Gruzia đưa vũ khí sát biên giới Nga giúp Mỹ-NATO xả giận

Mọi cố gắng vẫn chưa thể giúp Washington-Brussels-Tbilisi nguôi ngoai nỗi hận ngày nào, khi Vladimir Putin quá cương quyết...

Quân đội Gruzia triển khai vũ khí hiện đại sát biên giới Nga

Theo RIA Novoti, ngày 12/6, quân đội Gruzia đã cho triển khai các hệ thống phòng không SAMP/T tới sát biên giới Nga, loại vũ khí được cho là có khả năng kiểm soát một phần lãnh thổ Nga, đe dọa cả máy bay dân sự và quân sự trên không phận Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Irakli Garibashvili cho biết, quân đội Gruzia đã hoàn thành giai đoạn đầu của việc xây dựng các cơ sở vận hành và lắp đặt hệ thống phòng không SAMP/T được mua từ Pháp vào năm 2015.

Theo người đứng đầu lực lượng vũ trang Gruzia : "Việc xây dựng căn cứ và lắp đặt một số hệ thống phòng không SAMP/T tối tân dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Khi vận hành, tổ hợp này sẽ tăng khả năng bảo vệ không phân của Gruzia".

Được biết, hệ thống SAMP/T (Pháp gọi là Mamba) là sản phẩm đặc dụng của Tập đoàn Eurosam của châu Âu - vốn được hợp nhất từ các công ty Aerospatiale, Alenia và Thompson-CSF vào năm 1989.

Gruzia đã triển khai các hệ thống phòng không SAMP/T tới sát biên giới Nga

Gruzia đã triển khai các hệ thống phòng không SAMP/T tới sát biên giới Nga

SAMP/T đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chung của khối NATO ở khu vực châu Âu và đã được đánh giá rất có hiệu quả trong việc chống lại các mục tiêu cơ động linh hoạt trên không gian rộng.

Theo kết cấu, phần thể hiện tính năng ưu việt của SAMP/T nằm ở tên lửa đánh chặn tầm xa nhiên liệu rắn hai tầng Aster-30, có động cơ khởi tốc dài 2,3 m, nặng 340 kg, thời gian hoạt động 3,5 giây. Khi cháy hết, nó bị tách bỏ và động cơ chính kích hoạt.

Động cơ chính có trọng lượng 110 kg, chiều dài 2,6 m. Thân tên lửa Aster-30 có 4 cánh ổn định hình chữ nhật và 4 cánh lái ở đuôi. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu bằng cách kết hợp quán tính giai đoạn đầu và radar chủ động giai đoạn cuối.

Hệ thống SAMP/T sử dụng phiên bản nâng cấp của radar Arabel với các tính năng được cải thiện và phát triển theo tên lửa Aster-30, nhằm tăng khả năng chống lại các mục tiêu ở độ cao lớn di chuyển với tốc độ nhanh.

Radar Arabel có thể giám sát, theo dõi 130 mục tiêu khác nhau, dẫn hướng tên lửa tấn công 10 mục tiêu cùng lúc. Hệ thống radar này đủ sức phát hiện tên lửa đạn đạo chiến thuật ở cự ly 600 km.

Xe chỉ huy và radar Arabel có thể kiểm soát tới 6 xe phóng trong bán kính 10 km, dẫn hướng đồng thời cho 16 tên lửa đến các mục tiêu khác nhau. SAMP/T có thể hoạt động độc lập hoặc là bộ phận trong hệ thống phòng không tích hợp.

Về tính năng kỹ chiến thuật, SAMP/T được nhận xét mạnh hơn S-300 và sánh ngang S-350 Vityaz của Nga cho dù đã ra đời cách đây khá lâu, vũ khí này rõ ràng khiến giới chức quân sự Nga quan ngại khi nó nằm ngay sát biên giới nước Nga.

Mỹ-NATO quyết rửa hận với Nga

Moscow cáo buộc hành vi của Tbilisi thực chất chỉ là sự khiêu khích của chính Mỹ-phương Tây với mục đích là nhằm gây thêm áp lực với Nga từ "vùng đệm chiến lược" của Mỹ-NATO ở biên giới phía đông nước Nga.

Vì vậy, theo giới phân tích, có thể nhận diện hành động của Tbilisi là cách Brussels - Washington rửa hận, khi để Moscow đã trả sòng phẳng cả "vốn lẫn lãi của món nợ ở Kosovo" ngày nào qua cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008.

Còn nhớ, nhân dịp kỷ niệm 10 năm kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Gruzia, The Daily Signal đã bình luận rằng, cho đến giờ phút này, những hành vi của Nga đối với Gruzia là không thể nào chấp nhận được trong thế kỷ 21.

Cuộc chiến Nga-Gruzia khiến Mỹ-NATO hoàn toàn bất ngờ

Theo tờ nhật báo Mỹ, lợi dụng thế giới tập trung ở Thế vận hội Mùa hè ở Bắc Kinh, Nga đã cho quân tấn công Gruzia. Nay cuộc chiến kết thúc cả thập kỷ, song hàng ngàn lính Nga vẫn chiếm đóng Abkhazia và Nam Ossetia - 20% lãnh thổ Gruzia.

