Gruzia bỗng dưng chán Mỹ-NATO: Tất cả là tại Putin

Qua cách ứng xử nhân văn của Nga và lối hành xử khắc nghiệt của Mỹ, nếu Tbilisi không dừng lại và suy nghĩ về Mỹ-NATO mới lạ....

Gruzia bỗng dưng... chán Mỹ-NATO

Theo Georgian Journal, từ cuối năm 2019 đến nay, nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ, của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi thư cho chính phủ Gruzia và Thủ tướng Giorgi Gakharia để bày tỏ quan ngại về những chuyển động ngày càng lệch pha của Tbilisi.

Trong nội dung tất cả các "bức tâm thư" gửi đi từ Washington, nổi lên 2 vấn đề chính là "những lo ngại nghiêm trọng về mục tiêu chính trị và xu hướng kinh tế suy giảm gây khó khăn cho tiến trình cải cách dân chủ để hội nhập phương Tây của Gruzia".

Đầu tiên là bức tâm thư của Thượng nghị sĩ Adam Kinzinger và Hạ nghị sĩ Gerald E. Connolly được gửi tới Tbilisi ngày 17/12/2019, bảy tỏ lo ngại về những biểu hiện của Tbilisi được cho là trái với khao khát gia nhập NATO và EU của Gruzia.

Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - một trong những tác giả của các bức tâm thư

Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - một trong những tác giả của các bức tâm thư

Kế đến là bức thư của Thượng nghị sĩ Adam Kinzinger cùng các Hạ nghị sĩ Gerald E. Connolly, Michael McCaul và Eliot Engel, được gửi đi ngày 23/1/2020, bày tỏ lo lắng về môi trường kinh doanh ngày càng bất lợi, ngăn cản đầu tư Mỹ vào Gruzia.

Tiếp theo là bức thư của các Hạ nghị sĩ Brain Babin và Pete Olson, gửi Tbilisi ngày 25/1/2020, bày tỏ quan ngại về việc Tbilisi liên tục làm sụp đổ các giá trị dân chủ và những suy thoái ảnh hưởng đến con đường giúp Gruzia thịnh vượng trong tương lai.

Gần đây nhất là bức thư của các Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Jeanne Shaheen, Ủy viên Tiểu ban Hợp tác an ninh khu vực và châu Âu, gửi ngày 29/1/2020, cảnh báo Tbilisi đang phá hoại nguyên tắc dân chủ.

Trong tất cả các bức tâm thư, trước khi bày tỏ lo lắng, quan ngại hay đưa ra lời cảnh báo, những nhà lập pháp Mỹ ca ngợi chính quyền Gruzia có "khát vọng Tây tiến" đã cố gắng không mệt mỏi, giúp Gruzia ngày càng gần với chuẩn mực phương Tây.

"Hơn 29 năm kể từ khi Gruzia độc lập khỏi Liên Xô, chúng ta đã chứng kiến nền dân chủ bén rễ, nền kinh tế phát triển, xã hội dân sự phát triển và nền quản trị được cải thiện đáng kể ở Gruzia. Thật sự ấn tượng với các bạn", lời TNS Jim Risch.

Vậy mà "những diễn biến gần đây cho thấy nền dân chủ tại Gruzia đang bị suy yếu.... Có những thay đổi cho thấy sự thụt lùi đối với các cam kết của Gruzia....Đó là những bằng chứng cho thấy sự sụp đổ dân chủ ở Gruzia", ông Risch cảnh báo.

"Gruzia là đối tác chiến lược Mỹ trong 30 năm qua. Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Hỗ trợ Gruzia, khẳng định Mỹ tiếp tục ủng hộ độc lập và chủ quyền của Gruzia và tái khẳng định sự phản đối việc chiếm đóng của Nga", lời TNS Adam Kinzinger

Vậy mà "gần đây đã xuất hiện môi trường kinh doanh ngày càng bất lợi cho đầu tư Mỹ ở Gruzia....Nó không những ngăn cản Gruzia hội nhập với các thể chế phương Tây, mà còn củng cố bàn tay của Putin trong khu vực", ông Kinzinger thất vọng.

