'Green River': Làm sạch những dòng sông

Với mong muốn giảm thiểu rác thải nhựa trên sông, cải thiện chất lượng môi trường nước, một nhóm bạn trẻ đưa ra ý tưởng cho dự án dài hạn có tên 'Green River'.

Green River tập hợp những người trẻ yêu môi trường là sinh viên, giảng viên ở nhiều chuyên ngành đang học tập, làm việc trong và ngoài nước.

Khởi động từ giữa năm 2020, dự án Green River bắt đầu từ việc tặng thùng rác cho tiểu thương đặt trên ghe, hộ kinh doanh bên bờ sông và đưa vào hoạt động máy thu gom rác tự động. Điểm đầu tiên mà dự án triển khai là chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) với dự án nhỏ hơn mang tên “Cái Răng Green River 1”.

Nguyễn Hoàng Sơn (trường ĐH Kinh tế TP. HCM), đại diện nhóm dự án cho biết. “Đây là khu vực có đông người mua bán, thu hút khách du lịch từ khắp nơi, vì vậy lượng rác thải mỗi ngày cũng cao hơn những nơi khác. Theo khảo sát, chỉ sau ba tháng hoạt động, lượng rác thải tại đây đã giảm đến 70%”.

Các thành viên Green River trong buổi khởi động dự án nhỏ “Cái Răng Green River 1”. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh hoạt động tặng thùng rác, thu gom rác tự động, dự án còn tuyên truyền thông điệp giảm rác thải nhựa bảo vệ môi trường đến tiểu thương và du khách thông qua các baner treo trên ghe, tàu lớn. “Thành công bước đầu ngoài mong đợi của dự án là đã kết nối được với hàng trăm người trẻ, tình nguyện viên có tình yêu đặc biệt với môi trường cùng hành động và sự hưởng ứng nhiệt tình của các hộ kinh doanh”, Hoàng Sơn chia sẻ.

Đối với máy thu gom rác tự động, ban đầu nhóm có ý định thuê tàu lớn để thu gom nhưng chi phí cao, hơn nữa máy không hoạt động tốt trên mặt nước. Từ đó, nhóm bắt tay thiết kế máy thu gom rác tự động điều khiển từ xa phù hợp với điều kiện mặt nước…

Chiếc máy dọn rác trên bề mặt sông đang làm việc.

Máy thu gom rác tự động có thiết kế khá đơn giản với các phần vỏ, khung, lưới cuộn, hộp chứa rác và động cơ. Thông qua hệ thống vi mạch kết nối với điện thoại di động, người sử dụng điều khiển từ xa để rác cuộn vào lưới đưa vào hộp chứa, sau đó di chuyển đến nơi có xe thu gom. Sơn tiết lộ: “Để có được chiếc máy với chi phí thấp nhất (khoảng 7 triệu đồng) nhưng vẫn đảm bảo hoạt động lâu dài, nhóm phải mất ba tháng cho các công đoạn. Khó khăn lớn vẫn là khâu tìm nguyên liệu, tính toán thiết kế phù hợp để đảm bảo độ nổi của máy trong quá trình vận hành”.

Máy thu gom rác tự động do nhóm thiết kế được UNESCO bình chọn là một trong 8 ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa trong chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam” do UNICEF, Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường & phát triển (CHANGE) cùng SIHUB (Sở Khoa học - Công nghệ TP. HCM) phối hợp tổ chức.

Một trang truyện tranh trong "Sấu Comic" của nhóm.

Qua hai năm hoạt động, vượt qua những khó khăn ban đầu, “Green River” đã dần ổn định và làm rất tốt việc gom rác trên bề mặt sông Cái Răng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, không thể tổ chức các hoạt động tại địa phương, “Green River” đã triển khai các kế hoạch truyền thông hấp dẫn. Với chuỗi bài viết “Nay ta nói về môi trường”, nhóm muốn nói lên những khó khăn của những nhà hoạt động môi trường trẻ. Còn với chuỗi hình ảnh tranh vẽ “Sấu Comic” phản ánh các vấn đề về môi trường theo hướng vui tươi, dễ tiếp nhận, nhóm mong muốn lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Trong tương lai “Green River” còn lên kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động ra Đà Nẵng và Hà Nội. “Đây là một kế hoạch dài hơi, đầy khó khăn nhưng chúng mình vẫn vững tin là có thể hoàn thành tốt”, Phan Ngân (Trưởng ban Nhân sự dự án Green River) khẳng định.

Phương Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/green-river-lam-sach-nhung-dong-song-post1365687.tpo