Graham Sutcliffe - Nguyễn Triều Dương: 17 năm & mãi mãi

Một kí ức rất đẹp được ghi lại theo lời kể của nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Triều Dương về mối tình giữa anh và người đồng hành đã cùng anh đi một chặng đường 17 năm, từ Việt Nam tới Anh Quốc. Cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Triều Dương đã dành cho Đẹp những lời chia sẻ này, chúng tôi trân trọng và muốn gửi bài báo này tới anh như một món quà nhân dịp kỉ niệm 5 năm ngày cưới của anh và người tri kỉ Graham Sutcliffe, Cố chỉ huy trưởng của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.

Một chiều thu Hà Nội năm 2000, khi ấy tôi 19 tuổi, mang trong mình trái tim ngây ngô và đầy nhiệt huyết tìm hiểu cuộc sống, đạp xe đến viện Goethe - nơi tập luyện của dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội mà tôi tham gia. Số lượng thành viên chỉ có trên dưới 10 người, tôi là người Việt Nam duy nhất. Ngày hôm đó, hợp xướng sẽ được dìu dắt bởi một chỉ huy mới.

Bước vào phòng tập, tôi nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông mặc áo trắng cổ Tàu đang soạn các bản nhạc chuẩn bị cho buổi tập. Tôi bước đến chào và lấy nhạc cho mình. Cả tôi và chỉ huy đều không nghĩ đó là sự khởi đầu của một câu chuyện đẹp hơn cổ tích.

6 tháng trôi qua, dàn hợp xướng đạt đến trình độ vượt bậc. Tôi miệt mài luyện tập, học hỏi các nền văn hóa mới từ mọi thành viên, chẳng đoái hoài gì đến những điều khác. Bỗng một ngày, trong buổi tập cuối cùng trước khi diễn, tôi có cảm giác khác lạ. Bất chợt ngước mắt lên, tôi bắt gặp ánh mắt chỉ huy đang nhìn mình, hiền từ và chứa đầy tình cảm. Anh chuẩn bị nhắc bài nhạc cho tôi. Giây phút ấy, tôi không tiếp thu được những gì anh nhắc nhở, mà chỉ có cảm giác như mình đang tan dần vào một thế giới khác. Cuối buổi tập, khi tôi đang loay hoay lấy xe chuẩn bị đi về thì chỉ huy đến gần, nở nụ cười thân thiện và nói với tôi bằng thứ tiếng Việt chuẩn xác: “Nhà em ở đâu? Có xa đây không?”. Tôi trả lời: “Không xa lắm anh ạ. Trời ơi, anh giỏi tiếng Việt quá!”.

Lần đầu tiên tôi và anh Graham đi cà phê là vào buổi chiều mùa xuân giáp Tết. Anh hẹn tôi tại quán Phố Cũ ở cuối Hàng Bông, gần ngã năm Điện Biên Phủ. Anh mặc chiếc áo trắng quen thuộc, lần này có đeo thêm cà vạt vì vừa đi gặp ngài Đại sứ về. Đi xuyên qua ngôi nhà Pháp cổ, chúng tôi tới một khu vườn yên tĩnh, trốn khỏi không gian tấp nập người mua sắm. Tôi và anh kể cho nhau nghe câu chuyện thời thơ ấu và chặng đường mỗi người đã đi qua. Anh chia sẻ với tôi lý do đặt chân đến mảnh đất hình chữ S và tình yêu của anh dành cho người dân nơi này. Tôi lắng nghe chăm chú, nhận ra Graham là một con người vĩ đại. Anh không đặt quyền lợi bản thân lên hàng đầu trong tất cả những việc mình làm. Anh quan tâm đến mọi người và luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho cộng đồng xung quanh.

Thời gian dần trôi, tôi và anh Graham bước bên nhau trên mọi hành trình, êm đềm và đẹp đẽ. Từng nẻo đường, mỗi con phố mà chúng tôi đi qua đều gắn liền với những khoảnh khắc của tiếng cười và niềm hạnh phúc. Điều tuyệt vời hơn hết thảy là chúng tôi đều học hỏi lẫn nhau trong cuộc sống. Từ nền văn hóa, lối sống, kiến thức về nghệ thuật đến cách viết một từ trong tiếng Việt (mà người hỏi lại là... tôi). Có lần, vào ngày chủ nhật khi cả hai đang chăm sóc cây xanh trên gác thượng, tôi quay sang nói với anh: “Em thần tượng anh ở mọi góc độ”. Anh vẫn tiếp tục tưới cây và nhỏ nhẹ: “Anh thần tượng em bởi em sống bằng trái tim”.