Rõ ràng đây là một hiện tượng lạ. Bởi Gruzia đã tiến ngày một gần tới chuẩn phương Tây, khát vọng hòa nhập không gian Châu Âu-Đại Tây Dương, "giấc mơ NATO" đang dần trở thành hiện thực. Vậy mà bỗng dưng Tbilisi lại chán Mỹ-NATO.

Gruzia đã ...chán Mỹ-NATO

Tbilisi bỗng dưng 'dừng lại và suy nghĩ' về Mỹ-NATO chỉ vì Putin

Từ trước nay, giới chính trị thân phương Tây tại Tbilisi cũng như Washington và các đồng minh đều khẳng định rằng, tham vọng đế chế và lối hành xử hung hăng của Tổng thống Nga Putin là căn nguyên của việc Gruzia phải lựa chọn "Tây tiến".

Tuy nhiên, điều này thì chưa thể khẳng định. Bởi ngay từ khi ông Putin chưa thể hiện được uy quyền thì giới chính trị tại Tbilisi đã nuôi ước vọng Tây tiến. Điều đó thể hiện ngay dưới thời chính quyền của Tổng thống "thân Nga" Eduard Shevardnadze.

Gruzia hợp tác với NATO từ những năm cuối thập kỷ 1990. Đến năm 2002, Tổng thống Shevardnadze tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Praha đã tuyên bố Gruzia mong muốn trở thành thành viên của liên minh quân sự hùng mạnh này, theo nato.int.

Song Tbilisi dừng lại và suy nghĩ về Mỹ-NATO, rồi có những chuyển động lệch pha với Washington-Brussles, tạo ra những giá trị lệch chuẩn Mỹ-phương Tây, làm hẹp cửa của Gruzia vào ngôi nhà chung Châu Âu-Đại Tây Dương thì đúng là...do Putin.

Hẳn dư luận sẽ cho rằng việc chính quyền Tổng thống Putin tạo xung đột về lãnh thổ làm cho Gruzia gặp khó trong tiến trình Tây tiến, khiến Tbilisi nản lòng. Vì vậy, sau thời gian liên tục "chạy về phía những người bạn mới",Tbilisi đã "dừng lại và suy nghĩ".

Giới phân tích cho rằng, đây chỉ là yếu tố phụ có tác động đến quyết định của Tbilisi. Còn yếu tố chính, mà thể hiện bản chất vấn đề, nằm ở chính sách và cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Putin trong quan hệ với Gruzia, nhất là sau cuộc chiến 2008.

Thứ nhất, Moscow không thể hiện "cạn tàu ráo máng" với Tbilisi, dù hai bên có xung đột và Tbilisi luôn tìm mọi cách giúp cho NATO có thể cắm cờ trên biên giới nước Nga

Không cần xem xét đâu xa, mà chỉ qua việc Tổng thống Putin xử lý những tác động từ làn sóng biểu tình "bài Nga" ở Gruzia hồi tháng 6/2019, đã cho thấy nhà lãnh đạo Nga nhân văn như thế nào với người anh em cũ.

"Bắt đầu từ ngày 8/7/2019, các hãng bay của Nga bị tạm thời cấm triển khai dịch vụ vận tải đường không - gồm cả thương mại - với các công dân từ lãnh thổ Liên bang Nga tới lãnh thổ Gruzia", CNN trích dẫn sắc lệnh của Tổng thống Nga.

Biểu tình bài Nga ở Gruzia

Ngày 9/7/2019, Quốc hội Liên bang Nga thông qua dự luật kêu gọi chính phủ nước này đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Gruzia, động thái có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng chính trị giữa 2 quốc gia láng giềng này.

Vậy nhưng Tổng thống Putin đã phản đối dự luật, không áp trừng phạt Gruzia vì nghĩ tới người dân nước này, sau khi cấm các chuyến bay đến Gruzia, dù các cuộc biểu tình chống Nga vẫn diễn ra tại Gruzia.

Trong khi đó, Tbilisi mới vừa có những chuyển động lệch pha với Washington, Tổng thống Mỹ đã ký liên tiếp 2 dự luật trong năm 2019 và 2020, đưa ra cảnh báo và các biện pháp trừng phạt cả về chính trị và kinh tế với Gruzia.