“Kể từ năm 2008, Nam Ossetia và Abkhazia đã trở thành căn cứ quân sự lớn của Nga. Hàng ngàn lính Nga, hàng trăm xe tăng và xe bọc thép đóng tại đây đã đe dọa đối với các nước láng giềng và các đối tác của Mỹ trong khu vực”.

Vì ổn định ở Nam Caucasus, Mỹ cần phải gây áp lực với Nga để chấm dứt chiếm đóng bất hợp pháp, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia, như khẳng định của Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến thăm Gruzia hồi năm 2017.

Lời lẽ nặng nề của The Daily Signal thực ra không chỉ là quan điểm của riêng một tờ báo chuyên về chính trị của Mỹ, mà thực ra đó là nỗi thất vọng của giới chính trị quân sự Mỹ-phương Tây về cuộc chiến tranh giữa Nga và Gruzia.

Có thể thấy rằng, cuộc chiến tranh Nga - Gruzia đã kết thúc theo kịch bản xấu nhất đối với chiến lược của Mỹ-phương Tây ở Nam Caucasus nói riêng, trong không gian hậu Xô Viết nói chung, và hậu quả không biết khi nào mới khắc phục được.

Xin nhắc lại, sau khi phải lưu lại "ký ức buồn" tại Kosovo dưới thời Boris Yeltsin - thất bại đầu tiên của Nga trước Mỹ-NATO, giới chức tại Moscow được cho là đã thề rằng không bao giờ cho phép lặp "ký ức buồn Kosovo" một lần nào nữa.

Vậy nhưng, hai năm sau sự kiện đáng buồn với Nga ở Kosovo, Mỹ-NATO tiếp tục có hành động khiến Nga không thể thất vọng hơn nữa. Đó là, từ ngày 3 đến 6/4/200, tại Tbilisi của Gruzia, Mỹ-NATO đã bảo trợ cuộc hội thảo về Nam Caucasus.

Sự kiện đặc biệt đó được giới quan sát nhận diện là bước chuẩn bị của Mỹ-phương Tây tiếp tục buộc Nga phải trắng tay một lần nữa, nhưng sẽ ê chề hơn nhiều so với sự kiện Kosovo, vì nó sẽ diễn ra ngay tại sân sau chiến lược của Nga.

Mưu đồ đó được thể hiện rõ tại cuộc Hội thảo NATO-Gruzia, khi những nhà hoạch định chiến lược của Mỹ-NATO đã ủng hộ việc thành lập một Liên minh vùng Nam Caucasus, nhanh chóng đưa Gruzia vào vị thế đối tác của liên minh quân sự này.

Và chín năm sau sự kiện ở Kosovo, phương Tây đã hiện thực hóa ý đồ việc bằng hỗ trợ nhiệt thành Gruzia trong giải quyết xung đột tại Abkhazia và Nam Ossetia, nơi có nhiều người Nga sinh sống.

Nước cờ của Putin khiến cả Washington-Brussels lẫn Tbilisi uất nghẹn

Tuy nhiên, lần này thì Washington và đồng minh đã thất bại, bởi Moscow quá quyết liệt trong việc bảo vệ người Nga tại Abkhazia và Nam Ossetia, và cuộc chiến tranh Nga - Gruzia đã xảy ra, mà kết thúc là làm phá sản hoàn toàn ý đồ của phương Tây.

Việc Nga công nhận Abkhazia và Nam Ossetia độc lập là kịch bản xấu nhất và bất ngờ nhất với Mỹ và các đồng minh. Cho đến nay nước cờ của Tổng thống Putin luôn là nỗi thất vọng với Washington-Brussles trong ván cờ Gruzia.

Như vậy, khi được trao quyền lực, Tổng thống Putin không những ngăn chặn tái lập "ký ức buồn Kosovo", mà còn trả sòng phẳng cho Mỹ-NATO cả "vốn lẫn lãi" của "món nợ" Kosovo.

Vấn đề độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia đã trở thành rào cản hữu hình đối với Washington-Brussles nhằm cắm cờ NATO trên biên giới phía đông nước Nga. Mỹ-NATO "nuốt nghẹn ở Gzuzia" đắng hơn nhiều Nga gặm nhấm "ký ức buồn Kosovo".

Từ đó Mỹ-NATO luôn tìm mọi cách để có thể cắm rễ sâu tại Nam Caucasus - sân sau chiến lược của Nga - và Gruzia đã được xây dựng để trở thành vùng đệm chiến lược của Mỹ-NATO ở phía đông của nước Nga.

Trong xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Gruzia, Mỹ-NATO đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Gruzia và các nước tại Nam Caucasus, đặc biệt Armenia -đồng minh của Nga - cũng bị lôi kéo vào hoạt động quân sự chống Nga này.

Tuy nhiên, cho đến nay, mọi cố gắng vẫn chưa thể giúp Washington-Brussels-Tbilisi nguôi ngoai nỗi hận ngày nào, khi Vladimir Putin quá cương quyết chứ không như Boris Yeltsin. Vì vậy, Mỹ-NATO luôn nung nấu rửa "nỗi hận mang tên Gruzia".

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/gruzia-dua-vu-khi-sat-bien-gioi-nga-giup-my-nato-xa-gian-3405772/