiệp vận tải cạnh tranh thông qua một phiên tòa" - ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam, phát biểu.

Hợp tác xã không hưởng lợi

Theo đề án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải, chủ thể ký hợp đồng với Grab là những công ty kinh doanh, hợp tác xã (HTX) vận tải. Những công ty này sẽ trả tiền trước thông qua tài khoản, sau đó khi tài xế hoàn thành chuyến đi, tài khoản tự động bị trừ tiền. Sau khi trừ thuế, tài xế sẽ hưởng 71,7% lợi nhuận.

Tuy nhiên, TAND TP HCM đã lấy lời khai của một số HTX là đối tác của Grab và lời khai có nhiều mâu thuẫn. Một số HTX khai rằng khi tham gia thành viên sẽ được cấp lệnh điều, giấy chứng nhận HTX 3 bên, hợp đồng vận chuyển 3 bên, HTX và Grab ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thỏa thuận mức giá theo từng thời kỳ thông qua phần mềm lập trình trước đó, phối hợp chủ xe điều lái xe. Giá vận chuyển hành khách do Grab quyết định, HTX không thu bất cứ phí nào.

HTX đóng thuế môn bài 20 triệu đồng/năm và một số khoản khác. HTX không hưởng lợi từ giá cước vận chuyển cũng như không được khoản tiền nào từ Grab. Các HTX chỉ hưởng lợi từ một số dịch vụ kèm theo như cấp phù hiệu cho xã viên giá 500.000 đồng/năm. HTX cũng không chịu trách nhiệm khi tài xế bị khách hàng khiếu nại.

Bài và ảnh: PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/grab-phan-bac-bao-cao-thiet-hai-cua-vinasun-20181022205945066.htm