Năm 2015, sau 23 năm Graham sống ở Việt Nam, chúng tôi quyết định chuyển hẳn sang Anh Quốc để định cư. Tôi có thể nhìn thấy rõ rằng anh đã lo lắng mình sẽ nhớ Việt Nam thế nào. Tôi đùa: “Anh yên tâm, trong nhà bên đó lúc nào cũng sẽ có một người Việt Nam vừa quê mùa vừa ăn khỏe suốt ngày hát cho anh nghe”. Ngày công ty vận chuyển đến dọn đồ, tôi nhận ra thứ của cải mà chúng tôi tích góp được nhiều nhất không phải đồ đạc hay tiền bạc mà là số lượng sách khổng lồ, trong đó gần nửa là sách tiếng Việt, già nửa còn lại là tổng phổ và sách nhạc. Chúng tôi cũng quyết định mang tất cả đồ nội thất có dấu ấn văn hóa Việt Nam theo mình. Khi mọi việc ổn định tại Anh Quốc rồi, bước vào căn nhà của cả hai, tôi và anh Graham đều rất hài lòng vì có cảm giác như mình vẫn đang sống ở Việt Nam.

Với tôi, tình yêu cũng giống như cách anh Graham xây dựng cuộc sống của mình, không đao to búa lớn, không phô trương nhưng thành quả thì khổng lồ. Ngày vui của tôi và anh tại London vào một chiều hè năm 2014 cũng vậy. Chỉ vỏn vẹn 20 người, gia đình và bạn thân, nhưng đó không chỉ là sự kiện ý nghĩa nhất cuộc đời mà còn là một bữa tiệc tràn ngập tiếng cười và tình yêu. Năm 2017 là quãng thời gian khó khăn nhất của tôi. Định mệnh cướp đi anh Graham, và tôi chỉ có duy nhất 2 tuần với anh sau lần hội chẩn đầu với bác sĩ. Khi nỗi sợ hãi lớn nhất trong đời ập đến, tôi bỗng dưng trở nên mạnh mẽ một cách lạ kỳ. Vốn dĩ sinh ra là con út, tôi không có nhiều kinh nghiệm trong việc bôn ba lo toan cho gia đình. Vậy mà một mình tôi đã vượt qua tất cả. Cuối năm đó tôi kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Giờ nhìn lại, tôi biết vì sao tôi làm được. Đó là vì tôi có tình yêu của anh Graham. Tôi không còn khóc khi nghĩ về ký ức, tôi mỉm cười vì đó là một ký ức quá đẹp, một ký ức mà không phải ai cũng may mắn có được. Khi ghi chép lại những dòng này, mọi cảm xúc và hình ảnh trong tôi vẫn còn y nguyên như vừa mới xảy ra.

Tình yêu của tôi dành cho anh Graham rất khó có thể diễn tả bằng từ ngữ. Nói đúng hơn, tôi không đủ tự tin là mình có khả năng miêu tả một con người thực sự tốt bụng, chân thành và đầy nghị lực sống như anh. Sẽ không quá khó để tìm hiểu về những thành tựu mà anh đóng góp cho nền nhạc giao hưởng Việt Nam thời kỳ đầu những năm 90. Cũng không quá khó để nhận biết tình yêu lớn lao của anh dành cho Việt Nam qua những bài báo và phỏng vấn trên truyền thông. Nhưng tôi may mắn hơn mọi người rất nhiều, bởi tôi được nhìn anh từ góc độ người tri kỷ. Có hai yếu tố tạo nên cuộc sống của anh, đó là âm nhạc và tình yêu. Và nếu được nhắn gửi đến anh một điều, tôi sẽ nói rằng: “Graham, anh sẽ được yêu thương mãi mãi”.

Bài NGUYỄN ĐĂNG VĨNH TRUNG (ghi)
Ảnh NVCC Thiết kế UYỂN QUÂN

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/magazine/graham-sutcliffe-nguyen-trieu-duong-17-nam-mai-mai/