"Các dự luật nhẳm giải quyết cụ thể những lo ngại về hành động của chính phủ Gruzia đối với các giá trị dân chủ, nguyên tắc thị trường tự do và lợi ích kinh tế của Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Gruzia bị xem xét dưới ánh sáng của luật pháp Mỹ....

Hiện nay, những lời kêu gọi xem xét các biện pháp trừng phạt và các hình phạt khác đối với Gruzia đang gia tăng", Thượng nghị sĩ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết.

Qua cách ứng xử nhân văn của Nga và lối hành xử khắc nghiệt của Mỹ, trong trường hợp này, Tbilisi không dừng lại và suy nghĩ về Mỹ-NATO mới lạ. Rõ ràng, tác động của Putin tới quyết định của Tbilisi là có thể nhận diện.

Thứ hai, Tổng thống Putin đã giúp Tbilisi nhìn ra kiểu hành xử "ném đá giấu tay" của Mỹ. Đó là Washington đã nhờ Moscow khép cửa vào NATO của Gruzia, ủng hộ xung đột Nga-Gruzia, nhưng lại nhờ Nga giúp đảm bảo quyền lợi cho Gruzia.

Cũng trong cuộc khủng hoảng Nga-Gruzia hồi tháng 6/2019. Ngày 12/7/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố "lo ngại về phản ứng của Nga liên quan đến các sự kiện diễn ra ở Gruzia.... Mỹ kêu gọi Nga nối lại các chuyến bay đến Gruzia và ngược lại".

Theo đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ thì "du khách từ khắp nơi trên thế giới cảm thấy an toàn ở Gruzia". Do vậy, việc Nga cấm vận hàng không đối với Gruzia là không cần thiết và gây thiệt hại cho quốc gia này.

Hình ảnh này khiến Tbilisi không thể không ám ảnh

Cứ tưởng làn sóng bài Nga bỗng dưng bùng phát tại Gruzia sẽ khiến Mỹ mừng thầm, bởi đây có thể được xem như sự tập dợt cho cuộc "trưng cầu dân ý" về việc Gruzia gia nhập NATO, đồng thời cũng là cảnh báo cho giới chính trị thân Nga tại Tbilisi.

Tuy nhiên, với lời kêu gọi Nga nối lại các chuyến bay đến Gruzia và ngược lại, cho thấy dường như Washington rất ái ngại trước nguy cơ Moscow có thể tuyệt giao với Tbilisi. Rõ ràng đây là hành động ngược đời của Washington.

Tuy nhiên, không khó nhận diện Washington không muốn Gruzia đánh mất lợi ích từ Nga, rồi trở thành gánh nặng cho Mỹ. Đẩy đồng minh về phía kẻ thù, nhờ kẻ thù giúp đỡ đồng minh, vậy Mỹ đâu có muốn Gruzia đứng trong ngôi nhà chung NATO.

Điều này khiến giới chính trị thân phương Tây ở Tbilisi không thể không liên tưởng tới việc Gruzia phải đơn độc trong cuộc chiến tranh với Nga và hình ảnh cựu Tổng thống Saakashvili phải nhai cà vạt trong hoảng loạn và bế tắc chắc chắn sẽ lại ám ảnh họ.

Qua sự việc này đã lật tẩy cam kết của Mỹ và đồng minh về việc trao quy chế thành viên NATO cho Gruzia chỉ là hứa suông. Và có thể thấy những chuyển động lệch pha của Gruzia chính là biểu hiện sự thất vọng của Tbilisi với Washington-Brussles.

Khi Tbilisi "vỡ mộng" thì những mưu đồ của Mỹ-NATO trong ván cờ Gruzia sẽ phá sản và không thể tránh khỏi việc phải nhận lãnh hậu quả từ các nước cờ của Putin.

Đây chính là lý do những "bức tâm thư" từ Washington liên tục được gửi tới Tbilisi.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/gruzia-bong-dung-chan-my-nato-tat-ca-la-tai-putin-3396712/